Lá cờ thiêng
Để tưởng nhớ một người lính...
Tây Nguyên, tháng 11. Thời tiết bắt đầu bước vào mùa khô. Những con đường đất đỏ bazan vắt qua thung lũng Ia Drăng phơi mình trong nắng xối. Gió len qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, mang theo hơi nóng hầm hập. Khung cảnh nơi đây hoàn toàn lạ lẫm với Leon. Đôi mắt Leon đỏ ngầu vì bụi và thiếu ngủ. Cả tuần nay anh đã thuê xe máy chạy sà sã quanh Ia Drăng. Hễ ai mách cho manh mối gì, anh đều lặn lội tìm đến.

Chuyến đi này của Leon đến Ia Drăng nhằm mục đích duy nhất là tìm chủ nhân của lá cờ mà anh đang giữ như vật bất ly thân. Lá cờ thực ra không thuộc về anh. Đó là chiến lợi phẩm mà cha anh, John, đã mang về Mỹ sau khi rời khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam năm 1965.
Khi đó ông chưa đầy 20 tuổi. Chiến tranh đã cứa đứt của ông một cánh tay và khiến ông phải mất một khoảng thời gian khá lâu mới có thể hòa nhập được với cộng đồng. Mười năm sau trận chiến khốc liệt tại Ia Drăng, John tìm được hạnh phúc riêng cho mình. John gọi Leon là “trái ngọt” mà cuộc đời đã ban tặng cho ông.
Ông muốn Leon biết về những chiến tích khét mùi khói súng thời trai trẻ của ông. Nên hễ có dịp là ông lại tổ chức nhậu nhẹt tại nhà, kéo những người bạn lính của mình đến và say sưa kể chuyện quá khứ cho Leon nghe.
Những lúc như vậy Leon không khỏi ái ngại khi thấy cha nhúng đẫm mình vào rượu và trở nên vô cùng ồn ào. Ông la hét, luôn miệng hô xung phong, rồi còn làm giả tiếng súng trận “pằng pằng” liên hồi và chạy quanh phòng như một con thú bị thương.
Trong cơn cao hứng, ông sẽ kể đi kể lại về khoảnh khắc giương súng, bóp cò, hạ gục đối phương, giật lấy lá cờ từ tay anh ta, và mang về Mỹ như biểu tượng của chiến thắng.
Leon để ý, thấy có một số bạn của cha chỉ ngồi trầm mặc như một pho tượng, rồi lặng lẽ rời đi như những chiếc bóng lặng câm. Bản thân Leon, anh không hề cảm thấy tự hào về chiến tích của cha. Anh không chịu được cảnh chiến tranh đầu rơi máu chảy. Mẹ anh vẫn thường xuyên đưa ông đi bác sĩ trị liệu tâm lý.
Leon nhớ mãi một đêm nọ, khi đó anh chừng 8 tuổi. Anh trốn về phòng riêng khi bữa tiệc của cha trở nên hỗn loạn. Leon cố tình bật nhạc thật to để át tiếng la hét đầy kích động của cha dưới nhà. Vì quá mệt, anh đã ngủ thiếp đi.
Bỗng Leon thấy có người ngồi xuống cạnh giường, nhìn anh chăm chú. Khuôn mặt người ấy đen sạm bởi khói thuốc súng, hai tay ôm chặt lồng ngực máu đang tuôn xối xả. Đôi mắt người ấy nhìn Leon như trách móc.
Leon hoảng hốt ngồi bật dậy. Tiếng nhạc rock and roll ầm ĩ cũng không khiến Leon thấy bình tâm hơn. Kể từ đó ánh nhìn oán trách của người lính vô danh cứ bám riết lấy Leon. “Anh ta là ai?” - câu hỏi ấy ghim chặt trong đầu Leon.
*
Leon đã cân nhắc rất nhiều về chuyến đi lần này. Thế nhưng người thân và cả William, cậu bạn nối khố của Leon, đều ra sức ngăn cản vì thấy kế hoạch quá phiêu. Leon sẽ làm được gì đây khi nhất mực dấn thân vào vùng đất từng được mệnh danh là “sơn lam chướng khí”, tử địa của một thời? Chính cha anh cũng đã suýt bỏ mạng ở nơi này.
Thử hình dung nếu đồng đội, người thân của người lính ấy biết anh là con trai của kẻ đã giương súng bắn vào đồng đội của họ, vào con của họ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu máu có phải trả bằng máu?
Leon không khỏi có cảm giác hoang mang.
Ngày cha mất, Leon quyết định treo lá cờ “chiến lợi phẩm” trong phòng mình như là cách để tưởng nhớ cha cũng như tưởng nhớ người lính bên kia chiến tuyến. Chiến tranh không phải trò đùa, nhưng số phận con người có khi bỗng biến thành trò đùa trong “cuộc chơi” vô tình của súng đạn.
