Sẵn sàng, chủ động, hoàn thành tốt nhiệm vụ tác nghiệp y tế dịp nghỉ lễ
Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài dịp 30/4 và 1/5, hệ thống khám chữa bệnh trên cả nước tiếp tục thể hiện sự sẵn sàng và chủ động khi tiếp nhận và điều trị cho hơn 218.000 người bệnh đang nằm viện.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), các cơ sở y tế đã duy trì ứng trực bốn cấp liên tục 24/24 giờ, sẵn sàng cấp cứu trong mọi tình huống, từ tai nạn giao thông đến các sự kiện cộng đồng quy mô lớn.

Theo các chuyên gia y tế, dịp nghỉ lễ dài là thời điểm dễ xảy ra các tình huống cấp cứu do tai nạn, bệnh lý hoặc các sự cố sinh hoạt.
Tính đến 7 giờ sáng ngày 1/5, tổng số người bệnh đang được điều trị tại các bệnh viện, trung tâm y tế và cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc là 218.602 người.
Trong vòng 24 giờ trước đó, ngành Y tế đã tiếp nhận và xử lý 73.176 lượt khám và cấp cứu, trong đó có 28.836 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú, 21.556 người bệnh ra viện, và 2.274 trường hợp được chuyển tuyến để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Dù rơi vào kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhưng hệ thống khám chữa bệnh vẫn vận hành trơn tru, không xảy ra tình trạng quá tải hay thiếu hụt nhân lực. TS.Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh, tất cả các đơn vị y tế từ trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về đảm bảo công tác khám chữa bệnh, sẵn sàng cấp cứu các trường hợp tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông có nguy cơ tăng cao trong dịp nghỉ lễ.
Đáng chú ý, trong sự kiện diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước tổ chức tại TP.HCM ngày 30/4, lực lượng y tế đã hoàn thành nhiệm vụ tác nghiệp y tế với kết quả an toàn tuyệt đối. Duy nhất một trường hợp một du khách Việt kiều bị hạ đường huyết do dậy sớm đã được lực lượng y tế can thiệp kịp thời và ổn định sức khỏe ngay tại hiện trường.
Trong vòng 24 giờ tính đến 7 giờ ngày 1/5, các cơ sở y tế đã tiếp nhận 3.981 ca cấp cứu nghi do tai nạn giao thông. Trong đó, 1.737 người phải nhập viện điều trị hoặc theo dõi, và đáng tiếc có 14 ca tử vong, bao gồm 12 ca tử vong trước khi đến được bệnh viện và 2 ca tử vong tại cơ sở y tế. Ngoài ra, có 5 trường hợp tiên lượng tử vong được gia đình xin về và 411 bệnh nhân phải chuyển viện.
TS. Hà Anh Đức đánh giá, tình hình cấp cứu tai nạn giao thông năm nay không có biến động đột biến so với cùng kỳ năm 2024, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng y tế, giao thông và chính quyền địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó.
Trước đó để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ dài năm nay, ngay từ ngày 25/4, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo tất cả các bệnh viện trực thuộc, Sở Y tế các tỉnh thành và Y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác khám chữa bệnh, đảm bảo nhân lực, thuốc men, thiết bị, phương tiện vận chuyển cấp cứu trong dịp nghỉ lễ. Các đơn vị đều xây dựng kế hoạch phân công trực khoa, trực lãnh đạo, bảo đảm vận hành thông suốt các hoạt động chuyên môn.
Sự chủ động này không chỉ giúp giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến đầu mà còn thể hiện mức độ chuyên nghiệp ngày càng cao của hệ thống y tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh phải cùng lúc đảm bảo an toàn y tế cho các sự kiện trọng đại và xử lý hàng chục nghìn ca khám cấp cứu mỗi ngày.
Theo các chuyên gia y tế dịp nghỉ lễ dài là thời điểm dễ xảy ra các tình huống cấp cứu do tai nạn, bệnh lý hoặc các sự cố sinh hoạt. GS-TS.Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã đưa ra cảnh báo về 9 nhóm tình huống cấp cứu thường gặp và khuyến nghị cụ thể nhằm giúp người dân chủ động phòng tránh, đảm bảo kỳ nghỉ an toàn, khỏe mạnh.
Theo GS-TS.Hoàng Bùi Hải, tai nạn giao thông luôn là mối nguy thường trực trong những ngày lễ. Số lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng đột biến, cùng với thói quen sử dụng rượu bia khi liên hoan, tụ họp khiến nguy cơ va chạm, tai nạn nghiêm trọng tăng cao.
