Sắc thắm thổ cẩm Lào

Trong bức tranh văn hóa đa sắc của 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên, dân tộc Lào đóng góp một phần rực rỡ. Người Lào cư trú tập trung tại 9 xã của hai huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Những năm qua, khi đời sống ngày càng phát triển và hội nhập, cộng đồng người Lào vẫn duy trì được việc sản xuất và sử dụng trang phục truyền thống, coi đó là một nét đặc trưng và niềm tự hào của dân tộc mình.

Nghệ nhân Lò Thị Viên tại gian hàng giới thiệu thổ cẩm Lào trong một triển lãm nông sản và hàng thủ công ở thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh VŨ THANH)

Nghệ nhân Lò Thị Viên tại gian hàng giới thiệu thổ cẩm Lào trong một triển lãm nông sản và hàng thủ công ở thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh VŨ THANH)

Nhắc đến người Lào ở Điện Biên, những người yêu văn hóa, du lịch dù ở phương xa cũng ít nhiều biết đến Tết té nước (Bun Huột Nặm), một lễ hội độc đáo và hấp dẫn diễn ra vào tháng 4 hằng năm. Hình ảnh đồng bào Lào trong trang phục truyền thống tham gia nghi lễ, múa điệu lăm vông uyển chuyển, rộn ràng té nước cầu may... đã để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước.

Càng ý nghĩa hơn khi biết rằng gần như mọi công đoạn tạo nên bộ trang phục đều được làm thủ công từ những nguyên vật liệu của núi rừng, đồng ruộng, khắc họa những hoa văn gắn với cuộc sống và một phần tín ngưỡng dân gian. Trang phục dân tộc Lào ở từng địa phương khác nhau cũng có một số đặc điểm thay đổi, cải biên. Đối với người Lào ở Điện Biên, phụ nữ luôn có chiếc khăn thổ cẩm quấn trên đầu, mặc áo dài tay lửng thân với hàng khuy bạc, trước ngực quàng chéo chiếc khăn “phạ biêng”. Chân váy là điểm nhấn với hàng nghìn chi tiết đủ màu, cân đối, sắc nét, tôn thêm sự duyên dáng cho người mặc.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào ở huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) mới đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong khi cách trang trí hoa văn trên trang phục của nhiều dân tộc khác được tạo hình bằng cách vẽ sáp ong rồi in nhuộm, hoặc thêu thùa, khâu đính... thì các họa tiết trên thổ cẩm Lào được dệt trực tiếp ngay trong quá trình hình thành tấm vải, do đó để dệt tấm thổ cẩm hoàn chỉnh cần có tư duy hình ảnh tốt và sự kiên trì, tỉ mẩn.

Theo nghệ nhân Lò Thị Bua (bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông) thì hoa văn thổ cẩm dân tộc Lào rất đa dạng, mỗi người dệt có thể tự tưởng tượng và phối màu theo sở thích cá nhân. Bản thân bà thường dệt 8 loại là hoa văn hình rồng, chim công, con voi, con hươu, hình tháp, hạt gấc, lá cây, quả trám...

Ngoài 70 tuổi, bà Bua vẫn ngày ngày ngồi bên khung cửi dưới hiên nhà để dệt vải, đồng thời tham gia truyền dạy nghề cho thanh niên trong bản. Lớp nghệ nhân cao niên giàu kinh nghiệm như các bà, các mẹ vừa hướng dẫn kỹ thuật dệt, vừa giải thích cho con em mình hiểu rõ từng hoa văn, họa tiết gắn với những câu chuyện cổ hay ước mơ, quan niệm nhiều đời của dân tộc Lào. Chẳng hạn như hình người cưỡi voi và hình chùa tháp nhiều tầng là những biểu tượng của người Lào, hình đôi rắn quấn vào nhau nghĩa là điều may mắn...

Còn nghệ nhân Lò Thị Viên (bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) thì kể rằng, từ lúc 9 tuổi bà đã biết xe bông theo chỉ dạy của mẹ. Rồi sau đó mới đến tập nhuộm sợi, tập dệt trơn, thành thạo mới dệt hoa văn. Người nào học nhanh thì mất 1 năm mới thạo nghề. "Cô gái nào dệt được vải đẹp thì trong mắt mọi người cô ấy càng xinh đẹp. Chúng tôi làm ruộng, chăn nuôi, sinh con đẻ cái, nhưng lúc rảnh rỗi, nông nhàn vẫn tranh thủ dệt vải" - bà Viên chia sẻ.

Bà là người phụ nữ đi đầu của Hợp tác xã thổ cẩm Na Sang 2 với gần 30 xã viên, trong việc thực hiện mô hình hỗ trợ bảo tồn và phát huy nghề truyền thống điển hình ở Điện Biên. Hợp tác xã được thành lập từ năm 2009 song hoạt động khá cầm chừng, đến năm 2014 mới khởi sắc nhờ đổi mới nếp nghĩ, cách làm.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Lò Văn Thoong cho biết, trung bình mỗi tháng chị em có thêm thu nhập khoảng 3 triệu đồng nhờ cung cấp sản phẩm cho thị trường trong tỉnh, một số tỉnh bạn và gửi về Hà Nội. Đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng dần nhiều lên, hiện đang có đối tác ở Lào và ở Pháp.

Một thương hiệu thổ cẩm Lào khác cũng bước đầu tạo được dấu ấn, mang đến cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều gia đình là Hợp tác xã dệt thổ cẩm Pa Thơm (bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên). Thành lập cuối năm 2020 với 15 xã viên, hợp tác xã được chính quyền địa phương và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên tạo điều kiện tham gia nhiều hội chợ làng nghề, triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP trong các sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ dệt nên những tấm vải mềm mại, hoa văn tinh xảo, phụ nữ Lào nơi đây còn nỗ lực học hỏi, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã trang phục cập nhật xu hướng hiện đại, may thành túi và khăn phù hợp cho khách du lịch mua làm quà. Sản phẩm thổ cẩm Lào có giá dao động từ 800 nghìn đồng cho tới vài triệu đồng tùy kích cỡ, mức giá hợp lý với nguyên liệu tự nhiên và quá trình làm thủ công kéo dài từ 15-30 ngày.

Hiện nay, người Lào ở huyện Điện Biên và Điện Biên Đông đã có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận, bao gồm: Nghệ thuật múa dân gian, Tết té nước (Bun Huột Nặm) và Nghệ thuật trang trí trên trang phục. Đó là sự tôn vinh, động viên để đồng bào các dân tộc thiểu số thêm yêu văn hóa truyền thống cũng như có trách nhiệm gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc mình. Tuy giá trị của thổ cẩm Lào đã được khẳng định, việc mở rộng quy mô hay tìm đầu ra ổn định lâu dài vẫn là mục tiêu cần sự chung tay của nhiều con người, nhiều tập thể, cơ quan hữu quan.

Mỹ Hạnh/ Báo Nhân Dân

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/sac-tham-tho-cam-lao-211222.htm
Zalo