Sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả có mức án cao nhất là tử hình
Anh Hồ Sỹ Thái (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) hỏi: Thuốc tân dược giả được sản xuất, buôn bán với quy mô lớn đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Vậy, pháp luật quy định xử phạt như thế nào?

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.
Trả lời: Theo quy định của Bộ luật Hình sự:
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2 tỷ đồng trở lên;
b) Làm chết 2 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tiền từ 1-4 tỷ đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 điều này thì bị phạt tiền từ 4-9 tỷ đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều này thì bị phạt tiền từ 9-15 tỷ đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 điều này thì bị phạt tiền từ 15-20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1-3 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của bộ luật này thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100-300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.
Như vậy, người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì tùy theo tính chất phạm tội, phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình.