Sabeco 'thờ ơ' với bia không cồn: Bảo thủ hay kế hoạch đầy toan tính?

Trong khi các tay chơi quốc tế đang cố gắng đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình, thì Sabeco với vị thế người dẫn đầu tại thị trường Việt Nam dường như đang tập trung vào một 'ván bài' khác.

Đồ uống không cồn là mỏ vàng mới?

Theo báo cáo của Allied Market Research, thị trường đồ uống không cồn có trị giá 1.300 tỷ USD năm 2023 sẽ sớm đạt quy mô 2.900 tỷ USD vào năm 2035, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 6,9%.

Đồ uống không cồn bao gồm nhiều lựa chọn khác nhau như: bia không cồn, soda có ga, nước ép trái cây, nước có hương vị, nước tăng lực và đồ uống chức năng. Xu hướng này đang ngày một gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là thị trường châu Âu, Mỹ, Australia và New Zealand.

Trong khi các "ông lớn" ngành bia toàn cầu như Heineken, Suntory hay AB InBev đang ráo riết đầu tư vào thị trường đồ uống không cồn và xem đây như "mỏ vàng", thì Sabeco của Việt Nam dường như vẫn giữ một thái độ... ung dung lạ thường, ngay cả khi Nghị định 168 có hiệu lực và sắp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2025, CEO Sabeco - ông Lester Tan Teck Chuan thẳng thắn nhìn nhận: "Đây là thị trường nhỏ, không đến mức khiến mọi người từ bỏ đồ uống có cồn, song vẫn có triển vọng".

Sự "thờ ơ" có tính toán này thoạt nhìn đang đi ngược lại xu thế, nhưng ẩn sâu bên trong lại là một chiến lược kinh doanh được xây dựng dựa trên sự am hiểu sâu sắc về thị trường nội địa và những ưu tiên riêng biệt của Sabeco.

Trong khi các tay chơi quốc tế đang cố gắng đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình, thì Sabeco với vị thế người dẫn đầu tại thị trường Việt Nam dường như đang tập trung vào một "ván bài" khác.

"Tại sao người ta lại muốn trả tiền cho đồ uống không có tí cồn nào?", câu hỏi tưởng chừng như một lời bông đùa mà tổng giám đốc Sabeco, thực chất lại là một sự trăn trở, một phép thử mà Sabeco đã thực hiện để đánh giá mức độ sẵn sàng của thị trường Việt Nam đối với bia không cồn.

"Công thức về bia không cồn đã có, nhưng còn phải xem xét khi nào thị trường mới đón nhận. Nhìn chung, đồ uống không cồn lúc này chưa phải là ưu tiên của chúng tôi", vị CEO nhấn mạnh.

Theo đó, thay vì chạy theo làn sóng mới, Sabeco chọn hướng đi thực tế hơn, tập trung vào thị trường nội địa, đồng thời tìm cách cải thiện lợi nhuận thông qua chiến lược "cao cấp hóa" các dòng sản phẩm hiện có.

CEO Lester Tan giải thích rằng, trong khi các đối thủ quốc tế có thể dễ dàng tung ra sản phẩm mới để cạnh tranh, Sabeco lại có lợi thế về hệ thống phân phối rộng khắp và sự gắn bó lâu đời với người tiêu dùng Việt.

Việc nâng cấp chất lượng và hình ảnh của các thương hiệu quen thuộc như Sài Gòn Lager, 333 sẽ giúp Sabeco tối ưu hóa lợi nhuận mà không cần phải mạo hiểm đầu tư lớn vào một thị trường mới tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức.

Sabeco muốn tập trung vào thị trường nội địa, đồng thời tìm cách cải thiện lợi nhuận. Ảnh: DN

Sabeco muốn tập trung vào thị trường nội địa, đồng thời tìm cách cải thiện lợi nhuận. Ảnh: DN

Một năm Sabeco 'khiêu vũ dưới mưa'

Năm 2024 khép lại với Sabeco khi doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 31.872 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm trước và hoàn thành 93% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.495 tỷ đồng, hoàn thành 98% mục tiêu.

Theo CEO Lester Tan, kết quả này là minh chứng cho việc Sabeco đã thực sự "khiêu vũ dưới mưa", một phép ẩn dụ từng được ông đưa ra tại đại hội năm trước để nói về khả năng vượt qua khó khăn và thách thức.

Bước sang năm 2025, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần 31.641 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với năm 2024, nhưng lợi nhuận sau thuế lại được kỳ vọng tăng trưởng 8%, lên mức 4.835 tỷ đồng.

Kế hoạch này được Sabeco xây dựng trong bối cảnh ngành bia Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều biến động, từ dư âm của Covid-19 đến những tác động từ các chính sách liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 168.

Thậm chí, kế hoạch kinh doanh năm 2025 theo vị CEO còn chưa tính đến những biến động gần đây, bao gồm cả chính sách thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến chi phí nguyên liệu đầu vào.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Sabeco xác định bốn trọng tâm chiến lược. Đầu tiên là tối ưu hóa danh mục sản phẩm và mở rộng thị trường, gia tăng sản lượng. CEO Lester Tan chia sẻ triết lý kinh doanh: "Chúng ta không thể nào tạo ra được sự giàu có bằng tiết kiệm, mà phải ngày càng phát triển và mở rộng hơn nữa mới giàu có".

Thứ hai, Sabeco sẽ đảm bảo hiệu quả chuỗi cung ứng thông qua các sáng kiến cắt giảm chi phí. Việc CEO tiết lộ Sabeco đã chủ động mua lon nhôm trước khi Mỹ có động thái áp thuế đối ứng là một minh chứng rõ ràng cho nỗ lực này.

Thứ ba, công ty cam kết luôn đổi mới thương hiệu, mang đến sản phẩm mới chất lượng hơn tới tay người tiêu dùng, thể hiện qua việc ra mắt sản phẩm mới 333 Pilsner và bao bì mới cho bia Lạc Việt trong năm 2024. Cuối cùng, Sabeco luôn hướng tới tăng trưởng bền vững, với cộng đồng và xã hội.

Một điểm sáng khác trong chiến lược phát triển của Sabeco là việc hoàn tất mua lại hơn 43% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây (Sabibeco).

Vị CEO cho biết, thương vụ M&A này mang lại ba lợi ích chính: gia tăng sản lượng lon, tận dụng sáu nhà máy có vị trí chiến lược của Sabibeco và mở rộng danh mục sản phẩm với thương hiệu bia bình dân Sagota.

Nhìn về tương lai, CEO Lester Tan thừa nhận, vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt là một thách thức không nhỏ, có thể dẫn đến sự sụt giảm trong sản lượng tiêu thụ.

Sabeco đã và đang tích cực đối thoại với Hiệp hội Bia và Nước giải khát Việt Nam, cũng như Bộ Tài chính để chia sẻ quan điểm của mình, ủng hộ mức thuế tăng thấp hơn và trong thời gian dài hơn.

Dự kiến, Sabeco sẽ chuyển phần tăng của thuế tiêu thụ đặc biệt sang cho người tiêu dùng thông qua việc điều chỉnh giá bán trên thị trường.

Nói về công tác quản trị, CEO Lester Tan hé lộ về việc Sabeco đang nghiên cứu và có kế hoạch ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào việc định hướng các kế hoạch bán hàng và vận hành doanh nghiệp.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/sabeco-tho-o-voi-bia-khong-con-bao-thu-hay-ke-hoach-day-toan-tinh-d39934.html
Zalo