Rủi ro thuế quan đẩy ngành sản xuất Việt Nam vào đà suy giảm

Không chỉ số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm đáng kể, ngành sản xuất Việt Nam còn chứng kiến niềm tin kinh doanh rơi về một trong những mức thấp nhất lịch sử.

Những thông báo về thuế quan của Mỹ vài tuần trở lại đây đã khiến ngành sản xuất của Việt Nam suy giảm trở lại trong tháng 4, theo báo cáo do S&P Global công bố ngày 5/5.

Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm mạnh, trong khi niềm tin kinh doanh giảm thành mức thấp trong khoảng 3 năm rưỡi qua khi có những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của thuế quan lên sản lượng trong tương lai.

Theo báo cáo, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 4 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, sau khi đã chỉ báo tăng trưởng trong tháng trước đó.

Kết quả chỉ số mới nhất đạt 45,6 điểm so với 50,5 điểm của kỳ trước, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm rõ rệt so với tháng 3. Trên thực tế, các điều kiện kinh doanh đã xấu đi với mức độ lớn nhất kể từ tháng 5/2023.

PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global PMI

PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global PMI

Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất giảm đáng kể trong tháng 4, từ đó đảo ngược xu hướng tăng trong tháng 3. Hơn nữa, tốc độ suy giảm là mạnh và nhanh nhất trong gần hai năm.

Những người trả lời khảo sát cho biết tình trạng giảm của số lượng đơn đặt hàng mới phản ánh tác động của việc áp dụng thuế quan của Mỹ và sự biến động của tình hình thị trường quốc tế. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới thậm chí còn giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới trước những tuyên bố về thuế quan.

Các nhà sản xuất cũng lo ngại về ảnh hưởng của thuế quan lên sản xuất trong những tháng tới. Niềm tin kinh doanh đã giảm mạnh và rơi về mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Trên thực tế, mức độ lạc quan của tháng 4 là một trong những mức yếu nhất trong lịch sử khảo sát.

Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá, việc áp thuế của Mỹ đã đẩy ngành sản xuất Việt Nam vào tình trạng suy giảm trong tháng 4, khi các công ty đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu và sản lượng.

“Trong một tình hình không ổn định, điều quan trọng là cần theo dõi dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong những tháng tới để xem các điều kiện kinh doanh diễn biến như thế nào”, ông lưu ý.

Dù vậy, không chỉ Việt Nam, khu vực ASEAN cũng ghi nhận mức bất ổn và suy giảm.

Báo cáo của S&P Global cho thấy, sức khỏe của ngành sản xuất ASEAN tiếp tục xấu đi vào đầu quý II của năm. Đợt suy giảm mới được ghi nhận cho cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới.

Ngoài ra, trong bối cảnh yêu cầu sản xuất giảm, các công ty đã giảm hoạt động mua hàng và số lượng nhân công.

Tình trạng xấu đi này càng trở nên trầm trọng hơn khi niềm tin kinh doanh giảm đáng kể. Mức độ lạc quan của các công ty về triển vọng sản lượng là thấp nhất kể từ tháng 7/2020.

“Sự sụt giảm niềm tin làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi của ngành sản xuất trong ngắn hạn và cho thấy các công ty có thể phải đối phó thêm những thách thức mới ở phía trước”, ông Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, lưu ý.

Phương Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/rui-ro-thue-quan-day-nganh-san-xuat-viet-nam-vao-da-suy-giam-d39795.html
Zalo