Sáng 12/5: Giá vàng thế giới giảm giữa kỳ vọng hạ nhiệt thương chiến

Sáng nay (12/5), giá vàng giao ngay giảm 38,235 USD xuống 3.287,155 USD/oz; vàng tương lai giao dịch ở mức 3.291,10 USD/oz, giảm 52,90 USD so với đầu phiên.

Giá vàng thế giới trải qua nhiều biến động trong tuần trước, tuy nhiên tiếp tục giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng trên 3.300 USD/oz. Một số nhà phân tích nhận định, đà tăng của kim loại quý này đang có dấu hiệu chững lại.

James Stanley, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex.com, cho rằng giá vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục neo ở mức cao, dù đà tăng có thể bị kìm hãm.

“Chúng ta chưa thể khẳng định rằng xu hướng tăng đã kết thúc, nhưng tôi cũng không kỳ vọng vàng sẽ sớm vượt mốc 3.500 USD”, ông nói.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) một lần nữa khẳng định chưa vội hạ lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế vẫn ổn định và áp lực lạm phát còn hiện hữu.

Dù Fed vẫn được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất trong mùa hè này, một số chuyên gia cho rằng thị trường vàng đã chuyển sang trạng thái “chờ đợi và quan sát”.

“Việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 7 đã được thị trường định giá khá cao, do đó phần lớn thông tin tích cực đã phản ánh vào giá”, Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets nhận định.

Theo chuyên gia này, trong ngắn hạn, vàng có khả năng đối mặt với áp lực điều chỉnh. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng xu hướng dài hạn của giá vàng là tăng và vàng sẽ vượt mốc 3.500 USD/oz nhờ vào những yếu tố như căng thẳng địa chính trị.

Trong ngắn hạn, các chuyên gia đánh giá rủi ro lớn nhất đối với vàng đến từ kỳ vọng ngày càng tăng rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tiến tới chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Các quan chức cấp cao của Mỹ đã có cuộc gặp với phái đoàn cấp cao của Trung Quốc vào cuối tuần qua tại Thụy Sĩ, đánh dấu vòng đàm phán quan trọng đầu tiên giữa hai nước kể từ khi ông Trump khơi mào cuộc chiến thương mại thông qua việc áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent ngày Chủ Nhật cho biết các cuộc đàm phán với Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng tại Thụy Sĩ đã ghi nhận “tiến triển đáng kể” trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo ông Bessent, cuộc đàm phán giữa hai bên đã đạt được những bước tiến quan trọng, mở ra triển vọng tích cực cho tiến trình đàm phán vốn kéo dài trong bối cảnh căng thẳng leo thang suốt thời gian qua.

“Tôi vui mừng thông báo rằng chúng tôi đã đạt được tiến triển đáng kể giữa Mỹ và Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại rất quan trọng”, ông Bessent phát biểu với báo giới sau phiên làm việc.

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, người cũng tham dự cuộc đàm phán cho biết mức độ khác biệt giữa hai bên hiện nay “không còn lớn như trước”, hàm ý rằng các rào cản trong đối thoại đang từng bước được tháo gỡ.

Bộ trưởng Bessent cho biết ông đã báo cáo trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump về tiến độ đàm phán và sẽ công bố chi tiết hơn trong cuộc họp báo dự kiến diễn ra vào ngày thứ Hai.

Ông Michael Brown, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Pepperstone, cho biết kỳ vọng về việc hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng và đây không phải là yếu tố tích cực cho vàng.

“Nếu các mức thuế được điều chỉnh hoặc gỡ bỏ, điều này có thể kích hoạt làn sóng bán ra trên thị trường vàng trong ngắn hạn”, ông nhận xét.

Dù vậy, ông Brown cũng nhấn mạnh rằng mọi đợt điều chỉnh đều là cơ hội để tích lũy dài hạn.

“Vàng vẫn là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn chính trị và địa chính trị. Kim loại quý này cũng đang được hưởng lợi từ dòng vốn đổ vào do nhu cầu đa dạng hóa dự trữ, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi. Với sự bất định trong chính sách của Mỹ, không dễ để dòng tiền này đảo chiều trong ngắn hạn”, ông nói thêm.

Bên cạnh yếu tố địa chính trị, các nhà phân tích cho rằng dữ liệu lạm phát được công bố trong tuần này sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới xu hướng của vàng. Mối đe dọa từ lạm phát gia tăng tạo ra tác động trái chiều: lạm phát cao buộc Fed duy trì lãi suất, qua đó có thể gây áp lực lên nền kinh tế; nhưng đồng thời, lạm phát cũng làm giảm lãi suất thực, hỗ trợ cho giá vàng.

Tuần này, thị trường sẽ đối mặt với loạt dữ liệu kinh tế dày đặc, bắt đầu với chỉ số CPI tháng 4 của Mỹ vào thứ Ba - yếu tố được xem là chìa khóa đánh giá khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Thứ Năm là điểm nhấn với hàng loạt chỉ số như PPI, doanh số bán lẻ, đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, khảo sát sản xuất Empire State và khảo sát của Fed Philadelphia. Ngoài ra, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng sẽ có bài phát biểu giữa loạt dữ liệu này. Thứ Sáu là khảo sát sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan.

Lê Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/sang-125-gia-vang-the-gioi-giam-giua-ky-vong-ha-nhiet-thuong-chien-164005.html
Zalo