Sai lầm thế kỷ của Intel

Intel đã bỏ lỡ cơ hội 'vàng' để dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sự bảo thủ và các quyết định sai lầm đã khiến công ty tụt hậu trong cuộc đua AI khốc liệt.

Intel, từng là công ty chip thống trị, đã bỏ lỡ sự bùng nổ của chip AI do những đấu tranh nội bộ và những nỗ lực không thành công trong việc phát triển công nghệ AI.

Điều này khiến công ty tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Nvidia – kẻ dẫn đầu trong cuộc đua chip AI.

Cơ hội “ngàn vàng”

Theo New York Times, năm 2005, khi trí tuệ nhân tạo vẫn còn là một khái niệm mới, các nhà lãnh đạo tại Intel đã đứng trước một lựa chọn mang tính chiến lược. Quyết định của họ lúc đó có thể đã định hình lại vị thế của công ty trong cuộc cách mạng công nghệ sắp tới.

Paul Otellini, giám đốc điều hành của Intel vào thời điểm đó, đã trình bày với hội đồng quản trị một ý tưởng gây sốc: Mua lại Nvidia, một công ty mới nổi ở Thung lũng Silicon với mức giá lên tới 20 tỷ USD.

Một số giám đốc cấp cao của Intel tin rằng thiết kế của chip đồ họa có thể đảm nhiệm những công việc quan trọng trong phát việc phát triển các hệ thống AI.

Tuy vậy, theo 2 nguồn tin có mặt tại cuộc họp lúc đó, hội đồng quản trị đã phản đối. Intel có lịch sử không tốt trong việc tiếp quản các công ty. Thỏa thuận này cũng sẽ là thương vụ mua lại đắt đỏ nhất của Intel.

 Đĩa bán dẫn của Intel, thường chứa hàng trăm con chip. Ảnh: Anastasiia Sapon/The New York Times.

Đĩa bán dẫn của Intel, thường chứa hàng trăm con chip. Ảnh: Anastasiia Sapon/The New York Times.

Đối mặt với sự hoài nghi từ hội đồng quản trị, ông Otellini đã rút lui và đề xuất của ông cũng không được thông qua.

Trở lại thời điểm hiện tại, trong khi Nvidia đang thống trị thị trường chip AI với vị thế độc tôn và giá trị thương hiệu hàng đầu thế giới, Intel lại đang vật lộn để bắt kịp cơn sốt AI.

Giá trị thị trường chứng khoán của Nvidia, trong nhiều năm chỉ bằng một phần nhỏ của Intel, hiện đã lên tới hơn 3.000 tỷ USD, gấp khoảng 30 lần so với “người anh” Intel, hiện đã giảm xuống dưới 100 tỷ USD.

Những kịch bản như vậy làm tăng thêm áp lực mà Patrick Gelsinger - người được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành của Intel vào năm 2021, phải đối mặt.

Ông đã tập trung vào việc khôi phục vị trí dẫn đầu trước đây của công ty trong công nghệ sản xuất chip, nhưng những người theo dõi công ty lâu năm cho biết Intel rất cần các sản phẩm như chip AI để thúc đẩy doanh thu đã giảm hơn 30% kể từ năm 2021.

“Pat Gelsinger rất tập trung vào mảng sản xuất, nhưng họ đã bỏ lỡ AI, và điều đó đã gây hậu quả cho họ ở thời điểm hiện tại”, Robert Burgelman, giáo sư tại Trường Kinh doanh Sau đại học Stanford, cho biết.

Hệ quả của sự bảo thủ

Câu chuyện về sự suy giảm của Intel, đặc biệt là thất bại trong lĩnh vực AI là hệ quả của những hạn chế trong quản lý và chiến lược phát triển của công ty. Nhiều cuộc phỏng vấn với các nhân vật cấp cao của Intel cho thấy, công ty đã mắc phải nhiều sai lầm trong quá khứ.

Chuỗi sai lầm này là hệ quả của một nền văn hóa doanh nghiệp đã hình thành và phát triển trong nhiều thập kỷ, bắt đầu từ những năm 1980 - thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp máy tính cá nhân khi Intel và Microsoft thống trị thị trường.

Công ty chỉ tập trung vào nhượng quyền kinh doanh máy tính cá nhân và trung tâm dữ liệu. Các giám đốc của Intel đã mô tả công ty là "sinh vật đơn bào lớn nhất hành tinh, một thế giới khép kín biệt lập”.

 Patrick Gelsinger, khi đó là Giám đốc Điều hành của Intel, giới thiệu sản phẩm mới vào ngày 18/7/2006. Ảnh: Court Mast/Intel.

Patrick Gelsinger, khi đó là Giám đốc Điều hành của Intel, giới thiệu sản phẩm mới vào ngày 18/7/2006. Ảnh: Court Mast/Intel.

Sự bảo thủ này đã vô tình “đè bẹp” Intel khi công ty liên tục thất bại trong ngành AI. Các dự án được tạo ra, phát triển trong nhiều năm rồi đột ngột đóng cửa, hoặc là do ban lãnh đạo Intel mất kiên nhẫn hoặc công nghệ không đáp ứng được.