Nhiều trường hợp cấp cứu do chấn thương sọ não, gãy xương, đa chấn thương... đã được ghi nhận tại các bệnh viện trong các kỳ nghỉ lễ. Người dân được khuyến cáo tuyệt đối không lái xe sau khi sử dụng rượu bia, đội mũ bảo hiểm đúng chuẩn và tuân thủ luật giao thông để bảo vệ an toàn cho chính mình và cộng đồng.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng ngộ độc thực phẩm và ngộ độc rượu, đặc biệt liên quan đến các loại rượu không rõ nguồn gốc, chứa methanol (cồn công nghiệp). Không ít người nhập viện vì tiêu chảy cấp, nôn mửa, đau bụng, thậm chí suy hô hấp, hôn mê do ngộ độc.
Để phòng tránh, người dân cần lựa chọn thực phẩm tươi sống, nấu chín kỹ, hạn chế ăn uống tại các quán hàng không đảm bảo vệ sinh, và tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không nhãn mác rõ ràng.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiều gia đình lựa chọn các hoạt động ngoài trời như đi biển, hồ bơi, đặc biệt là đối với trẻ em. Đây là thời điểm nguy cơ đuối nước gia tăng mạnh.
Đã có nhiều trường hợp thương tâm xảy ra do thiếu sự giám sát hoặc không có trang thiết bị hỗ trợ an toàn khi bơi. Người lớn cần luôn theo dõi sát trẻ khi tắm, trang bị áo phao cho người không biết bơi và chỉ nên bơi ở những nơi có lực lượng cứu hộ túc trực.
Các tai nạn sinh hoạt như bỏng bếp, đứt tay khi nấu ăn, té ngã cầu thang... cũng rất phổ biến khi mọi người ở nhà, nấu nướng, dọn dẹp. Những sự cố tưởng chừng nhỏ này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không xử lý đúng cách. Để hạn chế rủi ro, cần giữ không gian sinh hoạt sạch sẽ, khô ráo, thận trọng khi dùng dao kéo, nước sôi và không để trẻ em chơi gần khu vực bếp, cầu thang.
Đối với những người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, kỳ nghỉ dài có thể khiến việc dùng thuốc bị gián đoạn, chế độ ăn uống thay đổi, giấc ngủ không điều độ, dẫn đến nguy cơ tái phát bệnh.
GS-TS.Hoàng Bùi Hải khuyến cáo người bệnh nên tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị, luôn mang theo thuốc bên người, tránh ăn mặn hoặc uống rượu bia quá mức và nếu có kế hoạch đi xa nên liên hệ trước với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cụ thể.
Tình trạng say nắng, kiệt sức do nắng nóng cũng là một nguyên nhân cấp cứu không hiếm gặp trong các chuyến du lịch hoặc hoạt động ngoài trời.
Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gắt trong thời gian dài, cơ thể có thể bị mất nước, tụt huyết áp, thậm chí đột quỵ nếu không được xử trí kịp thời. Việc mặc quần áo sáng màu, đội mũ rộng vành, uống đủ nước và tránh ra ngoài vào giờ cao điểm nắng nóng (11h - 15h) là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng tránh.
Trong thời gian nghỉ, trẻ em cũng có xu hướng chơi đùa nhiều hơn, tiếp xúc với chó mèo, côn trùng khiến nguy cơ bị cắn, chích tăng cao.
Các vết thương do động vật có thể dẫn đến nhiễm trùng, dị ứng, thậm chí bệnh dại nếu không xử lý kịp. Phụ huynh cần hạn chế cho trẻ chơi gần động vật lạ, đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho thú nuôi trong nhà, và đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi bị cắn, dù chỉ là vết xước nhỏ.
Ngoài ra, một số người có thể gặp phải phản ứng dị ứng khi ăn thực phẩm lạ, hải sản, dùng thuốc mới hoặc do côn trùng chích. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ - tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời. Những người có tiền sử dị ứng nên tránh dùng các sản phẩm lạ, luôn mang theo thuốc điều trị và thông báo trước với nhân viên phục vụ khi ăn uống tại nhà hàng.
GS-TS.Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh, mỗi người dân khi đi chơi xa nên chuẩn bị một túi sơ cứu cá nhân, ghi nhớ số cấp cứu 115 và tìm hiểu trước các cơ sở y tế gần nơi lưu trú.
Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý và trang bị kiến thức y tế cơ bản để kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ. “Chủ động chăm sóc sức khỏe chính là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và người thân trong những ngày nghỉ lễ”, ông khuyến nghị.