Hà Nội vững bước trên đường phát triển

Đã 50 năm từ ngày thống nhất, đất nước bao mùa thay áo mới, ngày càng vững bước trên đường phát triển; tiến tới văn minh, giàu mạnh.

Đó cũng là xu hướng tất yếu, mang tính thời đại để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới, với sự vào cuộc, đóng góp rất to lớn của mỗi địa phương mà tiêu biểu là Hà Nội.

Thực tế cho thấy, sự lớn mạnh về quy mô và tầm vóc kinh tế cũng như hình ảnh Hà Nội luôn tỏa sáng, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh của Thủ đô một đất nước năng động, đầy khát vọng…

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai). Ảnh: Đỗ Tâm

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai). Ảnh: Đỗ Tâm

Phát triển không ngừng

Ở thời điểm năm 1975, Hà Nội đã xây dựng được 232 xí nghiệp quốc doanh và 411 hợp tác xã thủ công nghiệp. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt mức cao hơn hẳn so với năm 1960, như thu nhập quốc dân, sản xuất gấp 2,4 lần; giá trị tổng sản lượng công nghiệp gấp 3,5 lần.

Sau khi được mở rộng địa giới hành chính với việc sáp nhập thêm 5 huyện và 1 thị xã của tỉnh Hà Sơn Bình (huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây) và 2 huyện của tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Mê Linh, Sóc Sơn), hoạt động công, thương Thủ đô đối diện nhiều khó khăn, thử thách mới, nhất là quy mô nhỏ bé của hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tình trạng thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, phương tiện, cán bộ nghiệp vụ phổ biến ở các cơ quan, đơn vị, cơ sở trong ngành. Đó là những năm tháng vất vả, đầy khó khăn của một thời bao cấp, khi chưa có điều kiện huy động, tận dụng tất cả nguồn lực, tiềm năng phục vụ mục tiêu tăng trưởng của thành phố.

Nhưng với tinh thần vượt khó, đoàn kết, cầu thị, Hà Nội đã từng bước khắc phục tồn tại, hướng tới tăng trưởng nhanh, mở rộng quy mô song song với cải thiện chất lượng tăng trưởng. Đặc biệt, cùng cả nước bước vào giai đoạn đổi mới, Hà Nội liên tục phát triển, bứt lên qua từng năm, từng giai đoạn kế hoạch 5 năm.

Từ nền sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, đến giai đoạn 2011-2020, công nghiệp Thủ đô đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung GRDP của thành phố.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 9,2%, giai 2016-2020 đạt 7,45% (do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020).

Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%). Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực như điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học…

Thủ đô cũng chủ động tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh, làm nền tảng cho sự phát triển những năm tiếp theo.

Hiện tại, Hà Nội đã thu hút đầu tư phát triển hạ tầng 113 cụm công nghiệp, trên tổng diện tích 2.143ha, đạt tỷ lệ 71% về số lượng và 66,9% về diện tích so với quy hoạch.

Nhà đầu tư nước ngoài đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU… đã sớm có mặt, lựa chọn Hà Nội là địa chỉ làm ăn lâu dài, triển khai nhiều dự án có tầm vóc và sức lan tỏa. Trong đó, phải kể đến việc Samsung đã đầu tư, vận hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rất hiện đại, đánh dấu bước chuyển về chất trong thu hút dòng vốn quốc tế.

Đồng thời, Hà Nội với vai trò, vị thế trung tâm Đồng bằng sông Hồng, có bề dày của lịch sử mảnh đất kinh kỳ, kẻ chợ và tinh hoa hội tụ, tự thân đã mang trong mình sức hút rất lớn, mang đậm tính dẫn dắt và năng lực tiếp thu, chuyển đổi, nhân lên các nguồn lực, sức mạnh để rồi tác động lan tỏa trên bình diện cả miền Bắc.

Năm 2024, kinh tế Hà Nội tăng trưởng 6,52% so với năm trước. Trong quý I-2025 kinh tế Thủ đô đã tăng mạnh, bứt tốc đáng ghi nhận, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng tới 7,35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Chi cục Thống kê Hà Nội, trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố bất lợi nhưng tình hình kinh tế Hà Nội đã có chuyển biến rất tích cực là chỉ dấu thể hiện sức vươn lên của Thủ đô với khát vọng đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế nhanh, bền vững, mà trước mắt là hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng trong năm kế hoạch 2025...

Thực tế cho thấy, quy mô kinh tế của Hà Nội rất lớn, đạt 59 tỷ USD và một khi đạt mức tăng trưởng khả quan thì sẽ đóng góp to lớn hơn vào kết quả phát triển chung (GDP), xứng đáng với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế của cả nước.

Vững bước tới tương lai

Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường tích hợp, kết nối liên thông, rút ngắn thời gian giải quyết nhu cầu người dân, doanh nghiệp thông qua qua ứng dụng công nghệ thông tin; hiện đại hóa hạ tầng để nâng cao hiệu quả phục vụ. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí, công sức và thời gian.

Đội ngũ doanh nghiệp Hà Nội ngày càng trưởng thành và đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế trên địa bàn. Trên thực tế, nhiều đơn vị đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp, đầu tư công nghệ hiện đại, áp dụng quản trị tiên tiến nhất là tập trung nguồn lực cho chuyển đổi số, theo đuổi mục tiêu sản xuất xanh…

Đáng tự hào nữa là bức tranh đô thị của Thủ đô đã và đang thay đổi nhanh chóng, đưa Hà Nội từ một thành phố nhỏ ven sông, với 4 quận nội thành chật chội chuyển mình lên quy mô rộng lớn, theo hướng hiện đại; xứng tầm với vị thế đầu tàu của một nước hơn 100 triệu dân.

Sông Hồng sẽ thêm nhiều cây cầu bắc qua như những dấu ấn của Hà Nội chuyển mình phát triển, tới văn minh, hiện đại.

Từ cầu Thăng Long, Nhật Tân, Thanh Trì, Vĩnh Tuy... đến không lâu nữa là cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi hay Mễ Sở, Hà Nội sẽ là thành phố của những cây cầu hiện đại bên sông, với dáng vóc, quy mô mang tầm thời đại.

Từ bây giờ có thể mường tượng về một Hà Nội trong tương lai với tầm vóc, sức mạnh vượt trội. Theo đó, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Hà Nội sẽ là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn, trung tâm hàng đầu về giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5-9,5%/năm thời kỳ 2021-2030. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,4 lần năm 2020; đóng góp 15-16% GDP của cả nước, khoảng 45-46% GRDP của vùng Đồng bằng sông Hồng.

GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 USD-14.000 USD. Kinh tế số chiếm 40% trong GRDP, công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố. Tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 7,5-8%/năm.

Xa hơn, đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh-thông minh-thanh bình-thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao. GDRP bình quân đầu người khoảng 45.000-46.000 USD.

Hà Nội từng đồng hành, đóng góp sức người sức của cũng như bản sắc, trí tuệ của mình vào công cuộc phát triển kinh tế quốc gia; hôm nay đang cùng cả nước vững bước trên đường tới ngày mai…

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-vung-buoc-tren-duong-phat-trien-700972.html
Zalo