Rừng nâng bước chân tôi đi

Khi đặt bút viết bài này, tôi chợt nhớ đến câu thơ: 'Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng Đèo Khế gió sang... / Em là con gái Bắc Giang' trong bài thơ 'Phá đường' của nhà thơ Tố Hữu. Nông Thị Hưng là người dân tộc Tày, quê ở huyện Yên Thế, đúng là con gái Bắc Giang rồi. Dù 'Nhà em con bế con bồng' nhưng chị vẫn 'thu xếp' để làm thơ.

Chân dung “cô gái” Bắc Giang Nông Thị Hưng. Ảnh: Nguyễn Trọng Văn

Chân dung “cô gái” Bắc Giang Nông Thị Hưng. Ảnh: Nguyễn Trọng Văn

Có người đã bảo: “Nông Thị Hưng là người có hai tình yêu bền bỉ. Một là tình yêu quê hương, yêu bản làng của mình vô cùng bền bỉ. Tuy chị về phố, nhưng trong chị mãi đau đáu tình yêu núi rừng. Tình yêu bền bỉ thứ hai của chị là thơ, Nông Thi Hưng mê thơ và làm thơ đến mức “quên” hết mọi thách thức đời thường”. Còn tôi thì tôi biết: Nông Thị Hưng say mê làm thơ và thơ của chị mang đậm “dấu ấn” Tày, thơ của chị đậm đà những hình ảnh núi rừng Yên Thế. Và như thế cũng đủ nói lên một nhà thơ Nông Thị Hưng có giọng điệu riêng.

Sinh sống và... làm thơ tại Hà Nội. Những tưởng phố phường Hà thành sẽ làm thơ của chị mang sắc phố, vậy mà không, thơ của Nông Thị Hưng vẫn “trần trụi” giữa bộn bề phố thị, vẫn cho thấy “hình ảnh” núi rừng. Chị đã không bị “phố hóa” mà chính chị đã “đem rừng vào phố” một cách rất riêng khéo.

Nhà báo Phan Đăng bảo: “Tôi sống giữa “rừng bê tông” (Khu đô thị Times City) nhưng thơ của Nông Thị Hưng đã cứu rỗi tôi. Đọc thơ chị, tôi đã thấy lại được những cánh rừng thật sự”.

Có lần gặp nhau chuyện trò vui vẻ, Nông Thị Hưng bảo rằng: “Tôi tuổi Tuất (tôi đã nghĩ ngay là người tuổi ấy làm gì cũng kiên trì, nhất trí và thực hiện việc mình mong muốn tới khi thành công thì thôi). Chị cho hay: “Ở bản La Xa, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế, một miền quê vẫn còn biết bao khó nhọc trong cuộc mưu sinh, không mấy ai còn hơi sức để quan tâm đến văn học nghệ thuật”, thế nhưng tôi hiểu: “Có lẽ, trong cái nhọc nhằn ấy, thiếu thốn ấy mà một tâm hồn đa cảm như chị đã không thể bình yên với cảm xúc của riêng mình, nó cần phải được òa ra với câu chữ để ít nhất một lần mang lại sự sinh động trong bức tranh xóm núi quê hương chị”.

Nông Thị Hưng làm thơ từ sớm, song có lẽ chỉ thời gian chục năm lại đây, chị mới xuất hiện nhiều trên thi đàn. Tôi nhớ, có lần được nghe nói rằng: “Nông Thị Hưng đến với thơ với nhiều nét đặc biệt, chị là một trong số ít nhà thơ của người dân tộc thiểu số, lại là tác giả nữ duy nhất của Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang, chị là nhà thơ nông dân duy nhất và cuối cùng là nét độc đáo trong thơ của chị đã được nhiều nhà thơ trong và ngoài tỉnh ghi nhận”.

Thực ra, Nông Thị Hưng đến với thơ không thuận lợi chút nào, nếu không muốn nói là rất “khó khăn”. Cái khó khăn ấy là ở chỗ khi học xong phổ thông ở Trường Thanh niên dân tộc tỉnh Bắc Giang (nay là Trường Trung học phổ thông Mỏ Trạng) thì cô gái trẻ Nông Thị Hưng về lại bản làng của mình. Và cũng như các cô thôn nữ người Tày khác, Nông Thị Hưng làm ruộng, làm nương, lấy chồng và sinh con. Những tưởng một khi đã yên bề gia thất thì Nông Thị Hưng sẽ an phận. Vậy mà không. Cô gái Tày “cầm đàn lên đỉnh núi” ấy cứ hở ra là... làm thơ. Chị làm thơ rất vất vả, vì phải viết giấu giếm. Viết xong không dám đọc lên, viết xong là giấu đi. Thế mà gia đình, người thân vẫn phát hiện ra. Họ không những cấm chị làm thơ, mà còn đem đốt những bản thảo thơ của chị.

