Cơ quan Công an: Đối tượng dùng thuốc lá nung nóng chủ yếu là người trưởng thành

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần có đánh giá thấu đáo, rõ ràng về nguy cơ thuốc lá nung nóng với giới trẻ; thực tế sản phẩm này giá thành cao, cồng kềnh, nên giới trẻ không dễ dàng tiếp cận.

Các sản phẩm thuốc lá mới gồm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử vẫn đang còn khoảng trống pháp lý trong suốt nhiều năm qua, dẫn đến tỷ lệ buôn lậu ngày càng tăng.

Đặc biệt, tình trạng pha trộn ma túy vào thuốc lá điện tử, gây nhiều quan ngại cho chính phủ và xã hội.

Để kiểm soát thuốc lá mới theo hướng cấm hoặc quản lý có điều kiện, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cần hiểu rõ từ cấu tạo, nguyên liệu, tính tương thích với luật pháp của từng loại sản phẩm, đến thị trường, đối tượng sử dụng, tác động sức khỏe.

Từ đó, các cơ quan chức năng có cơ sở quản lý riêng biệt, hợp lý, tránh tình trạng đánh đồng mọi loại thuốc lá mới đều như nhau.

Đối tượng sử dụng thuốc lá nung nóng chủ yếu là người trưởng thành, thu nhập ổn định

Tại tọa đàm "Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp" tổ chức ngày 16/10 vừa qua, Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội cho biết ghi nhận theo thực tế đối tượng sử dụng thuốc lá nung nóng chủ yếu là người ở độ tuổi trưởng thành, thu nhập ổn định, vì sản phẩm này có giá trị cao, thường nhập lậu từ Đông Âu, Nhật Bản... qua đường xách tay hoặc biên giới.

Còn thuốc lá điện tử phổ biến với thanh thiếu niên và đang xâm nhập vào hệ thống trường học vì giá rẻ.

Theo ông Tiến, cơ quan công an ghi nhận, thuốc lá điện tử dễ phát sinh tệ nạn xã hội, kể cả việc tẩm tinh dầu cần sa.

Đối tượng kinh doanh thuốc lá điện tử phần lớn thông qua kênh thương mại điện tử, người mua sử dụng ứng dụng giao hàng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xác minh.

 Trung tá Nguyễn Minh Tiến.

Trung tá Nguyễn Minh Tiến.

Về việc liệu giới trẻ có thật sự dùng thuốc lá nung nóng như một số thông tin có đề cập, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhìn nhận cần phải có đánh giá thấu đáo, rõ ràng vì loại sản phẩm này giá cao, cồng kềnh khi sử dụng, nên giới trẻ không dễ dàng tiếp cận.

Như vậy, theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, bao gồm Công an, lo ngại về khả năng thuốc lá nung nóng hấp dẫn giới trẻ là rất thấp.

Từ phía người dùng, đánh giá về khả năng biến tướng của thuốc lá nung nóng, anh N.T.C (35 tuổi, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng việc pha thêm dung dịch vào thuốc lá nung nóng là gần như không thể.

Điếu thuốc lá đặc chế của thuốc lá nung nóng vốn là nguyên liệu thuốc lá, nên cần giữ khô như thuốc lá điếu. Nếu bơm, tẩm bất kỳ dung dịch hay chất bột nào khác vào sẽ dễ ẩm mốc, hư hỏng, thậm chí không thể sử dụng được với thiết bị làm nóng đi kèm.

Anh C. cũng khẳng định không ai “dại dột” đem sản phẩm đắt tiền như thuốc lá nung nóng ra để thử, vì một gói thuốc lá nung nóng đắt gấp 5 lần gói thuốc lá điếu thông thường.

Thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, cần ứng xử mềm dẻo

Thực tế hiện nay thuốc lá nói chung đang là ngành hàng kinh doanh hợp pháp, có điều kiện.

Trong hội thảo mới đây về Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nêu quan điểm: “Thuốc lá không phải là sản phẩm cấm, cần ứng xử mềm dẻo.”

Nhiều đại biểu Quốc hội và đại diện bộ ngành cho rằng nếu sản phẩm thuốc lá mới được cho là thuốc lá thì cần phải được quản lý và phòng chống tác hại, thông qua Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

Còn nếu cấm thì cần xác định rõ có thể tham chiếu với sản phẩm thuốc lá điếu về mức độ độc hại bằng nghiên cứu khoa học, nghĩa là xác định qua định lượng, không phải định tính.

Cụ thể, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định: “Cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với các sản phẩm thuốc lá mới để có cơ sở quản lý hiệu quả; làm rõ mức độ độc hại, nguy hiểm cụ thể thế nào so với thuốc lá truyền thống; làm rõ đối tượng sử dụng TLĐT trong thanh thiếu niên, học sinh, đặc biệt việc biến tướng thuốc lá điện tử pha trộn ma túy.”

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường , Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cũng dẫn ví dụ về trường hợp chất methadone (bản chất là một loại ma túy) được phép sử dụng như một giải pháp thay thế trong ngành y tế và được kiểm soát nghiêm ngặt, và cho rằng trong nhiều trường hợp, không thể lấy lý do “tác hại” chung chung để cấm lưu hành một sản phẩm.

Cho đến nay, rất nhiều ý kiến từ các cơ quan ban ngành, Chính phủ và Quốc hội nhận định cần sớm có khung pháp lý rõ ràng đối với thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.

Các đại biểu cũng đồng thuận cần phân định rõ chính sách quản lý riêng biệt cho thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử thay vì đánh đồng các sản phẩm thuốc lá mới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm 2018 đến nay vẫn giữ nguyên khuyến nghị các quốc gia quản lý thuốc lá nung nóng theo luật hiện hành áp dụng cho thuốc lá truyền thống.

Do vậy, nếu Việt Nam quản lý thuốc lá nung nóng bằng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì cũng không đi ngược lại Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC)./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/co-quan-cong-an-doi-tuong-dung-thuoc-la-nung-nong-chu-yeu-la-nguoi-truong-thanh-post987509.vnp
Zalo