Sách bỏ túi vượt Trường Sơn
Tại một cuộc hội thảo của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND), chúng tôi chú ý đến một người có vóc dáng to lớn đang trầm tư bên tủ kính trưng bày sách truyền thống.
Ông ngắm rất kỹ những cuốn sách nhỏ bằng bàn tay, ánh mắt rưng rưng xúc động. Hỏi ra, chúng tôi mới biết đó là nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Năm nay, nhà văn đã bước sang tuổi 79, nhưng ký ức về cuốn sách nhỏ đồng hành với người lính suốt những năm kháng chiến vẫn vẹn nguyên trong ông.
Nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương nhớ lại khoảng thời gian năm 1968, sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, ông và đồng đội nhận lệnh hành quân “tạt ngang” qua dãy Trường Sơn sang nước bạn Lào để biên chế về đơn vị công binh “Công trường 80” thuộc Đoàn 500, đóng quân ở tỉnh Khăm Muộn.

Một số cuốn sách khổ nhỏ đồng hành với bộ đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương kể: “Tôi nhớ, lúc lên đường hành quân, trong ba lô mang theo mấy cuốn sách nhỏ bằng bàn tay do Nhà xuất bản QĐND ấn hành. Ngoài cuốn “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ và hai tập thơ “Từ ấy”, “Gió lộng” của nhà thơ Tố Hữu, còn có “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” của Hồ Phương, “Người con gái Hàm Rồng” của Mai Vui, “Đánh trong lòng địch” của Thanh Giang... Vậy là anh em chuyền tay nhau đọc. Rồi tinh thần văn chương lan tỏa, tôi cùng đồng đội khích lệ nhau viết văn, làm thơ.
Không chỉ nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương mà trong ký ức của nhiều người lính ra trận lúc đó, những cuốn sách nhỏ gọn bằng bàn tay thực sự đã gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, chiến đấu của họ. Những cuốn sách như vậy cũng là ý tưởng mới của Nhà xuất bản QĐND. Còn nhớ, sau sự kiện ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá một số địa phương trên miền Bắc, Nhà xuất bản QĐND đã tổ chức hai đoàn cán bộ đến những nơi diễn ra trận chiến đấu chống chiến tranh phá hoại để tìm hiểu thực tế. Những chuyến đi thực tế với biết bao thử thách, phương tiện là chiếc xe đạp cá nhân, phải đem theo cả dụng cụ, đồ nghề để tự sửa chữa khi xe gặp trục trặc.
Việc làm sách cũng có những đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Giai đoạn này rất cần có những cuốn sách xuất bản nhanh để kịp đến tay bạn đọc, sách càng mỏng càng tốt, khổ nhỏ hơn để tiện mang theo trong ba lô người chiến sĩ khi hành quân đường dài, đi chiến đấu ở các chiến trường xa. Vậy là ý tưởng về những cuốn sách khổ nhỏ 10x14,5cm, đặt vừa vặn trong lòng bàn tay được hình thành. Sự chuyển hướng này không đơn giản, vì nó đòi hỏi phải thay đổi mọi quy chế, nền nếp làm việc, từ khâu biên tập, trình bày đến khâu ấn loát, sửa bài... Thế nhưng bằng tinh thần vượt khó, tất cả vì tiền tuyến, Nhà xuất bản QĐND đã kịp thời cho ra đời những cuốn sách ý nghĩa, đồng hành với người lính trên mọi nẻo đường chiến đấu.
Những cuốn sách nhỏ gọn, bỏ túi thực sự là nguồn động viên, khích lệ tinh thần lớn lao đối với bộ đội trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bên cuốn sách nhỏ, những tri thức, kinh nghiệm chiến đấu được chuyển tải nhanh chóng, những áng văn kịp thời động viên tinh thần, bồi dưỡng thêm lý tưởng, khát khao sống và chiến đấu cao đẹp cho cán bộ, chiến sĩ.