Không hiểu sao, Leon luôn có cảm giác nhoi nhói khi nhìn vào lá cờ ấy. Lá cờ có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương, giờ đã bạc màu. Vết rách bên góc lá cờ do đạn xuyên thủng nhìn giống như một con mắt câm lặng dõi theo Leon mỗi ngày.
Leon bắt đầu có những giấc mơ rất lạ. Có lần anh thấy mình lạc về một vùng đất xa lạ, khung cảnh thanh bình với cánh đồng lúa xanh mướt, những mái nhà tranh nằm giữa những vườn cây trái râm mát. Những con thuyền im lìm ngủ bên bến sông.
Trong giấc mơ ấy, Leon được chứng kiến một cảnh tượng chia ly. Hai vợ chồng người nông dân tiễn con ra trận. Người mẹ một mực ôm ghì lấy đứa con trai, tức tưởi. Nước mắt bà nhỏ xuống, ướt đẫm vai áo con. Người cha lặng lẽ đứng bên cạnh. Khuôn mặt ông đăm chiêu, bàn tay thô sần vỗ vào vai cậu con trai, như thể muốn truyền sang cho con một thứ gì như niềm tin và sức mạnh.
Leon đứng đó, như một kẻ vô hình, trong khi trái tim anh bắt đầu thổn thức. Rất nhiều lần, Leon “gặp lại” người lính ấy với bộ dạng mờ mờ ảo ảo, đứng im lìm một góc.
Sau nhiều suy tính, Leon quyết định phải đến Việt Nam. Anh sẽ đến nơi từng là chiến trường xưa, tìm lai lịch của người lính ấy. Anh sẽ trao cho gia đình của người lính kỷ vật lá cờ, giúp anh chuộc lại phần nào tội lỗi mà cha đã gây ra.
Leon dành nhiều ngày nghiên cứu về trận đánh Ia Drăng. Ổ máy tính dày đặc tư liệu về cuộc chiến này, nhất là thông tin về Trung đoàn 66 Bắc Việt mà cha nhiều lần nhắc đến. Cuối năm 2005, biết tin Trung tâm Việt Nam học, Trường Đại học Texas Tech tổ chức hội thảo về trận đánh Ia Drăng - Plei Me tại thủ đô Washington, Leon đã tìm mọi cách kết nối để có mặt.
Một tư liệu được chia sẻ tại hội thảo khiến Leon suy nghĩ rất nhiều, đó là sự việc ngày 29-11-1965, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc Namara sau khi đến Việt Nam, trực tiếp nghe báo cáo về trận đánh Ia Drăng, đã trở về và viết một bản báo cáo với nội dung: Cần rút hết ngay quân Mỹ về nước, đó là trường hợp tốt nhất. Nếu muốn tiếp tục cuộc chiến tranh thì phải tăng quân ồ ạt với tỷ lệ 1-2 hoặc 1-3 mà chưa chắc người Mỹ đã giành được chiến thắng.
Leon cảm thấy may mắn vì cha mình vẫn còn có thể trở về từ một cuộc chiến tranh bế tắc như vậy.
*
Leon không khỏi bất ngờ trước cảnh tượng hoàn toàn khác lạ của thung lũng Ia Drăng hôm nay. Những dấu tích của trận chiến năm nào đã bị thời gian và thiên nhiên xóa nhòa.
Thay vào đó là bạt ngàn những đồi cà phê chín đỏ đang chộn rộn mùa thu hoạch, những ánh mắt thân thiện hiền hòa của người dân mảnh đất cao nguyên phóng khoáng. Vết bút khoanh tròn của cha trên tấm bản đồ ố vàng đánh dấu chiến trường năm xưa những tưởng giúp chỉ đường cho Leon, nay như chỉ đáy bể mò kim.
Một ông già cởi trần, ngồi trong chiếc chòi dựng cạnh nương cà phê thấy Leon cứ chạy xe suốt dọc quả đồi, nhìn anh ái ngại: “Chiến tranh xa rồi, cậu trai. Người chết thì cũng đã mồ yên rồi. Đừng tìm nữa...”.
Leon không nghĩ như vậy. Anh luôn cảm thấy có điều gì đó đang vẫy gọi, thôi thúc mình không được bỏ cuộc. Leon như vẳng nghe thấy những tiếng thì thầm mơ hồ trong gió, những bóng dáng người mờ tỏ sau những rặng cây. Họ - những người lính đang dõi theo anh.
Mỗi buổi tối trở về homestay ở trung tâm thị trấn, Leon thường áp lá cờ vào sát trái tim mình, như cách để anh có thêm động lực.
Đêm ấy, cơn mưa hiếm hoi của mùa khô bất chợt ập đến. Leon nằm xoài trên giường sau một ngày chạy quần quật ngoài đường, không muốn nhấc người dậy. Anh nằm nhìn trân trối vào màn mưa trắng xóa, tưởng như lòng mình cũng sắp tan thành cơn mưa. Cuộc tìm kiếm bế tắc khiến anh bắt đầu thấy nản.