Nông Thị Hưng tâm sự: “Nhà em khá đông con. Bố mẹ em sinh được 7 cô con gái và 1 cậu con trai”. Tôi hiểu, với một gia đình như vậy thì làm gì có được phút giây thoải mái để mà mơ màng với thơ. Vậy mà không. Nông Thị Hưng đúng là chẳng giống các chị em mình. Chị “đổ đốn” mà yêu thơ rồi sinh ra làm thơ... Thế mới khổ.

Tình yêu với thơ của Nông Thị Hưng đúng là bền bỉ thật. Để nuôi ước vọng làm thơ mà Nông Thị Hưng đã “bỏ rừng” để về Hà Nội. Những người quen biết với chị đã kể: “Về Hà Nội sinh sống để “nuôi” thơ nên Nông Thị Hưng đã phải thuê nhà để ở, chị làm đủ mọi việc, từ giúp việc gia đình cho đến lao công tạp vụ. Việc gì cũng làm hết. Làm để có tiền nuôi hai con trai ăn học lên đại học. Làm để có tiền làm thơ và xuất bản thơ. Chị đã xuất bản 3 tập thơ, đó là: “Mười bài”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014; “Men rừng”, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 2018; “Tình núi”, Nhà xuất bản Văn học, 2020.

Bìa tập thơ thứ 4 và cũng là mới nhất của Nông Thị Hưng. Ảnh: Nguyễn Trọng Văn

Bìa tập thơ thứ 4 và cũng là mới nhất của Nông Thị Hưng. Ảnh: Nguyễn Trọng Văn

Chỉ cần đọc tựa để các tập thơ của chị đã cho thấy: Nông Thị Hưng “ly bản, ly rừng” nhưng không ly hương. Thơ của chị vẫn đậm đà như men núi, như tình rừng vậy. Về sống giữa Thủ đô nên Nông Thị Hưng có dịp được lắng lòng mình với biết bao cảm xúc khác nhau, từ vùng đồi cho đến phố thị phồn hoa, đủ để chiêm nghiệm nhiều góc cạnh cuộc đời, nhiều số phận con người đi qua chị. Và chính việc chị sống ở Hà Nội nên tôi mới có dịp biết chị. Thực ra, tôi đã biết đến một Nông Thị Hưng khá lâu rồi. Thời buổi công nghệ thông tin nên “chẳng có gì là có thể giấu được”, hơn nữa lại là những bài thơ. Tôi đã đọc thơ của Nông Thị Hưng kha khá nhiều, đa phần là trên Facebook, bởi hễ làm xong một bài thơ nào là Nông Thị Hưng cho thơ của mình “xuất hiện” trên Facebook.

Biết nhau từ mạng xã hội nên có một lần tôi đến Hội Nhà văn Hà Nội họp hành gì đó, thì thấy có người gọi tên mình. Tôi dừng lại để xem ai vừa gọi và nhận ngay ra đó là Nông Thị Hưng. Rồi từ đó, anh em quen biết nhau nhiều hơn. Tôi đọc và thích những câu thơ sắc cạnh mà lại ẩn chứa nhiều điều của thơ chị, ví dụ như: “Người ta nhân bản ra người/ Tôi nhân bản tôi thành nhiều mảnh/ Người ta vui/ Tôi buồn/ Nỗi buồn sâu thành chuỗi...” (Nhân bản).

Và tôi đã nhận ra, có một Nông Thị Hưng thơ đau đáu với nỗi đau chiến tranh, chuyện này bây giờ hơi bị hiếm, bởi chiến tranh đã quá xa những người làm thơ trẻ. Nhưng “nàng thơ người Tày” Nông Thị Hưng vẫn còn nguyên “chuyện chiến tranh”. Như chị đã từng cho hay: “Tuy ngày bố chồng tôi lên đường đi bộ đội, tôi vẫn còn là một đứa trẻ con. Nhưng trong tâm trí của tôi vẫn mãi xúc động khi ngắm bức ảnh của chồng tôi với các chị em trong gia đình ngày tiễn cha tôi đi đánh giặc”. Có lẽ, thấu hiểu tình cảnh của một đứa trẻ thơ sớm tiễn đưa người cha thân yêu lên đường đánh giặc, mà Nông Thị Hưng đã đưa người đọc trở về với nỗi đau chiến tranh không phải để khóc lóc đau thương, mà là để mỗi người biết nâng niu giá trị của hòa bình: “Những người già tôi đã gặp rồi quen/ Họ thân mật như vốn từng thân mật/ Lời nói ngọt như trăng rằm cổ tích/ Giữa đời thường cuộc sống đua chen/ Ở đây tôi nhận ra những người già đi qua chiến tranh/ Họ sống...” (Những người già đi qua chiến tranh).

