Sẵn sàng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường toàn cầu
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã tạo khí thế mới với nhiều trường đại học trên cả nước. GS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã có những trao đổi về việc hiện thực hóa chủ trương của Nghị quyết 57 cũng như sứ mệnh, lộ trình đào tạo nhân lực của Nhà trường đáp ứng thị trường toàn cầu.
Video GS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ 3 trụ cột hiện thực hóa Nghị quyết 57 trong đào tạo nguồn nhân lực:
Thưa ông, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được giới chuyên gia xem như một bước đi chiến lược nhằm khẳng định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Là một trường đại học đào tạo kỹ thuật top đầu ở khu vực phía Nam, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã hiện thực hóa Nghị quyết này như thế nào?
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một nghị quyết vô cùng quan trọng, đáp ứng được những mong mỏi của người làm khoa học và đào tạo bao năm qua.
Ngay khi Nghị quyết 57 ra đời, Đảng bộ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình hành động và các trường thành viên, trong đó Trường Đại học Bách khoa có chương trình hành động riêng.
Đây là cơ hội vô cùng to lớn cho Nhà trường và đội ngũ thầy cô. Là trường đại học đào tạo kỹ thuật công nghệ hàng đầu khu vực phía Nam và cả nước, Trường Đại học Bách khoa đã minh chứng được uy tín, chất lượng đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự phát triển của khu vực cũng như đất nước. Được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách và chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đào tạo chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ kỹ sư thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nghị quyết 57 là cú hích tạo đà cho Nhà trường tiếp nối truyền thống, thành quả đã làm được. Từ đó, đột phá đưa Trường Bách khoa lên tầm cao mới.
Nhà trường xác định 3 hướng trọng tâm đã, đang thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới dưới sự hỗ trợ của Nghị quyết 57 như sau:
Thứ nhất, về nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, Nhà trường có thế mạnh về nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực trọng tâm, mang tính chiến lược được Nghị quyết 57 nhắc đến như: Công nghệ bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Vật liệu mới… Đây cũng là thế mạnh và xu thế đầu tư của Nhà trường từ trước tới nay.
Trong lĩnh vực Vi mạch bán dẫn, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tự hào dẫn đầu cả nước về chất lượng đào tạo. Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy một tỷ lệ lớn các kỹ sư trong các công ty vi mạch tại Việt Nam đều tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Với cú hích của Nghị quyết 57 thì những nền tảng đang có của Trường sẽ được phát huy hơn, đáp ứng kỳ vọng của Nghị quyết 57. Đó là Việt Nam sớm làm chủ được một số công nghệ lõi, thuộc công nghệ chiến lược.
Ngoài ra, Nhà trường có tiềm năng trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và là cơ sở đào tạo đã được đầu tư, có kinh nghiệm trong dữ liệu lớn. Phòng thí nghiệm phục vụ cho các lĩnh vực này được hiện thực hóa cách đây gần 10 năm. Cùng với đó là đào tạo những lĩnh vực là thế mạnh của Nhà trường như Năng lượng mới, Năng lượng tái tạo, Vật liệu tiên tiến… Tôi hy vọng, Nhà trường đang triển khai những chương trình, đề án sẽ đạt được mục tiêu như mong đợi mà Nghị quyết 57 đặt ra.

Trường Đại học Bách khoa là đối tác học thuật đầu tiên tại Việt Nam chính thức ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Marvell. Hiện có đến 50% kỹ sư tại Công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam là cựu sinh viên, học viên của Nhà trường. Ảnh: BKTPHCM
Thứ hai, về đào tạo nguồn nhân lực. Song song với phát triển công nghệ, tôi cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến kỹ thuật công nghệ là vô cùng quan trọng. Điều này đã được Nhà trường làm tốt.
Cụ thể, Nhà trường tiên phong quốc tế hóa giáo dục với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ chuyên môn mà còn về các kỹ năng khác để hòa nhập với thị trường lao động quốc tế. Đặc biệt, sự đòi hỏi của thị trường ngày càng cao, trường đào tạo thông qua các giải pháp cụ thể: Đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh; tăng cường trao đổi với đối tác quốc tế; tăng cường đào tạo dựa trên đề án; đặc biệt nhà trường xây dựng đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù, trong đó có 1 học kỳ doanh nghiệp. Đó là các giải pháp để nhà trường nâng cao chuyên môn, các kỹ năng và năng lực khác để đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động, đặc biệt là thị trường toàn cầu.
Thứ ba, nhà trường đã triển khai công tác khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên từ năm 2010 với nhiều chương trình hỗ trợ sinh viên như: Xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu để đưa vào giảng dạy; Hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp hoạt động khá hiệu quả. Sắp tới, Nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác này thông qua hỗ trợ khởi nghiệp thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà trường và kêu gọi quỹ từ bên ngoài.
