Rượu truyền thống nấu không đúng cách vẫn có methanol

Rượu truyền thống cũng có thể sản sinh ra methanol nếu quy trình nấu không đạt chuẩn và không đúng quy trình.

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ ngộ độc methanol xảy ra khiến nhiều người nhập viện, thậm chí tử vong. Trong đó hầu hết các trường hợp đều do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, chứa lượng cồn công nghiệp methanol, gây ngộ độc khi sử dụng.

Đơn cử như vụ việc của 8 sinh viên sau khi uống rượu trong can 5 lít không rõ nguồn gốc tại nhà hàng MrBao Cuisine (TP.Thủ Đức) đã bị ngộ độc rượu, khiến 2 người tử vong. Sự việc đã khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng về chất lượng rượu tại TP cũng như vấn nạn uống rượu bia của tuổi trẻ hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng rượu chứa methanol là do bị gian thương pha cồn công nghiệp, song theo các chuyên gia kể cả rượu truyền thống cũng có thể sản sinh ra methanol nếu quy trình nấu không đạt chuẩn và không đúng quy trình.

PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết nguyên liệu nấu rượu ảnh hưởng tới chất lượng rượu thành phần, và có thể gây ra chất độc hại nếu đầu vào không đảm bảo chất lượng.

Lý giải cụ thể về vấn đề này, PGS- TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, trong quá trình chưng cất rượu, chất lượng quá trình lên men ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thành phẩm. Điều này có nghĩa là quá trình lên men kém thì chất lượng rượu giảm và có thể sinh ra độc tính trong rượu, rượu có thể chứa methanol ở một liều lượng nhất định.

Rượu nấu thủ công vẫn có thể sản sinh methanol nếu nguyên liệu không đảm bảo. ẢNH: HQ

Rượu nấu thủ công vẫn có thể sản sinh methanol nếu nguyên liệu không đảm bảo. ẢNH: HQ

“Nếu sử dụng nguyên liệu để sản xuất rượu không may lẫn các loại bã dạng gỗ có cellulose điển hình như mía - cất rượu thủ công có khi sử dụng mật mía không sạch bã, bã có thể phân hủy trong quá trình chưng cất tạo ra methanol. Methanol lẫn trong rượu là thủ phạm gây ngộ độc rượu cho người dùng.

Đó là chưa kể nếu người nấu sử dụng nguyên liệu ẩm mốc, hay dùng sắn nấu rượu để giảm bớt chi phí đầu vào, gia tăng lợi nhuận thì rất độc hại vì trong sắn đã chứa chất gây độc, mặc dù hàm lượng độc tố này chưa thể gây chết người song có thể khiến người uống rượu đau đầu, mệt mỏi”, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh thông tin.

Trong khi đó, PGS Trần Hồng Côn, Nguyên giảng viên khoa Hóa học của Trường Đại học Khoa Học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho biết methanol trong rượu truyền thống được tạo ra khi ủ tinh bột với men công nghiệp, tuy nhiên tùy loại men mà lượng methanol trong rượu khác nhau. Nếu dùng men chọn lọc ethanol nhiều hơn thì sẽ tạo methanol ít hơn và ngược lại.

Do đó thông thường người nấu rượu truyền thống thường đổ đi một phần 10-12% rượu đầu tiên vì chúng thường chứa methanol.

HẠ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ruou-truyen-thong-nau-khong-dung-cach-van-co-methanol-post693386.html
Zalo