Sân ga và những chuyến tàu

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Là thầy giáo dạy Văn, mỗi khi nhắc đến hình ảnh đoàn tàu đêm đi qua phố huyện trong truyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, lòng tôi lại xao xuyến, bâng khuâng. Như mối duyên gắn với cuộc đời mình, vợ chồng tôi mua được mảnh vườn gần bên ga xép, rồi sửa lại ngôi nhà nhỏ để làm chốn an cư. Gắn bó với nơi này, tôi càng yêu mến hơn sân ga và những chuyến tàu vào Nam ra Bắc.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đã có hàng trăm năm thì ga này cũng chừng ấy tuổi. Ở miền núi nên chỉ là ga xép nhỏ. Nhà ga kiên cố, hướng về phía Tây, nước sơn vàng, mặt sân đổ bê tông sạch sẽ. Mỗi ngày, chỉ vài chuyến tàu vào ga đón trả khách, còn tàu hàng thì ghé lại nhiều hơn để nhường đường, nhân viên cũng chỉ vỏn vẹn có mấy người nên sân ga phố núi mang vẻ đẹp yên bình, tĩnh lặng.

Trước đây, nhà cửa còn thưa thớt, khu vực gần bên ga hoang vắng. Dần dần, những ngôi nhà được xây cất, dẫu đơn sơ nhưng ấm áp hơi người, ngày ngày có tiếng nói cười rôm rả, sớm tối có tiếng trẻ con nô đùa, đêm đêm có điện đèn chiếu sáng. Nhờ thế, không gian của xóm ga không còn tăm tối, quạnh hiu mà bừng lên sức sống mới.

Sống gần ga nên ai cũng quen với tín hiệu đường tàu. Nhìn ánh đèn là biết có tàu thông qua hay dừng lại. Nhân viên gác ghi mặc áo xanh, đội mũ kapi, tay cầm cờ ra ghi, vừa đi vừa thông báo cho mọi người chú ý là tàu sắp đến. Tiếng còi tàu vang từng hồi, bánh tàu nghiến lên các thanh ray ken két, ánh đèn pha sáng chói hoặc nhịp tàu rầm rập…, tất cả đều trở nên gần gũi, thân thương với mọi người.

Tôi yêu sân ga những lúc trời vào thu và khi mùa xuân đến. Mùa thu, không chỉ vì những chiếc lá vàng rơi hay các loài hoa dại nở, mà vì thời điểm này những chuyến tàu như chuyên chở thêm bao ước mơ tươi đẹp. Mùa thu, các bạn sinh viên quê tôi bắt đầu đi học xa. Từ miền quê còn lắm khó khăn, các em vẫn luôn cố gắng học tốt, nay khăn gói lên tàu để nuôi dưỡng ước mơ bay lên từ ruộng đồng, rừng rẫy…

Bởi thế, chiều thu chia tay trên sân ga không đượm buồn như “Những bóng người trên sân ga” của Nguyễn Bính, không man mác nỗi niềm như “Sân ga chiều em đi” của Xuân Quỳnh, không mòn mỏi cảm thương như “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, mà rạng ngời niềm vui trên từng nét mặt. Tàu rời ga nhỏ thân thương mang bao niềm tin yêu, hy vọng.

Mùa xuân đến là rộn ràng niềm vui sum họp. Sân ga dang rộng vòng tay đón những chuyến tàu, những đứa con xa trở về quê cũ. Có những chiều giáp tết, tàu tạm dừng trước ngõ nhà tôi, nghe tiếng nói cười rôm rả của hành khách đang về Bắc, tôi hiểu rằng khi cố hương đã ở trong tim thì đường về nhà cũng không còn xa nữa.

Ngày nay, dù có nhiều phương tiện giao thông hiện đại nhưng tàu lửa vẫn là lựa chọn của rất đông hành khách. Tôi thích đi tàu lửa bởi nó tiện lợi với mình, được ngắm nhìn cảnh vật xung quanh qua ô cửa sổ, được nghe tiếng nhịp tàu xình xịch băng băng, được hòa vào những người lao động bình dị mà hiểu thêm về cuộc sống. Trên hành trình dài, mỗi khi ngang qua những vùng đất lạ, tôi càng nhớ thương hơn sân ga phố núi quê mình.

Mỗi chiều ngồi trước sân nhà, nhìn những chuyến tàu đi qua ga nhỏ, tôi bỗng nhớ giai điệu rộn ràng, tươi tắn trong nhạc phẩm “Tàu anh qua núi” của Phan Lạc Hoa. Mong sao mỗi ngày, ga nhỏ nơi phố núi của tôi luôn đón chào những “Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui”!

PHAN HUY THÙY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/319688/san-ga-va-nhung-chuyen-tau.html
Zalo