Samsung 'tham vọng' soán ngôi TSMC: Chúng tôi số hai thì không ai số một!
Samsung đang xuất hiện tại mọi lĩnh vực, từ điện thoại Galaxy, smart TV cho đến máy giặt hay tủ lạnh. Trong hơn ba thập kỷ, chaebol Hàn Quốc cũng là cái tên dẫn đầu trong ngành chip nhớ - thiết bị lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số.
Năm ngoái, giá chip nhớ giảm mạnh và dự báo tiếp tục lao dốc thêm 23% trong quý hiện tại. Lần đầu tiên sau 14 năm, lợi nhuận Samsung sau ba tháng đầu năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Đối chọi với áp lực từ sự thay đổi của các yếu tố kinh tế vĩ mô, gã khổng lồ buộc phải giảm sản lượng, động thái đi ngược với tuyên bố trước đó rằng vẫn duy trì mở rộng sản xuất cho đến khi thị trường hồi phục. Trong khi đó, những đối thủ cùng ngành, chẳng hạn như Micron thông báo phải sa thải 15% lực lượng lao động.
Nhưng cũng chính trong giai đoạn thị trường chip khó khăn nhất, công ty Hàn Quốc tìm thấy “ánh sáng” tăng trưởng ở một góc khác của lĩnh vực bán dẫn. Họ đã tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh xưởng đúc để sản xuất chip tùy chỉnh cho những khách hàng lớn như Qualcomm, Tesla, Intel hay Sony, chưa kể hàng ngàn thương hiệu nhỏ hơn.
Samsung đang xây dựng một nhà máy đúc chip trị giá 17 tỷ USD tại Texas, nơi dự kiến sản xuất mẻ chip tiên tiến đầu tiên tại Mỹ vào năm tới. Tại quê nhà, tập đoàn này cũng thông báo kế hoạch chi 228 tỷ USD cho trung tâm gồm 5 xưởng đúc chip dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2042.
Gã khổng lồ Hàn Quốc đang là một trong ba công ty sản xuất chip tiên tiến lớn nhất thế giới, chỉ chịu xếp sau TSMC của Đài Loan và đứng trên Intel của Mỹ.
“Chúng tôi không muốn vị trí thứ hai”, Jon Taylor, Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật nhà máy của Samsung khẳng định. “Tập đoàn không bao giờ hài lòng với vị trí xếp sau người khác với tư cách là một doanh nghiệp”.
Công ty Hàn Quốc đã công bố lộ trình mới đầy tham vọng vào tháng 10 năm ngoái, với mục tiêu sản xuất chip 2 nanomet (nm) trong năm 2025 và 1,4 nm vào năm 2027.
“Nếu có thể đạt được những cột mốc thời gian như trên, họ (Samsung) sẽ chính thức vượt mặt TSMC”, Dylan Patel, chuyên gia hãng nghiên cứu và tư vấn SemiAnalysis nói. “Song, TSMC là thương hiệu duy nhất mà toàn ngành tin tưởng vào tiến độ thực hiện mục tiêu đã đề ra”.
Thời thế tạo anh hùng
Trong năm ngoái, cổ phiếu Samsung giảm gần 30%, song đến năm nay đã tăng trở lại 28%. Nguyên nhân một phần do cuộc chiến bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang.
Vào tháng 5, Bắc Kinh cấm công ty trong nước sử dụng sản phẩm từ hãng chip Micron của Mỹ, dẫn đến cổ phiếu công ty Hàn Quốc tăng vọt. Trong khi đó, Mỹ đã đồng ý trao cho gã khổng lồ Hàn Quốc quyền miễn trừ một năm để vận hành hai nhà máy đúc chip ở đại lục, trong bối cảnh nhiều công ty bán dẫn khác phải dừng việc đưa công nghệ chip sang Trung Quốc.
Trong ba thập kỷ qua, thị phần sản xuất chip toàn cầu của Mỹ giảm mạnh từ 37% xuống chỉ còn 12%. Phần lớn là do ước tính chi phí xây dựng và vận hành tại nước này cao hơn ít nhất 20% so với châu Á, nơi có lao động rẻ hơn, chuỗi cung ứng dễ tiếp cận hơn cùng nhiều ưu đãi hơn từ chính phủ.
“Đạo luật Chip đang giúp khắc phục sự khác biệt về chi phí xây dựng giữa châu Á và nước Mỹ”, Jon Taylor nói.
Giá thành sản xuất bán dẫn cũng sẽ rẻ hơn tại Mỹ nếu có nhiều công ty tham gia vào chuỗi cung ứng mở rộng trong nước. Intel đang xây dựng những nhà máy lớn mới ở Arizona, Ohio và châu Âu. Trong khi đó, TSMC chi 40 tỷ USD cho các nhà máy sản xuất chip tại Mỹ.
Hiện 90% chip tiên tiến đang được sản xuất tại Đài Loan. Trong khi đó, Samsung nói rằng họ tăng quy mô sản xuất tại Taylor, Texas do nhu cầu nội địa thị trường Mỹ đang lên.
“Đưa Taylor vào kế hoạch không chỉ giúp tăng năng lực sản xuất chip nội địa và còn giúp Mỹ không phụ thuộc vào những địa điểm địa lý tiềm ẩn nhiều điều bất an”, lãnh đạo tập đoàn tại Mỹ cho hay.
Trong tổng số 17 tỷ USD Samsung đầu tư vào nhà máy tại Texas, có đến 11 tỷ USD dành cho máy móc và thiết bị mà nhà cung cấp chính là Applied Materials - công ty vừa công bố xây dựng cơ sở sản xuất bán dẫn trị giá 4 tỷ USD tại thung lũng Silicon.
(Theo CNBC)