Sai lầm cần tránh trước khi tập thể dục
Việc tập luyện thường xuyên kết hợp với chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp cơ thể săn chắc, khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số thói quen trước khi tập có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tập luyện.
Tập luyện khi bụng đói
Nhiều người để bụng đói trước khi tập luyện, đặc biệt là những người đang mong muốn giảm cân. Tuy nhiên, việc tập luyện khi bụng đói làm giảm năng lượng, có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe, như hạ đường huyết, chóng mặt, yếu và ngất xỉu trong khi tập thể dục, có khả năng dẫn đến chấn thương. Ngoài ra, việc tập khi bụng đói sẽ dẫn đến giảm hiệu suất. Nếu không có chế độ dinh dưỡng phù hợp, cơ thể sẽ phân hủy mô cơ để lấy nhiên liệu, điều này phản tác dụng đối với những người muốn xây dựng hoặc duy trì khối lượng cơ.

Khởi động trước mỗi buổi tập góp phần giảm nguy cơ chấn thương
Không khởi động trước khi tập
Khởi động trước mỗi buổi tập góp phần giảm nguy cơ chấn thương. Vào những ngày trời lạnh, bỏ qua bước khởi động có thể khiến cơ bắp dễ bị căng và bong gân. Tương tự, không thả lỏng đúng cách sau khi tập thể dục cũng dẫn đến đau nhức và cứng cơ. Dành một vài phút để khởi động và thư giãn giúp cơ thể chuẩn bị cho các bài tập, phục hồi với các động tác giãn cơ, làm nóng cơ thể.
Ăn quá nhiều
Việc ăn quá nhiều trước khi tập thể thao có thể gây ra tác dụng ngược, khiến người tập cảm thấy uể oải và chậm chạp. Ngoài ra, cơ thể cũng không kịp tiêu hóa để cung cấp năng lượng cho cơ bắp gây khó chịu, ậm ạch, từ đó dẫn đến hiệu suất tập luyện giảm. Ăn đồ chiên hoặc đồ nhiều dầu mỡ trước khi tập luyện còn gây ra các vấn đề về tiêu hóa trong khi tập luyện như khó chịu, buồn nôn… Do đó, tốt nhất nên ăn từ 1 đến 3 tiếng trước khi tập luyện.
Không uống đủ nước
Duy trì đủ nước là rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, góp phần vào quá trình tiêu hóa, lưu thông, điều hòa nhiệt độ và mức năng lượng tốt. Bắt đầu tập luyện khi bị mất nước, có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng quá nhiệt, khiến cơ thể khó hạ nhiệt hơn và gây thêm áp lực cho tim. Khi cung cấp đủ nước, cơ thể sẽ sẵn sàng hoạt động tốt nhất, đồng thời tăng hiệu suất tập luyện, giảm nguy cơ chấn thương. Nên uống khoảng 450ml nước ít nhất 2 giờ trước buổi tập để đạt hiệu suất tập luyện cao nhất.
Uống quá nhiều caffeine, rượu
Caffeine có tác động đến quá trình tập luyện. Theo khuyến cáo của Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine mỗi ngày. Việc uống quá nhiều caffeine dễ gây ra các tác dụng phụ: Bồn chồn, lo lắng, đau đầu, nhịp tim nhanh, mất nước… Việc uống quá nhiều caffeine cũng có thể gây mất ngủ vào ban đêm.
Không ngủ đủ giấc làm ảnh hưởng đến hiệu suất tập luyện, do đó, nên tránh caffeine trong 6 giờ trước khi đi ngủ. Và nếu có kế hoạch tập luyện, tốt nhất không nên uống caffeine. Bạn tránh xa rượu khi bạn thường xuyên tham gia các bài tập thể dục. Rượu làm suy yếu sự phối hợp và cân bằng trong cơ thể, có thể dẫn đến bất kỳ chấn thương tiềm ẩn nào. Bên cạnh đó, rượu có thể làm cơ thể mất nước, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất tập luyện và thời gian phục hồi của cơ thể.
Tập thể dục khi bị ốm
Tránh tập thể dục nếu bị sốt, bởi khi bị sốt có thể gây mất nước, đau đầu và đau cơ. Nên ngừng tập thể dục và nghỉ ngơi hoàn toàn nếu việc tập thể dục làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, việc không ngủ đủ giấc khiến bạn cảm thấy ít năng lượng hơn, ảnh hưởng tới việc tập luyện. Thiếu ngủ khiến bạn kém tỉnh táo và phản ứng chậm lại, làm tăng nguy cơ chấn thương; rối loạn nhịp sinh học của cơ thể, làm thay đổi nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và ảnh hưởng đến thời điểm tập thể dục tối ưu trong ngày. Do đó, nên ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm để hỗ trợ hiệu suất tập luyện, đồng thời đảm bảo duy trì sức khỏe tổng thể.