Sacombank 'đại hạ giá' khoản nợ gần 1.800 tỷ đồng của Thủy hải sản Sài Gòn (APT)

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa thông báo về việc tiếp tục bán đấu giá khoản nợ của CTCP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT), với giá khởi điểm chỉ còn 317 tỷ đồng, giảm sâu so với những lần rao bán trước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, khoản nợ này bao gồm toàn bộ nghĩa vụ khoản nợ của APT, được chuyển giao nguyên trạng cho bên mua, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản bảo đảm của các hợp đồng tín dụng.

Cụ thể, tổng nghĩa vụ khoản nợ được Sacombank đưa ra đấu giá lần này lên tới 1.768,5 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc gần 530 tỷ đồng; lãi trong hạn hơn 823,2 tỷ đồng; lãi quá hạn hơn 415,3 tỷ đồng.

Toàn bộ số nợ này phát sinh từ Hợp đồng tín dụng số 009/01/09 và 011/01/09 ký ngày 08/1/2009 giữa Sacombank và APT. Dù đã quá hạn thanh toán nhiều năm, đến nay Công ty vẫn chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Trong đó, Hợp đồng 011/01/09 có hạn mức tín dụng 103 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm, thời hạn vay 12 tháng, nhằm bổ sung vốn lưu động. Tài sản bảo đảm là toàn bộ tài sản của APT theo hợp đồng thế chấp ký cùng ngày.

Còn Hợp đồng 009/01/09 có hạn mức tín dụng là 5.833 lượng vàng SJC, tương đương hơn 249 tỷ đồng theo giá vàng tại thời điểm cuối năm 2020. Với lãi suất 10,8%/năm, hợp đồng cũng được bảo đảm bằng toàn bộ tài sản của Công ty. Tại thời điểm 31/12/2024, dư nợ gốc quy đổi tương đương 491 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2024 (đã kiểm toán) của Thủy hải sản Sài Gòn, tính đến ngày 31/12/2024, Công ty ghi nhận lỗ lũy kế 1.555,96 tỷ đồng; âm vốn chủ sở hữu 1.466,13 tỷ đồng; lỗ gấp 17,68 lần vốn điều lệ (88 tỷ đồng); nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn: 1.531,19 tỷ đồng; tổng nợ phải trả 1.642,04 tỷ đồng, cao gấp 18,66 lần vốn điều lệ; tổng nợ quá hạn thanh toán lên tới 1.623,9 tỷ đồng, trong đó: nợ quá hạn tại ngân hàng (gốc và lãi) 1.583,06 tỷ đồng, các khoản nợ khác quá hạn 40,84 tỷ đồng.

Trước thực trạng này, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ, đồng thời nhấn mạnh “sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.

Đơn vị kiểm toán cho biết, đến thời điểm phát hành báo cáo, họ vẫn chưa thể thu thập đầy đủ các thư xác nhận liên quan đến số dư công nợ phải thu và phải trả của APT. Cụ thể, tổng giá trị công nợ phải thu khó đòi tại ngày 31/12/2024 là 110,14 tỷ đồng và tại ngày 31/12/2023 là 110,25 tỷ đồng. Về phía công nợ phải trả, số dư tại ngày 31/12/2024 lên tới 1.624,29 tỷ đồng, trong khi tại ngày 31/12/2023 là 1.416,19 tỷ đồng. Đây đều là những khoản mục có giá trị lớn, ảnh hưởng đáng kể đến tính chính xác và độ tin cậy của BCTC, song đến nay vẫn chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ.

Ngoài ra, báo cáo kiểm toán cũng chỉ rõ, BCTC năm 2024 của APT chưa được điều chỉnh theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong báo cáo kiểm toán quyết toán vốn nhà nước từ năm 2020. Đồng thời, báo cáo quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Vì vậy, đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác định mức độ ảnh hưởng của các vấn đề này tới BCTC hiện tại.

Chi Linh

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/sacombank-dai-ha-gia-khoan-no-gan-1800-ty-dong-cua-thuy-hai-san-sai-gon-apt-82376.html
Zalo