Chủ tịch một tập đoàn ô tô bác bỏ tin đồn 'cuộc sáp nhập khổng lồ' với đối thủ

Người đứng đầu một tập đoàn ô tô khổng lồ, sở hữu hai thương hiệu đang vật lộn để tồn tại, đã bác bỏ tin đồn về một cuộc sáp nhập quy mô lớn với đối thủ.

John Elkann, Chủ tịch của tập đoàn ô tô Stellantis, đã phủ nhận mọi cuộc đàm phán về khả năng liên minh với Renault Group – một đối thủ châu Âu khác.

John Elkann, Chủ tịch của tập đoàn ô tô Stellantis, bác bỏ các tin đồn sáp nhập với Renault. Ảnh: Patentati

John Elkann, Chủ tịch của tập đoàn ô tô Stellantis, bác bỏ các tin đồn sáp nhập với Renault. Ảnh: Patentati

Stellantis là công ty mẹ của các thương hiệu như Fiat, Peugeot, Chrysler, Jeep, Opel, Maserati, Alfa Romeo...

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh một số thương hiệu con của tập đoàn, bao gồm Chrysler, DS Automobiles và Abarth, đang hoạt động kém hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Elkann đã bác bỏ các tin đồn ngày càng gia tăng về khả năng sáp nhập với Renault. "Chúng tôi không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về sáp nhập", ông cho biết.

Tuyên bố được đưa ra khi ông Elkann và Luca De Meo – CEO của Renault – ngồi cùng hội thảo tại sự kiện FT Future of the Car Summit ở London, Anh.

Đây là lần thứ hai chỉ trong vài tháng Stellantis phủ nhận các tin đồn sáp nhập với Renault.

Vào tháng 10 năm ngoái, CEO khi đó của Stellantis là Carlos Tavares cũng bác bỏ các suy đoán về khả năng hai công ty hợp nhất, gọi đó là “chỉ là sự suy đoán thuần túy”. Tuyên bố được ông Tavares đưa ra trong chuyến thăm một trung tâm của Renault ở miền đông nước Pháp.

CEO Renault, ông De Meo, cũng từ chối bình luận tại sự kiện đó, gọi các tin đồn là “tin vỉa hè”. Tavares sau đó đã từ chức CEO Stellantis vào tháng 12/2024 và hiện vẫn chưa có người kế nhiệm.

Việc phủ nhận sáp nhập diễn ra trong bối cảnh tình hình tài chính trái ngược giữa hai nhà sản xuất ô tô châu Âu.

Renault Group đã ghi nhận tăng trưởng doanh số ở cả 3 thương hiệu trong năm ngoái: Renault: tăng 1,8% lên 1.577.351 xe; Dacia: tăng 2,7% lên 676.340 xe; Alpine: tăng 5,9% lên 4.585 xe.

Trong khi đó, Stellantis đang gặp nhiều trục trặc tài chính hơn. Cần nhắc lại, Stellantis là kết quả của cuộc sáp nhập giữa Fiat Chrysler Automobiles (FCA) và PSA Group (công ty mẹ của Peugeot và Citroën) vào năm 2021.

Tuyên bố của Elkann tăng cường hình ảnh độc lập của Stellantis. Ảnh: The Australian

Tuyên bố của Elkann tăng cường hình ảnh độc lập của Stellantis. Ảnh: The Australian

Tháng 2 năm nay, Stellantis công bố kết quả kinh doanh 2024 với lợi nhuận ròng giảm 70% và doanh thu giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân một phần do những “khoảng trống tạm thời trong danh mục sản phẩm”.

Thương hiệu con đang gặp khó

Đầu năm nay, Chrysler thông báo mẫu xe điện chủ lực mới của họ - Airflow - tạm dừng phát triển vô thời hạn. Trước đó, hãng đã buộc phải bán đi đường thử lớn ở giữa sa mạc Arizona để giảm chi phí vào năm ngoái, theo Sun Motors.

Fiat và Abarth cũng bị buộc phải giảm giá hai mẫu xe chủ lực Fiat 600e và Abarth 500e. Việc này diễn ra sau khi Fiat bị sụt giảm 14% doanh số trong năm 2024.

Trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump, Stellantis đã xem xét việc bán hai thương hiệu nổi tiếng: Maserati và Alfa Romeo. Stellantis đã thuê công ty tư vấn danh tiếng McKinsey & Company để đánh giá lại tình hình của các thương hiệu.

“Chúng tôi đã yêu cầu McKinsey đưa ra nhận định về tác động của thuế quan mới từ Mỹ đối với Alfa Romeo và Maserati", đại diện Stellantis nói với Motor1.

Hiện tại, Alfa Romeo đang phát triển thế hệ mới cho Stelvio và Giulia. Tuy nhiên, việc Maserati hủy bỏ kế hoạch xe điện có thể cho thấy vị thế ngày càng bấp bênh của thương hiệu này.

Tác động của việc phủ nhận liên minh

Đối với Stellantis, tuyên bố của Elkann tăng cường hình ảnh độc lập, giúp Stellantis tập trung vào tái cấu trúc nội bộ và việc bổ nhiệm CEO mới. Tập đoàn cũng tránh được phức tạp pháp lý và mâu thuẫn cổ đông từ một thương vụ sáp nhập lớn.

Tuy nhiên, điều này có thể khiến Stellantis bỏ lỡ cơ hội chia sẻ chi phí R&D với Renault, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh từ xe điện Trung Quốc. Tập đoàn vẫn phải đối mặt với thuế quan Mỹ và doanh số giảm ở một số thị trường (như Bắc Mỹ), đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ.

Renault có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các tập đoàn lớn như Volkswagen. Ảnh: Munsifdaily

Renault có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các tập đoàn lớn như Volkswagen. Ảnh: Munsifdaily

Đối với Renault, thông tin phủ nhận liên minh có thể giúp tập đoàn ô tô Pháp tập trung vào tái cấu trúc liên minh với Nissan và hợp tác với Geely, tránh bị lấn át bởi Stellantis. Không những thế, tuyên bố của Elkann giúp Renault tránh áp lực từ cổ đông về một thương vụ sáp nhập khó khả thi.

Thế nhưng, khi từ bỏ liên minh với Stellantis, Renault sẽ phải tự mình đầu tư vào xe điện giá rẻ và công nghệ tự lái, trong khi nguồn lực tài chính hạn chế. Trong khi đây lại là 2 thế mạnh của Stellantis. Do đó, tập đoàn ô tô Pháp có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các tập đoàn lớn như Volkswagen hoặc chính Stellantis trên thị trường toàn cầu.

Tuy Chủ tịch Stellantis đã phủ nhận mọi cuộc đàm phán liên minh hoặc sáp nhập với Renault Group, nhưng trong tương lai, Stellantis và Renault có thể hợp tác phi chính thức để đối phó với thách thức toàn cầu, chí ít là hợp tác kỹ thuật (như chia sẻ nền tảng xe điện hoặc động cơ hybrid) thay vì sáp nhập, trang Auto Infos nhận định.

(Theo The Sun, Investing)

Hải Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-mot-tap-doan-o-to-bac-bo-tin-don-cuoc-sap-nhap-khong-lo-voi-doi-thu-2403597.html
Zalo