Rượu vào lời ra

Không ít lần đi cơ sở, chúng tôi được ăn liên hoan cùng bà con và cán bộ các địa phương. Điều khiến cánh nhà báo chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là tấm chân tình của cán bộ và người dân vùng cao.

Vừa ăn cơm, vừa trò chuyện, câu chuyện giữa chủ và khách cũng mở ra cho chúng tôi rất nhiều đề tài báo chí mới mẻ, sinh động. Dẫu vậy, trong một số lần tham dự bữa cơm liên hoan cùng cơ sở, điều chúng tôi vẫn còn trăn trở là việc người dân và cán bộ chúc rượu lẫn nhau hoặc một số cán bộ “chén chú, chén anh”, uống quá nhiều dẫn đến hành vi và lời nói mất kiểm soát. Vì thế, cuộc vui bỗng nhiên lại trở thành nơi cãi vã, kích bác nhau.

Tình huống như tôi vừa nêu trên xảy ra cách đây chưa lâu. Hôm ấy, chúng tôi nhập cuộc vui cùng địa phương sau khi đã hoàn tất việc thu thập thông tin, chụp ảnh, quay hình với tâm trạng phấn chấn. Dù là lần đầu gặp mặt, cán bộ địa phương, người dân ai cũng hồ hởi tiếp đón các nhà báo.

Tuy nhiên, chúng tôi đều không thể uống rượu để tránh vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi lái xe ô tô trở về thành phố nên mọi người không ép khách. Bởi vậy, những người quen biết, thân thiết cùng ngồi trong buổi liên hoan quay sang mời nhau uống rượu, chúc tụng rôm rả. Sau những tiếng “cạch” chạm chén, từng chai rượu vơi dần, khuôn mặt của nhiều người trở nên đỏ lựng “như mặt trời mọc”.

Càng uống nhiều rượu, các câu chuyện của họ càng được đưa lên cao trào. Sau những tiếng cười, chúng tôi giật mình khi thấy có một cán bộ và người dân quay sang kể tội nhau. Ban đầu, mọi người nghĩ là họ đang đùa, nhưng một lúc sau, cả hai chỉ tay vào mặt nhau rất căng thẳng. Người dân khăng khăng cho rằng cán bộ ưu ái nhà hàng xóm hơn nhà anh ta mỗi khi hai gia đình có việc ra trụ sở ủy ban xã giải quyết các thủ tục hành chính. Cán bộ thì bảo người dân nói càn vì anh ta luôn làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao… Hai bên lời đi tiếng lại một hồi thì quay ra túm áo nhau nên mọi người trong mâm phải ngăn lại, phân công các thành viên đưa cán bộ và người dân ai về nhà nấy.

Trong cuộc sống cũng như quá trình làm việc, người dân các địa bàn vùng cao thường mời khách ăn cơm, uống rượu để bày tỏ thịnh tình. Điều đó rất đáng quý, nhưng mỗi cán bộ và người dân cũng cần tiết chế bản thân trên bàn tiệc. Đặc biệt, cán bộ, công chức trong quá trình giao lưu không nên quá chén để tránh làm mất hình ảnh trong mắt đồng nghiệp và nhân dân.

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202412/ruou-vao-loi-ra-0dc3342/
Zalo