'Sạch từ gốc'

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 4446/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với thông tin 'Sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất vàng O' được báo chí phản ánh gần đây. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu thông tin báo chí nêu trên, chủ động chỉ đạo, xử lý theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Trước đó, thông tin do báo chí phản ánh cho thấy: Sự sụt giảm xuất khẩu sầu riêng không chỉ là vấn đề chất lượng mà còn phản ánh rõ nét hệ lụy của một quá trình phát triển thiếu bền vững. Thực tế, sản xuất sầu riêng ở Việt Nam hiện không tuân theo một quy trình cụ thể nào, phần lớn do nông dân tự trồng theo kinh nghiệm rồi phổ biến cho nhau, còn quy trình kỹ thuật thế nào, sử dụng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào; có chứa chất cấm gây ung thư không thì không công bố rộng rãi.

Kể từ khi Trung Quốc phát hiện sầu riêng Việt Nam bị nhiễm cadimi, vàng O, đến nay, giá trị xuất khẩu sầu riêng liên tục giảm mạnh do phía đối tác không chỉ yêu cầu kiểm định khắt khe chất lượng về kim loại nặng như cadimi, vàng O mà còn tăng tỷ lệ kiểm tra từ 10% lên 100% mỗi lô hàng. Dẫn đến thời gian kiểm định kéo dài khiến hàng hóa bị tồn kho tại cửa khẩu và đã có một lượng lớn sầu riêng xuất khẩu bị hư hỏng, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp. Xuất khẩu bị đình trệ, giá bán liên tục giảm sâu tại vườn khiến người trồng sầu riêng cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng “đứng ngồi không yên”.

Mới đây, trong “tâm thư” gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho hay, Trung Quốc là thị trường chính cho trái cây tươi Việt Nam, nhất là sầu riêng. Sau khi ký nghị định thư về kiểm dịch thực vật, sầu riêng Việt Nam chính thức xuất khẩu sang thị trường tỷ dân. Tuy nhiên, do nhiễm chất cấm đến nay Đắk Lắk có khoảng 55 mã số vùng trồng và 61 mã cơ sở đóng gói bị thu hồi do sản phẩm không bảo đảm chất lượng và quy trình đóng gói không tuân thủ quy định của nước nhập khẩu. Từ tháng 9-2023 đến nay, Trung Quốc không chấp thuận thêm vùng trồng và cơ sở đóng gói nào do các chất cấm (cadimi, vàng O) trong sầu riêng vượt ngưỡng cho phép.

Không chỉ buông lỏng quản lý các hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, ngành chức năng còn buông lỏng cả công tác kiểm định chất lượng sản phẩm, bởi đầu năm khi Trung Quốc siết chặt kiểm định chất vàng O, cả nước chỉ có vài trung tâm kiểm định đủ năng lực xét nghiệm tập trung ở các thành phố lớn. Dẫn đến, doanh nghiệp thu mua như lạc vào mê cung vì không biết đâu là sản phẩm bảo đảm chất lượng vì khó kiểm soát dư lượng chất cấm. Trong khi đó, hoạt động mua bán mã số vùng trồng bị lợi dụng, khiến nước nhập khẩu không thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ các lô hàng không đúng mã số. Còn các doanh nghiệp và hợp tác xã có mã số bị lợi dụng không hay biết, chỉ khi bị mất mã số mới nhận ra nhưng không có cách nào lấy lại.

Hiện cả nước có khoảng 150 ngàn héc ta sầu riêng, nhưng chỉ khoảng 20% diện tích được cấp mã số vùng trồng. Riêng Bình Phước có gần 8 ngàn héc ta, chiếm khoảng 45% diện tích cây ăn trái của tỉnh, nhưng số diện tích được cấp mã số vùng trồng cũng rất khiêm tốn. Trong khi kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước năm 2024 đạt 3,2 tỷ USD, cho thấy đây là ngành tiềm năng cần đầu tư vào quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà máy đóng gói an toàn thực phẩm và quy trình xuất khẩu minh bạch, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tiềm năng đã rõ, những tồn tại, yếu kém, bất cập và giải pháp cũng đã được chỉ ra, muốn phát triển bền vững, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và môi trường, ngành sầu riêng phải làm chắc từ khâu sản xuất, siết chặt kiểm soát chất lượng và xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - doanh nghiệp - cơ quan quản lý. Bởi chỉ “sạch từ gốc”, cây sầu riêng Việt Nam mới thực sự cho quả ngọt lâu dài và giữ vững được vị thế trong lòng người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/173048/sach-tu-goc
Zalo