Ngoài ra, liên quan đến đổi mới sáng tạo, Nhà trường tìm cách đưa kết quả nghiên cứu của các thầy cô ra bên ngoài thông qua hoạt động đổi mới sáng tạo, mạng lưới hợp tác với các đối tác doanh nghiệp. Đây là thế mạnh và là truyền thống của Nhà trường. Đó là xây dựng hệ thống doanh nghiệp cựu sinh viên. Hiện tại, Nhà trường có hơn 150.000 cựu sinh viên, trong đó rất nhiều cựu sinh viên thành đạt hoạt động khối công nghiệp. Đó là những doanh nghiệp, doanh nhân lớn có lĩnh vực hoạt động đa dạng, đa ngành nghề rất phù hợp với lĩnh vực đào tạo của Nhà trường. Chúng tôi đã và đang xây dựng mạng lưới này một cách có tổ chức, hoạt động bà bản và có sự song hành với nhà trường trong việc hỗ trợ sinh viên thực tập, kiến tập, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn; hỗ trợ các giảng viên xác định và thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính thực tiễn hơn.
Đào tạo nguồn nhân lực được xác định là một trong những vấn đề cốt lõi để triển khai Nghị quyết 57. Vậy Nhà trường đã hiện thực hóa những cơ chế nào của Nghị quyết 57 cũng như tạo cơ chế đặc biệt để những nhà khoa học trẻ có không gian phát triển, đóng góp cho hoàn thành mục tiêu mà Nhà trường đặt ra, thưa ông?
Để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong top đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam và triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Chương trình thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành (gọi tắt là Chương trình VNU350) và Chương trình Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Chương trình Giáo sư thỉnh giảng).
Riêng Trường Đại học Bách khoa có chương trình cộng thêm. Trường Đại học Bách khoa nhận thức rõ bên cạnh chương trình thu hút cơ bản nêu trên cần có một chính sách thu hút nữa, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Trong nhiều chính sách thì có chương trình hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ. Từ trước tới nay các giảng viên trẻ về trường rất khó bắt đầu thực hiện nhiệm vụ khoa học như: Thiếu thốn về hạ tầng, phòng thí nghiệm, mặt bằng, nhân lực. Thấy được những mặt hạn chế này, Trường Đại học Bách khoa đã xây dựng các các nhóm nghiên cứu trẻ từ khi họ mới về trường. Nhóm nghiên cứu này chỉ cần đề xuất ý tưởng khả thi, có năng lực triển khai thì Nhà trường sẽ hỗ trợ về không gian, hạ tầng nghiên cứu và đặc biệt một ít kinh phí hỗ trợ ban đầu để nhóm triển khai.

Thế mạnh và truyền thống của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là xây dựng hệ thống doanh nghiệp cựu sinh viên. Trong hình là Đại hội Đại biểu Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa lần II năm 2024 là một trong những hoạt động như vậy. Ảnh: BKTPHCM
Thưa ông, một trong những đột phá quan trọng của Nghị quyết 57 chính là việc chấp nhận những rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong nghiên cứu khoa học cũng như khuyến khích người trẻ dám nghĩ, dám làm?
Nghị quyết 57 khuyến khích các nhà khoa học không ngại thử nghiệm, không ngại thất bại để tạo điều kiện cho các ý tưởng đột phá phát triển. Trên thực tế đây chính là thuộc tính của nghiên cứu và sáng tạo. Cộng đồng các nhà hoa học rất mừng.
Tôi đánh giá rất cao nội dung này bởi điều này giúp cộng đồng làm khoa học công nghệ yên tâm tham gia vào nghiên cứu và sáng tạo. Nhưng xa hơn nữa là nhận thức của xã hội, tạo nên niềm tin với những người làm khoa học, sáng tạo, từ đó tạo nên văn hóa không sợ sai. Tôi rất hy vọng với nhận thức này sẽ được lan tỏa ra trong xã hội. Những người nào dám dấn thân, dám nghiên cứu, chấp nhận rủi ro sẽ vững tâm hơn. Họ được nhìn nhận và tôn trọng.
Trên thực tế, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã có những nhận thức này và triển khai từ trước. Tất nhiên, Trường luôn tuân thủ những quy định của Nhà nước nhưng vẫn tạo cơ chế mở với các đề tài nghiên cứu khoa học trong phạm vi Nhà trường. Chẳng hạn, với các đề tài nghiên cứu khoa học nguồn kinh phí của Nhà trường, được Nhà trường chủ động xây dựng các chính sách bớt phức tạp hơn, khoán đến sản phẩm cuối cùng, không nặng nề thuyết minh, báo cáo và các thủ tục rườm rà khác. Người làm khoa học được giải phóng các thủ tục hành chính, yên tâm, tin tưởng theo tinh thần "nếu tôi không làm gì gian dối, có rủi ro nghiên cứu vẫn được tôn trọng và chấp nhận". Đó là điều chúng tôi luôn hướng tới.
Trân trọng cảm ơn ông!