Một số người chẳng hề nôn nao sau khi uống rượu

Tờ The New York Times đưa ra lý giải khoa học về việc một số người vẫn khỏe mạnh, chẳng hề thấy nôn nao sau khi uống rất nhiều rượu.

Matthew Slater (34 tuổi) muốn trải nghiệm cảm giác nôn nao dù chỉ một lần. Dù uống hết một chai vodka, anh vẫn thức dậy vô cùng khỏe khoắn vào ngày hôm sau.

“Trừ phi biết tôi, nếu không thì mọi người đều không thực sự tin tôi. Người ta cứ cho rằng khi uống nhiều như vậy thì cơ thể sẽ phản ứng”, Slater chia sẻ.

Daniel Adams (23 tuổi) cũng chưa bao giờ cảm thấy buồn nôn hay run rẩy vào buổi sáng sau một đêm đi chơi. Một đêm đầu tháng qua, anh uống 6 lon Budweiser, 6 lon Coors Light rồi vài li nữa. Sáng hôm sau, bạn bè đều rên rỉ mà Adams thức dậy lúc 6 giờ 30 sáng và chạy 6 km.

Giới khoa học gọi Slater và Adams là “người kháng nôn nao”. Hơn 15 năm qua các nhà nghiên cứu cố gắng tìm hiểu vì sao có người thấy mệt mỏi và kiệt sức sau khi uống rượu, có người lại không.

Có người chẳng hề thấy mệt mỏi hay buồn nôn sau khi uống nhiều rượu - Ảnh: The New York Times/Nada Hayek

Có người chẳng hề thấy mệt mỏi hay buồn nôn sau khi uống nhiều rượu - Ảnh: The New York Times/Nada Hayek

Rất khó xác định số lượng người “kháng nôn nao” là bao nhiêu. Phần lớn nghiên cứu thường dựa vào tình nguyện viên mô tả lại cảm giác khó chịu của bản thân – một biện pháp khá chủ quan. Một trong số nghiên cứu đầu tiên về sự phổ biến của tình trạng “kháng nôn nao” được công bố vào năm 2008. Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Y thuộc Đại học Boston phát hiện ra một cách tình cờ. Khi muốn tìm hiểu uống nhiều rượu ảnh hưởng ra sao đến hiệu suất làm việc ngày hôm sau, họ ghi nhận 1/4 tình nguyện viên chẳng bị gì cả.

Họ cũng xem xét vài nghiên cứu trước đây với vài nhóm khác nhau, từ học sinh trung học, người trưởng thành vùng nông thôn đến người điều trị nghiện rượu. Tất cả đều ghi nhận tỷ lệ “kháng nôn nao” khoảng 1/4.

Câu hỏi còn lại là vì sao lại như vậy. Chẳng ai hiểu yếu tố nào gây nên tình trạng nôn nao. Giới khoa học đưa ra một số giả thuyết. Đầu tiên là do di truyền quyết định tốc độ phân giải cồn. Người phân giải nhanh hơn ít bị nôn nao nặng hơn, theo nhà thần kinh học Ann-Kathrin Stock (Đại học Kỹ thuật Dresden). Bà cho rằng yếu tố di truyền khác biệt ở từng nhóm cộng đồng. Ví dụ người gốc Đông Á thường bị nôn nao khủng khiếp, có thể vì họ có lượng enzyme phân giải cồn ở mức thấp. Giả thuyết khác là người miễn dịch yếu hơn dễ bị nôn nao hơn, cồn khiến tình trạng viêm lan rộng đem lại cảm giác bệnh. Tiến sĩ Stock còn lưu ý rằng người “kháng nôn nao” có mức độ lo lắng thấp, người trầm cảm hay căng thẳng dễ bị nôn nao thậm chí nôn nao nặng.

Các nhà nghiên cứu cũng chưa biết liệu người dễ bị nôn nao có chịu ảnh hưởng tiêu cực khác nào từ rượu hay không, hay người không bị có thể uống nhiều hơn không.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mot-so-nguoi-chang-he-non-nao-sau-khi-uong-ruou-231251.html
Zalo