Sai phạm ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Bao giờ chấm dứt?

Từ năm 2017 đến nay, Trường Đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội liên tục vướng các lùm xùm liên quan đến đào tạo, quản lí của nhà trường. Nhưng lạ là đến nay, vẫn chưa có 'liều thuốc' để 'trị' dứt điểm.

Sai phạm chồng sai phạm

Năm 2020, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong đào tạo, tuyển sinh của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ sau khi tiến hành thanh tra công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của trường trong các năm 2017 - 2019.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có nhiều sai phạm trong tuyển sinh.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có nhiều sai phạm trong tuyển sinh.

Cụ thể, năm 2017, trường này tuyển sinh trình độ thạc sĩ vượt chỉ tiêu được thông báo. Trong đó, khối ngành Kinh doanh và quản lí, Pháp luật vượt 79%; khối ngành Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kĩ thuật, Kĩ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng... vượt 35%. Năm 2018, trường tuyển sinh chỉ tiêu ngành Tài chính - ngân hàng vượt 36%; ngành Quản lí kinh tế vượt 96,6%; ngành Quản lí công vượt 98%.

Năm 2019, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ 9/10 ngành/chuyên ngành vượt năng lực đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong đó, ngành Quản lí công vượt 236%.

Đối với tuyển sinh trình độ ĐH chính quy, năm 2018 trường vượt 30,7% và năm 2019 vượt 46,3% so với chỉ tiêu trường tự xác định. Đặc biệt năm 2017, trường này không thông báo chỉ tiêu văn bằng 2 khối ngành Nhân văn nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo 138 sinh viên ngành ngôn ngữ Anh thuộc khối ngành này. Năm 2018, trường không xác định chỉ tiêu văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh nhưng vẫn tuyển 342 sinh viên.

Trường tổ chức đào tạo một số học phần trình độ thạc sĩ của 19 lớp (ngoài trụ sở chính của nhà trường) khi chưa được phép của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền (theo quy định của Bộ GD&ĐT), vi phạm quy định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng, thanh tra bộ kết luận có sự không thống nhất về kê khai giảng viên giữa đề án tuyển sinh, bảng lương và trên trang thông tin điện tử của trường. 10 ngành trình độ ĐH, 3 ngành trình độ tiến sĩ của trường không đảm bảo điều kiện duy trì ngành theo quy định của Bộ GD&ĐT. Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ với học viên khóa 2017 - 2019 không đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu theo quy định.

Cũng trong năm 2020, Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tiếp tục tuyển sinh, đào tạo "chui" hệ liên thông ngành Dược. Theo đó năm 2018, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tuyển sinh chui hơn 3.000 sinh viên hệ ĐH liên thông hình thức chính quy, ngành Dược. Nhà trường đã công nhận sai phạm và hứa sẽ trả lại kinh phí cho người học.

Nhà trường không biết?

Những sai phạm của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ phần lớn do Thanh tra Bộ GD&ĐT tổ chức thanh kiểm tra phát hiện hoặc sinh viên, học viên phản ánh. Tuy nhiên, dường như trường đã “nhờn luật”. Những chế tài xử lí hiện nay đối với Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ chủ yếu là xử phạt hành chính. Ví dụ, vụ việc tuyển sinh “chui” hơn 3.000 sinh viên ngành Dược, nhà trường đã bị phạt hơn 100 triệu đồng và buộc dừng tuyển sinh liên thông trong 2 năm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm qua, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn chây ỳ, không thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định. Việc điều hành các hoạt động hằng ngày của nhà trường được thực hiện bởi một ban giám hiệu có từ nhiệm kì hội đồng quản trị trước đó. Trong khi đó, quy định của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như sau: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập Hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật hiện hành”. Mức phạt này được đánh giá chưa đủ sức răn đe.

Được biết, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về việc chấn chỉnh công tác tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện phương án đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học liên quan theo đúng quy định. Kết quả thực hiện của trường báo về Bộ trước ngày 28/12. Đồng thời cử người đại diện theo pháp luật của Trường tham dự buổi làm việc với Bộ GD&ĐT để xem xét, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh các lớp nói trên vào sáng 26/12 tại trụ sở của Bộ GD&ĐT.

Trước đó, như báo Tiền Phong đã phản ánh, Thanh tra của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kết luận các lớp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh VB2.12, VB2.13 (A,B), VB22.01 là do "các cá nhân của trường tự mở". Nhà trường không biết nên các cá nhân này sẽ phải tự chịu trách nhiệm?

Theo TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, sai phạm của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bắt đầu từ những quy định không rõ ràng của pháp luật. Với các quy định liên quan đến chuyển đổi từ trường ĐH dân lập sang tư thục; sau chuyển đổi, quyền lực hoàn toàn thuộc về những thành viên góp vốn trong Hội đồng quản trị của trường ĐH dân lập trước chuyển đổi.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sai-pham-o-truong-dai-hoc-kinh-doanh-va-cong-nghe-ha-noi-bao-gio-cham-dut-post1701684.tpo
Zalo