Với một cây bút thơ và nhất là khi cây bút ấy đang phải bươn chải lo liệu cuộc sống nơi chốn đô thành thì số lượng thơ như vậy cũng đáng nể. Vậy mà, Nông Thị Hưng chưa chịu dừng ở đấy, sáng thứ bảy, ngày 19/10/2024, tôi được chị mời đến phố Đặng Dung, quận Ba Đình để dự buổi ra mắt tập thơ thứ 4 của chị - tập “Sợi tơ cột trái tim người”. Mới đọc tên của tập thơ, tôi đã nhận ra: Nông Thị Hưng vẫn “chung tình” với đề tài miền núi, đấy “sợi tơ” đấy, chỉ có người dân tộc thiểu số mới biết dùng sợi tơ để “cột trái tim người” mà thôi. Tôi thầm nghĩ: Chả biết ai bị sợi tơ cột trái tim? Nông Thị Hưng với quê hương? Nông Thị Hưng với thơ hay ngược lại, chính chị bị sợi tơ thơ cột vào chính trái tim mình?

Tính cho đến tập thơ thứ 4 này thì tôi có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng: Thơ Nông Thị Hưng vẫn rừng, vẫn bản và vẫn một phong cách “dân tộc” đã định hình.

Lại nhớ nhà thơ Mai Nam Thắng đã nhận xét: Thường thì thơ viết về dân tộc thiểu số và miền núi, các tác giả hay viết theo kiểu trúc trắc, gập ghềnh. Nhưng thơ của Nông Thị Hưng lại nhuần nhuyễn như “thơ người Kinh” mà vẫn giữ được “giọng điệu” của người miền núi. Chị đã viết: “Em từ rừng xuống phố/ Chân bước chẳng được ngay/ Cái ngày như muốn níu/ Cái mây chẳng muốn dìu/ Bàn tay in vết nhựa/ Chẳng dám cầm tay ai/ Tiếng cười như tiếng gió/ Chẳng ru được ai say”. Có chút e dè, có chút ngại ngần, nhưng “cuộc sống” phố đã cho chị có nhiều cơ hội hơn để làm thơ và để sống, điều có được đó đúng như chị tự nhận là: “Rừng nâng bước chân tôi đi”.

Cũng có lúc nỗi nhớ rừng, nỗi nhớ bản làng ùa về khiến chị “Giấc lành vương bóng xanh”, tôi hiểu tận trong cõi lòng người đàn bà thơ ấy đang khôn khuây: “Cứ ngỡ rừng đi không về nữa/ Để tôi khao khát bấy năm ròng/ Bỗng dưng giữa đêm tim bật khóc/ Rừng về xanh cả giấc chiêm bao”. Chao ơi, người ta nhớ nhà thì khóc âm thầm hay khóc thành tiếng thì đều chảy nước mắt, đằng này, Nông Thị Hưng đã “lặn” vào trong để “tim bật khóc” thì thật là cao cả, thật là xúc cảm.

Hỏi kỹ để hiểu hơn, đọc thơ để hiểu hơn, Nông Thị Hưng đã “Nép mình bên phố để xanh”. Và trong chị mãi mãi vẫn là: “Khi ngủ thấy rừng/ Khi ăn thấy núi/ Người Tày từ xưa vẫn vậy/ Ra khỏi nhà là nhớ là thương” (Lời nguyện trước bình minh).

Mừng Nông Thị Hưng đã “sinh hạ mẹ tròn, con vuông” 4 đứa con “thơ”. Đứa con nào cũng kháu khỉnh. Đứa con nào cũng đáng yêu. Và đứa con nào dù “sinh ra” ở đâu thì vẫn là con của rừng, của bản.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/rung-nang-buoc-chan-toi-di-post484117.html
Zalo