Bỗng điện thoại của Leon đổ chuông liên hồi.
- Tôi là Liên, được William cho số của anh. Tôi ở bên Diễn đàn Tìm mộ liệt sĩ. Tôi có thể giúp anh…
Leon thấy như có dòng điện chạy dọc qua người. Leon hối hả đóng cửa sổ để tiếng mưa không làm át tiếng người ở đầu dây bên kia.
- Vâng, tôi nghe đây… - Cảm ơn Liên. Tôi mong chờ ngày này đã lâu lắm rồi…
*
Liên đón Leon ở ga Kép. Đứng cạnh Leon, trông cô nhỏ xíu và xinh xắn như một nụ hồng chớm nở.
- Các thông tin mà William cung cấp cho chúng tôi khá ít ỏi, tuy nhiên hình ảnh về lá cờ bị đạn bắn xuyên thì khoảng một tuần khi chúng tôi đưa lên trang Tìm mộ liệt sĩ, có người nhắn tin cho biết có thể cung cấp thông tin về chủ nhân của lá cờ này.
- Và đó là…? - Leon khẩn trương.
- Người lính ấy vốn là sĩ quan an ninh hoạt động đơn tuyến, sau đó được bổ sung vào Trung đoàn 66, chiến đấu tại mặt trận Ia Drăng năm 1965. Lá cờ anh mang theo là cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Người chỉ huy trực tiếp đã trao cho anh trước khi vào trận để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng. Người lính ấy đã hy sinh trong lúc chiến đấu và số phận lá cờ thì chắc tôi không cần phải nói thêm. Bí mật về lá cờ thiêng liêng ấy chỉ duy nhất người chỉ huy trực tiếp biết nên bảo đảm không có sự nhầm lẫn.
Leon ôm chặt chiếc ba lô đang cất giữ lá cờ vào ngực. Trái tim anh đập rộn rã.
- Anh sẵn sàng rồi chứ?
Liên đưa nón bảo hiểm và giục Leon ngồi lên sau xe máy của mình. Leon luống cuống làm theo, chỉ sợ chiếc xe không lăn bánh được vì Liên bé xíu trong khi anh kềnh càng như một con gấu. Leon đã lo xa, vì Liên lái xe rất chắc tay.
Hai người vượt qua con đường làng ngoằn ngoèo, đi xuyên qua những cánh đồng đang vào vụ gặt thơm nồng mùi lúa chín. Chiếc xe đi lướt qua một bến sông với những con thuyền đang nằm ngủ im lìm. Leon thấy mình như thể vừa bị điện giật. Cảnh tượng này, anh từng bắt gặp…
Chiếc xe máy dừng trước ngôi nhà hai tầng khang trang. Chính giữa phòng khách là chiếc tủ thờ bằng gỗ, màu cánh gián. Mùi hương trầm phảng phất trong không gian.
Leon rón rén nhìn vào bức ảnh đen trắng trên bàn thờ. Đó là khuôn mặt một chàng trai với ánh nhìn cương nghị.
Liên đi vào phòng trong, dẫn ra một bà cụ tóc trắng như cước.
- Đây mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng. Bà ngước đôi mắt mờ đục nhìn về phía Leon. Leon luống cuống mở ba lô, lấy lá cờ trao cho bà. Liên ghé tai bà, thì thầm điều gì đó. Bà đỡ lấy lá cờ từ tay Leon, đoạn chạm tay vào vết đạn xuyên thủng trên mảnh cờ, hai hàng nước mắt từ từ ứa ra trên gò má nhăn nheo.
- Hùng… con ơi… Con về với mẹ rồi…
Leon đứng lặng đi trước cảnh tượng người mẹ già run rẩy vuốt ve lá cờ như thể đang vuốt ve đứa con trai mình.
- Bà còn nhớ gì về con trai mình không? - Leon quay sang Liên, lúc ấy hai mắt cũng đang đỏ hoe.
Liên ngồi xuống cạnh bà, dịch sang tiếng Việt câu hỏi của Leon.
- Sao tôi lại không nhớ... - bà thổn thức - Nó là con trai duy nhất của tôi. Nó hiền lắm, chăm làm lắm. Trước khi đi, nó bảo mẹ đừng lo. Rồi con sẽ về cưới vợ, đẻ con cho mẹ có cháu bế cháu bồng. Nhưng rồi… nó không về nữa. Ông nhà tôi cứ đợi nó mãi, đến lúc chết cũng không thấy mặt con…
Leon thấy trái tim mình như thể có ai đó đang bóp nghẹt. Anh không thể nói gì trong lúc này, chỉ biết lặng lẽ cúi đầu, mặc cho nước mắt âm thầm ứa ra...