'Xá lợi Đức Phật tới Việt Nam mang theo thông điệp tốt lành'

Xá lợi của Đức Phật, một bảo vật quốc gia của Ấn Độ đã tới Việt Nam vào sáng 2/5. Trong 20 ngày có mặt tại Việt Nam, Xá lợi sẽ được trưng bày tại 4 tỉnh thành trên toàn quốc, vào đúng dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc- Vesak 2025 diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hoạt động do Bộ Văn hóa Ấn Độ, Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức. Sự hiện diện của Xá lợi Đức Phật tại sự kiện tôn giáo có tính chất quốc tế này mang tới thông điệp hòa bình, hòa giải và phước lành cho nhân loại.

Nhân dịp này, phóng viên thường trú Đài TNVN tại Ấn Độ có cuộc phỏng vấn với Tiến sỹ Abhijit Halder, Tổng giám đốc Liên đoàn Phật giáo Quốc tế về sự kiện có ý nghĩa này.

PV: Việc Xá lợi của Đức Phật được rước tới Việt Nam và trưng bày tại nhiều nơi trên khắp đất nước được coi là điểm nhấn của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025. Ông đánh giá thế nào về sự kiện này?

Tổng giám đốc Liên đoàn Phật giáo Quốc tế Abhijit Haider phát biểu tại lễ cung thỉnh Xá lợi Đức Phật do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ ngày 1/5, ngay trước khi Xá lợi lên đường sang Việt Nam.

Tổng giám đốc Liên đoàn Phật giáo Quốc tế Abhijit Haider phát biểu tại lễ cung thỉnh Xá lợi Đức Phật do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ ngày 1/5, ngay trước khi Xá lợi lên đường sang Việt Nam.

Tiến sỹ Abhijit Halder: Xá lợi Đức Phật mang một ý nghĩa biểu tượng, được coi như hiện thân của Phật. Chính phủ Ấn Độ đã dành rất nhiều sự quan tâm, rất nhiều biện pháp giữ gìn, lập nhiều kế hoạch chi tiết trước khi mang Xá lợi ra nước ngoài trưng bày. Theo tôi, đây là dịp rất đặc biệt. Người dân Việt Nam có thể chiêm bái Xá lợi Đức Phật, như chính Ngài đang sống và tới thăm Việt Nam vào đúng dịp Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025.

Chúng tôi được biết sẽ có các đại biểu từ hơn 100 quốc gia tới dự Đại lễ lần này. Trong 20 ngày hiện diện tại Việt Nam, Xá lợi Đức Phật sẽ được trưng bày tại 4 tỉnh thành, thu hút rất đông Phật tử và đại biểu tới chiêm bái. Hãy tưởng tượng, hiện thân của Đức Phật sẽ có mặt Việt Nam và ban phước lành cho mọi người. Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm mà nhân loại đang gặp phải rất nhiều cuộc khủng hoảng, từ chính trị, an ninh tới biến đổi khí hậu, không có gì tốt hơn được Đức Phật ban phúc để giúp nhân loại vượt qua khó khăn này.

PV: Xin ông cho biết nguồn gốc của Xá lợi Đức Phật được mang tới Việt Nam lần này?

Tiến sỹ Abhijit Halder: Xá lợi mà các bạn đang thấy lúc này và được mang tới Việt Nam có nguồn gốc từ Nagarjuna Konda, một hòn đảo ở bang Andhra Pradesh, Đông Nam Ấn Độ. Xá lợi này được tìm thấy trong lần khai quật năm 1929. Vào giai đoạn đó, Chính phủ Anh quốc đang cai quản Ấn Độ. Sau đó, Cục Khảo sát khảo cổ Ấn Độ theo lệnh của đại diện Chính phủ Anh đã trao lại Xá lợi này cho Hội Maha Bodhi Ấn Độ, nơi hiện vẫn đang canh giữ, bảo vệ Xá lợi này. Xá lợi này được tôn trí thành phố Sarnath, bang Uttar Pradesh. Các thành viên của Hội Maha Bodhi Ấn Độ cũng sẽ đi theo hộ tống Xá lợi Đức Phật trong 20 ngày ở Việt Nam lần này.

PV: Ông có nói rằng sự hiện thân của Đức Phật qua Xá lợi chính là một thông điệp của Phật giáo và của Ấn Độ khi được mang đi ra nước ngoài. Vậy ý nghĩa đó là gì?

Tiến sỹ Abhijit Halder: Theo tôi, thông điệp qua sự xuất hiện của Xá lợi Đức Phật không chỉ là việc phản ứng lại các thế lực tiêu cực như chiến tranh, xung đột, biến đổi khí hậu, mà nó còn là một thông điệp mạnh mẽ tới mỗi cá nhân, cả xã hội và cộng đồng. Những lời Phật dạy đều rõ ràng, cụ thể với từng người. Và mỗi cá nhân cần phải có vai trò đóng góp công sức của mình cho cả xã hội này.

Những lời Đức Phật truyền dạy đều rất sâu sắc; đặc biệt là việc Phật hướng dẫn, rèn luyện mỗi người từ trong tâm thức để có thể thích nghi với những thay đổi của xã hội. Đức Phật muốn thôi thúc mỗi người thay đổi từ bên trong để thích nghi với cuộc sống. Bởi vậy, chúng ta mới có khái niệm Thiền Vipassana, một liệu pháp mà chúng ta tạm xa rời thực tại và tập trung vào cái tâm bên trong của chính mình. Và nếu chúng ta không nhận thức được điều này, chúng ta sẽ mãi không có được thế giới như mình mong muốn.

Tôi nghĩ thông điệp này rất có ý nghĩa trong thời đại hiện nay. Trong bối cảnh chúng ta tiếp xúc hàng ngày với Internet, mạng xã hội, có rất nhiều những thông tin tiêu cực, những tin tức giả. Chúng làm nhiễu loạn tâm trí chúng ta, đặc biệt với giới trẻ. Vì vậy, tôi nghĩ thông điệp lớn nhất từ Phật giáo chính là tinh thần tự tu dưỡng, tự rèn luyện bản thân từ bên trong.

PV: Xin cảm ơn Tiến sỹ!

Phan Tùng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xa-loi-duc-phat-toi-viet-nam-mang-theo-thong-diep-tot-lanh-post1196795.vov
Zalo