Sáng 6/5: Giá vàng thế giới hồi phục ấn tượng
Sáng nay (6/5), giá vàng giao ngay điều chỉnh giảm nhẹ 0,8 USD xuống mức 3.333,395 USD/oz; vàng tương lai giao dịch ở mức 3.339,39 USD/oz, tăng 17,9 USD so với đầu phiên.

Mặc dù điều chỉnh giảm nhẹ trong sáng nay, giá vàng thế giới đã tăng mạnh hơn 2% trong phiên giao dịch 5/5, xóa bỏ hoàn toàn mức lỗ của tuần trước trong bối cảnh các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý tới thông báo về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chỉ số đô la Mỹ suy yếu nhẹ, đóng góp một phần nhỏ vào đà tăng của vàng. Tuy nhiên, động lực chính của kim loại quý đến từ tâm lý phòng thủ của giới đầu tư trước viễn cảnh kinh tế chưa rõ ràng. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đề xuất áp thuế 100% đối với các bộ phim sản xuất từ nước ngoài đã làm dấy lên lo ngại về khả năng leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu, yếu tố thường thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.
“Chúng ta đang chứng kiến nhu cầu đối với tài sản an toàn tiếp tục tăng lên. Điều này đang giúp vàng duy trì ở vùng giá cao và tôi tin rằng giá sẽ vẫn được giao dịch trên mốc 3.000 USD/oz trong thời gian tới”, Jim Wyckoff - nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals nhận định.
Các nhà giao dịch hiện đang hướng sự chú ý tới quyết định lãi suất của Fed, sẽ được công bố sau cuộc họp sắp tới của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed. Theo công cụ FedWatch của CME, xác suất Fed giữ nguyên mức lãi suất hiện tại là 95,6%, trong khi chỉ có 4,4% khả năng xảy ra một đợt cắt giảm.
Dù thị trường phần lớn không kỳ vọng Fed sẽ thay đổi lãi suất trong kỳ họp lần này, nhà đầu tư vẫn sẽ theo sát bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell nhằm tìm kiếm những manh mối rõ ràng hơn về định hướng chính sách của cơ quan này trong giai đoạn sắp tới.
Fed đã duy trì mức lãi suất chuẩn trong biên độ 4,25% - 4,50% kể từ tháng 12/2024 và đây có thể là lần cuối cùng Fed giữ nguyên lập trường một cách “chắc chắn”.
Tuy nhiên, môi trường chính sách hiện tại không đơn giản. Fed đang chịu sức ép chính trị ngày càng tăng từ Nhà Trắng buộc họ phải giảm lãi suất. Trong khi đó, các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump lại có thể khiến áp lực lạm phát gia tăng, đặt Fed vào thế khó trong việc giữ ổn định lạm phát mà không “bóp nghẹt” đà phục hồi kinh tế.
Trong một báo cáo nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Saxo cho rằng: “Giá vàng hiện đang tìm thấy vùng hỗ trợ kỹ thuật quanh mốc 3.200 USD/oz trước cuộc họp của Fed. Sau khi tăng gần 25% từ đầu năm, đà tăng của vàng đã chững lại, trong khi các quỹ đầu cơ lớn đang cắt giảm vị thế mua ròng xuống mức thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây”.
Dữ liệu việc làm mạnh mẽ công bố cuối tuần trước tiếp tục củng cố triển vọng giữ nguyên lãi suất của Fed. Cụ thể, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng vừa qua cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì được sức tuyển dụng ổn định, bất chấp bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn có khả năng chống chịu tốt và là cơ sở để Fed tiếp tục duy trì lập trường thận trọng với chính sách nới lỏng.
Diễn biến của giá vàng trong những phiên còn lại của tuần sẽ phản ánh rõ hơn tâm lý thị trường về triển vọng lạm phát, hướng đi của chính sách tiền tệ và niềm tin vào tăng trưởng kinh tế Mỹ. Dù thị trường kỳ vọng Fed sẽ "án binh bất động", nhà đầu tư vẫn sẽ đặc biệt theo dõi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell để tìm manh mối về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất trong tương lai.