Vì sao Hải Phòng giành ngôi 'quán quân' PCI năm 2024
Sáng 6/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024. Trong đó, Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu cả nước với 74,84 điểm.
Với kết quả này, Hải Phòng có 3 chỉ số đứng đầu trong các bảng xếp hạng năm 2024 về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là, Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 (PCI); Chỉ số Cải cách hành chính 2024 (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024.

Hải Phòng nhận Cúp và Chứng nhận PCI năm 2024 với vị trí số 1. Ảnh: Đàm Thanh
Theo báo cáo PCI năm 2024, Hải Phòng ghi nhận 7/10 lĩnh vực có sự cải thiện so với năm 2023, bao gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền và thiết chế pháp lý, an ninh trật tự.
Bước chuyển mạnh mẽ của Hải Phòng trong PCI 2024 đến từ nỗ lực cải cách liên tục. Trong lần đánh giá chính thức đầu tiên tại Việt Nam thời điểm năm 2006, PCI Hải Phòng chỉ xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, thành phố. Liên tục từ năm 2006 đến năm 2011, chỉ số PCI của thành phố duy trì mức xếp hạng trong vị trí thấp từ 36 - 48 và luôn biến động, năm trước tăng hạng thì năm sau giảm hạng. Sau đó đến giai đoạn 2012 - 2018, PCI đã cải thiện hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn có những biến động lớn ở vị trí xếp hạng.

Lễ công bố chỉ số PCI năm 2024. Ảnh: Phan Tuấn
Giai đoạn 2019 – 2024, chỉ số PCI Hải Phòng bắt đầu có bước chuyển biến mạnh mẽ, liên tục chinh phục các vị trí xếp hạng cao và giữ vững Top đầu qua các năm. Cụ thể năm 2019 xếp hạng 10/63, năm 2020 xếp hạng 7/63, năm 2021 xếp hạng 2/63, năm 2022 xếp hạng 3/63, năm 2023 xếp hạng 3/63, năm 2024 xếp hạng 1/63.
Như vậy, thành phố Hải Phòng đã có 4 năm liên tiếp nằm trong tốp 3 (từ 2021 - 2024). Đồng thời có 7 năm nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước (các năm 2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023, 2024).
Hàng năm, thành phố đều phân tích cụ thể từng chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần trong số PCI để nêu ra các điểm mạnh, điểm yếu cần khắc phục, từ đó xây dựng kế hoạch cải thiện chỉ số PCI, trong đó đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, các yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giao các Sở, ban, ngành, địa phương đơn vị thực hiện.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định: “Chỉ số PCI đã trở thành công cụ quan trọng giúp Hải Phòng đổi mới tư duy điều hành, nâng cao hiệu quả quản trị, lan tỏa các bài học cải cách, xây dựng thương hiệu địa phương, và đặc biệt là công cụ giám sát hữu hiệu, phản ánh tiếng nói doanh nghiệp đối với chính quyền, qua đó giúp đánh giá, điều chỉnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố”.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu tại Lễ công bố. Ảnh: Đàm Thanh
Nỗ lực cải cách nhằm nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI và các chỉ số cải cách hành chính đã giúp Hải Phòng vươn lên Top 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước vào năm 2024 và duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số liên tục 10 năm qua. Thu ngân sách nhà nước lần đầu vượt mốc 100.000 tỷ đồng vào năm 2022 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao đến nay. Trong 4 năm gần đây (2021-2024), thành phố luôn thuộc Top 5 địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước.
Ông Châu cho biết, Hải Phòng đã ban hành nhiều kế hoạch cải cách hành chính, thực hiện triệt để việc giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân từng cán bộ, đảng viên, theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”. Thành phố thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và FDI để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Trong năm 2024, 100% thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết tại Bộ phận Một cửa; công bố danh mục TTHC và công khai trên hệ thống trực tuyến; các khoản phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến được miễn giảm; triển khai mạng chuyên dụng, đảm bảo kết nối 100% các phường xã và Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính hướng đến xây dựng chính quyền số.

Bộ phận Một cửa UBND quận Ngô Quyền
“Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình và Hải Phòng cũng đang nỗ lực phấn đấu để phát triển ngang tầm các thành phố tiêu biểu châu Á; là thành phố Cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhất là nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung xây dựng chính quyền số bảo đảm quá trình tái cấu trúc hệ thống bộ máy hành chính sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp, thành lập các phường, xã, đặc khu không làm gián đoạn quá trình thực hiện thủ tục hành chính của nhân dân và doanh nghiệp. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 12,5%, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15-16% giai đoạn 2026 - 2030.

Thành phố Hải Phòng hôm nay
Phát triển đồng bộ hạ tầng chiến lược với tinh thần “hạ tầng đi trước – tăng trưởng theo sau”, tập trung vào hoàn thành các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện. Phát triển cảng biển thế hệ mới Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Tiên Lãng, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, mạng lưới logistics và hạ tầng số phủ kín đến cấp xã, làm nền tảng cho kinh tế số.
Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, với trọng tâm chiến lược là phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển cộng đồng doanh nghiệp của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung lớn mạnh, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, với hệ sinh thái giáo dục – y tế – dịch vụ – nhà ở đồng bộ, môi trường sống hấp dẫn để chuyên gia, trí thức, người lao động giỏi “đến Hải Phòng là ở lại, gắn bó và cống hiến”. Cùng với đó, thành phố sẽ phát triển đô thị có bản sắc riêng, vừa văn minh, hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa “Thành phố Cảng”, “Thành phố hoa phượng đỏ” và “Thành phố Anh hùng”.
Đổi mới, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành, xây dựng chính quyền số và nâng cao chất lượng Chỉ số PCI. Tiếp tục triển khai việc triển khai Bộ chỉ số đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) giúp lan tỏa tinh thần cải cách tới tất cả các sở, ngành, địa phương, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả phục vụ.