Các khoản đầu tư vào thiết kế chip mới hơn luôn phải xếp sau việc bảo vệ và mở rộng trụ cột kiếm tiền của công ty — các thế hệ chip dựa trên bản thiết kế thời PC của Intel, được gọi là kiến trúc x86.

“Công nghệ đó là viên ngọc quý của Intel — độc quyền và rất có lợi nhuận và họ sẽ làm mọi cách để duy trì công nghệ đó”, James D. Plummer, giáo sư kỹ thuật điện tại Đại học Stanford đồng thời là cựu giám đốc của Intel, cho biết.

Đôi khi, các nhà lãnh đạo của Intel thừa nhận vấn đề này. Tuy nhiên, việc kiếm được lợi nhuận “khổng lồ” trong suốt một thời gian dài đã khiến Intel không muốn thay đổi hướng đi.

Liên tục vấp ngã

Sau khi ý tưởng mua lại Nvidia bị bác bỏ, Intel, với sự hậu thuẫn của hội đồng quản trị, tập trung vào một dự án nội bộ có tên “Larrabee”, nhằm vượt lên trước các đối thủ cạnh tranh về đồ họa.

Dự án được dẫn dắt bởi ông Gelsinger, người đã gia nhập Intel vào năm 1979 và liên tục thăng tiến để trở thành Giám đốc Điều hành cấp cao.

Larrabee đã tiêu tốn hơn 4 năm và hàng trăm triệu USD. Intel khi đó tự tin rằng họ có thể thay đỗi lĩnh vực này. Năm 2008, khi phát biểu tại một hội nghị ở Thượng Hải, ông Gelsinger đã dự đoán "kiến trúc đồ họa ngày nay sắp kết thúc, Larrabee sẽ là tương lai”.

Tuy nhiên, Larrabee sau đó đã không thành công như mong đợi. Dự án này không chỉ chậm tiến độ mà hiệu năng đồ họa cũng không thể cạnh tranh với các đối thủ.

 Naveen Rao (trái), Giám đốc Điều hành của Nervana Systems thời điểm công ty được Intel mua lại. Ảnh: Intel.

Naveen Rao (trái), Giám đốc Điều hành của Nervana Systems thời điểm công ty được Intel mua lại. Ảnh: Intel.

Vào năm 2009, Intel đã hủy bỏ dự án, chỉ vài tháng sau khi ông Gelsinger tuyên bố sẽ từ chức để trở thành chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của EMC, một nhà sản xuất thiết bị lưu trữ dữ liệu.

Một thập kỷ sau khi rời Intel, ông Gelsinger vẫn tin rằng Larrabee đã đi đúng hướng. Ông cho rằng dự án có thể đã thành công nếu có thêm sự kiên nhẫn và đầu tư của công ty.

"Nvidia sẽ chỉ có quy mô bằng một phần tư so với hiện tại vì tôi nghĩ Intel thực sự đã có một cú hích đúng đắn trong lĩnh vực đó", ông nói.

Trong những năm sau đó, Intel tiếp tục vấp ngã trên thị trường AI. Năm 2016, công ty đã trả 400 triệu USD cho Nervana Systems, một trong những công ty chip AI mới. Giám đốc Điều hành của công ty, Naveen Rao, được bổ nhiệm làm người đứng đầu đơn vị sản phẩm AI của Intel.

Ông Rao kể lại một loạt các vấn đề mà ông gặp phải tại Intel, bao gồm các hạn chế của công ty về việc tuyển dụng kỹ sư, các vấn đề sản xuất và sự cạnh tranh khốc liệt từ Nvidia.

Tuy nhiên, nhóm của ông đã nỗ lực để giới thiệu hai con chip mới, một trong số đó được Facebook quan tâm. Nhưng vào tháng 12/2019, Intel lại bất ngờ mua lại một công ty khởi nghiệp chip AI khác là Habana Labs, với giá 2 tỷ USD.

Thỏa thuận đó diễn ra ngay khi nhóm của ông Rao sắp hoàn thiện một con chip mới.

"Intel đã có một sản phẩm sẵn sàng để tung ra thị trường, nhưng ngay sau đó họ lại mua một công ty khác với giá 2 tỷ USD chỉ để mất thêm 2 năm”, ông Rao cho biết, ngay trước khi quyết định từ chức không lâu sau đó.

Intel đã mất nhiều năm để phát triển các giải pháp AI, từ việc tự nghiên cứu chip đồ họa cho đến tích hợp công nghệ của Habana Labs. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra khá chậm chạp và gặp nhiều khó khăn.

Gaudi 3, phiên bản mới nhất, đã thu hút sự chú ý của nhiều công ty, trong đó có công ty khởi nghiệp Inflection AI. Họ xem Gaudi 3 như một lựa chọn thay thế hấp dẫn hơn về mặt chi phí so với các sản phẩm của Nvidia.

Việt Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/sai-lam-the-ky-cua-intel-post1506460.html
Zalo