Đột phá mới thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Kỳ 1: Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Nghị quyết số 68-NQ/ TW ban hành ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Nghị quyết số 68-NQ/TW) là một nghị quyết rất mới, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bằng việc phát huy hơn nữa vai trò kinh tế tư nhân để tạo động lực chiến lược mới phát triển đất nước. Kinh tế tư nhân đã được Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định là “động lực quan trọng nhất”; được đánh giá tạo ra luồng sinh khí mới cho kinh tế tư nhân.

Đột phá về tư duy

Ngày 18-5 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/ TW. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kinh tế tư nhân (KTTN) liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cần có những giải pháp tổng thể, toàn diện, đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của KTTN, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế quốc gia là cần thiết và cấp bách.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra mục tiêu đến năm 2030 KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình. Ảnh: TIỂU MY

Nghị quyết số 68-NQ/ TW đề ra mục tiêu đến năm 2030 KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.

Tiến sĩ Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết Nghị quyết số 68-NQ/TW có tính đột phá về tư duy, từ chỗ coi KTTN là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế (Đại hội IX của Đảng, năm 2001) sang “một động lực quan trọng” (theo Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017) và nay trở thành một “động lực quan trọng nhất” của kinh tế quốc gia, là đầu tàu chiến lược thúc đẩy kinh tế. Coi khu vực KTTN bình đẳng và đóng vai trò ngang hàng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể trong vai trò nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tạo luồng sinh khí mới

Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt 10-12%/năm; đóng góp 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho 84-85% tổng số lao động. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 60% GDP quốc gia.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp hiện nay vẫn đang phải đối diện với nhiều vấn đề, như thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện; áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ngày càng lớn; năng lực tài chính, công nghệ, nhân lực còn những hạn chế; nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thành Tín, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật và Công nghệ Vũ Môn, Chủ tịch Chi hội Doanh nhân trẻ TP.Thủ Dầu Một, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương đang đối mặt với không ít khó khăn, như: Chi phí đầu vào tăng cao, trong khi sức mua thị trường còn yếu, khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp; việc tiếp cận vốn vay khó khăn, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa do điều kiện để vay vốn rất khắt khe; thiếu nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số và công nghệ; khó khăn trong việc mở rộng thị trường do biến động kinh tế và thay đổi chính sách cả trong nước và các nước. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn luôn nỗ lực thích ứng, tái cấu trúc và tăng cường kết nối để vượt qua thách thức, hướng đến phục hồi và tăng trưởng bền vững.

Ông Nguyễn Thành Tín nhấn mạnh việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/ TW là một bước ngoặt chiến lược, khẳng định mạnh mẽ vai trò của KTTN như một động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nghị quyết mở ra nhiều cơ hội phát triển. Cụ thể, về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, nghị quyết đề ra các giải pháp tháo gỡ rào cản thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai, vốn và thị trường. Về hỗ trợ tài chính, Chính phủ khuyến khích đa dạng hóa nguồn vốn cho KTTN. Về phát triển nguồn nhân lực, nghị quyết nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đào tạo và phát triển kỹ năng cho lao động trong khu vực tư nhân; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ mới, góp phần nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh.

Nghị quyết số 68-NQ/TW được các chuyên gia đánh giá tạo ra luồng sinh khí mới cho KTTN. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Nhật Nam (TP.Bến Cát)

Tiến sĩ Trần Văn Khải nói, một điểm nhấn rất quan trọng trong Nghị quyết số 68-NQ/ TW là Đảng thừa nhận và tôn trọng quy luật thị trường, xóa bỏ triệt để định kiến, rào cản về KTTN trong việc phát triển KTTN. Từ đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, hỗ trợ, thay vì can thiệp hành chính quá sâu, để thị trường và doanh nghiệp tự quyết định trong khuôn khổ pháp luật. Chính luồng sinh khí mới này của Nghị quyết số 68- NQ/TW đã cởi trói cho KTTN, doanh nghiệp như “nắng hạn gặp cơn mưa rào”.

Kỳ 2: Nền tảng để kinh tế Bình Dương đột phá

PHƯƠNG LÊ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/dot-pha-moi-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-a347408.html
Zalo