Sáng 1/5: Giá vàng thế giới giảm dù kinh tế Mỹ suy yếu

Sáng nay (1/5), giá vàng thế giới giao ngay giảm 38,715 USD xuống 3.249,440 USD/oz; vàng tương lai giao dịch ở mức 3.353,19 USD/oz, giảm 65,91 USD so với đầu phiên.

Giá vàng giao ngay giảm vào sáng nay nhưng vẫn tăng mạnh từ mức thấp trong phiên trước sau khi dữ liệu mới được công bố cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu hơn dự kiến, làm gia tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Giá vàng đã ghi nhận tháng tăng thứ tư liên tiếp với mức tăng 6% trong tháng 4, củng cố vị thế trong xu hướng tăng giá dài hạn.

Báo cáo kinh tế mới nhất cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 0,3% trong quý 1/2025, do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng các mức thuế quan mới. Con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà kinh tế là tăng trưởng 0,8% và cho thấy sự suy giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 2,4% được ghi nhận trong quý cuối cùng của năm 2024.

Thị trường lao động cũng cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Theo báo cáo việc làm của ADP, tuyển dụng khu vực tư nhân trong tháng 4 chỉ tăng thêm 62.000 việc làm mới, ít hơn một nửa so với dự báo là 134.000 việc làm và giảm đáng kể so với mức 147.000 việc làm của tháng 3.

“Dữ liệu GDP yếu đã mở ra con đường dễ dàng hơn cho Fed cắt giảm lãi suất, yếu tố có lợi cho vàng. Tuy nhiên, sau đợt tăng mạnh lên 3.500 USD, vàng có thể giao dịch đi ngang trong ngắn hạn”, Tai Wong, nhà giao dịch kim loại độc lập nhận định.

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng thị trường vàng vẫn giữ vững tâm lý tự tin, đặc biệt khi các nhà giao dịch dự đoán sự suy yếu kinh tế của Mỹ trở nên rõ nét hơn có thể thúc đẩy Fed giảm lãi suất, với tổng mức cắt giảm có thể lên tới 100 điểm cơ bản vào cuối năm nay.

Vàng, tài sản không sinh lợi suất, tiếp tục được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và vai trò trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn chính trị và tài chính. Kim loại quý này đã lập đỉnh lịch sử 3.500,05 USD/oz vào ngày 22/4, phản ánh sức hút mạnh mẽ giữa các rủi ro kinh tế và thương mại.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - không có biến động trong tháng 3, sau khi tăng 0,4% trong tháng trước đó. Tuy nhiên, PCE lõi (loại trừ thực phẩm và năng lượng) trong quý I đã tăng tốc lên mức 3,5%, cao hơn đáng kể so với mức 2,6% của quý trước đó.

Chuyên gia Tai Wong nhận xét thêm: “Vàng vẫn đứng vững bất chấp chỉ số PCE lõi đạt mức thấp nhất kể từ đại dịch, chủ yếu nhờ vào đợt tăng giá mạnh mẽ trước đó khi GDP Mỹ bất ngờ sụt giảm”.

Thị trường hiện đang hướng sự chú ý đến báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ, dự kiến công bố vào thứ Sáu. Đây được xem là dữ liệu then chốt có thể ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng điều hành lãi suất của Fed trong thời gian tới.

Lê Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/sang-15-gia-vang-the-gioi-giam-du-kinh-te-my-suy-yeu-163582.html
Zalo