Rủi ro lớn từ phương tiện hư hỏng dừng đỗ giữa lòng đường

Từ ngày 20 – 29/8, xảy ra 2 vụ tai nạn liên quan đến các phương tiện hư hỏng dừng đỗ giữa lòng đường, khiến 2 tài xế đi xe phía sau đâm vào các phương tiện này kẹt trong cabin tử vong, 1 phụ xe bị thương.

Việc phương tiện giao thông bị hư hỏng, buộc phải dừng đỗ giữa lòng đường là sự cố bất ngờ, không ai mong muốn. Nhưng trong tình huống đó, mỗi tài xế phải có ý thức chủ động, thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho chính mình và người tham gia giao thông xung quanh.

Tai nạn thương tâm

Rạng sáng 29/8 xe tải BKS 61C - 416.03 bị hỏng máy, đang đậu ở vị trí điểm mở dải phân cách cứng tại Km 1714 xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận để sửa chữa.

Cùng lúc này xe tải BKS 86C - 113.20 do tài xế L.V.T (30 tuổi, ngụ huyện Hàm Thuận Bắc) điều khiển chở theo một phụ xe lưu thông trên QL1 hướng Đồng Nai - Phan Thiết, đã tông vào đuôi xe tải BKS 61C - 416.03 nêu trên.

Cú va chạm mạnh khiến phần đầu xe tải BKS 86C - 113.20 dính chặt vào đuôi xe tải phía trước. Tài xế tử vong kẹt trong cabin, phụ xe may mắn được cứu thoát trong tình trạng chấn thương nhẹ.

Đưa tài xế tử vong ra khỏi cabin sau vụ va chạm với xe hư hỏng dừng đỗ giữa lòng đường. Ảnh: D.T

Đưa tài xế tử vong ra khỏi cabin sau vụ va chạm với xe hư hỏng dừng đỗ giữa lòng đường. Ảnh: D.T

Trước đó, khoảng 21h30 ngày 20/8, tại Km 36+900 cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thuộc địa phận TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến việc xe ô tô bị hỏng dừng đỗ giữa lòng đường.

Tài xế Hoàng Tiến Tùng (SN 1991, trú tại tổ dân phố Đông Hương, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) điều khiển xe ô tô con BKS 98A - 422.32 lưu thông trên đường đã va chạm với xe ô tô tải BKS 20C - 226.85 do tài xế Hoàng Anh Truyền (SN 1982, trú tại Đèo Nưa, Phúc Thuận, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) điều khiển đi trước cùng chiều.

Hậu quả vụ tai nạn khiến tài xế xe con Hoàng Tiến Tùng kẹt trong cabin, sau khi được cứu thoát do đa chấn thương đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu được xác định xe tải của tài xế Hoàng Anh Truyền gặp sự cố hết dầu, đang dừng đỗ trên đường cao tốc sát dải phân cách để chờ hỗ trợ.

Tại hiện trường, cơ quan công an ghi nhận đoạn đường trên không có đèn đường, tài xế xe tải có đặt biển cảnh giới phản quang hình tam giác ở phía sau xe. Tuy nhiên, khoảng cách cảnh giới có bảo đảm an toàn hay không đang được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Phổ Yên làm rõ.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hải - Văn phòng luật sư Hải Thanh cho rằng, phương tiện giao thông bị trục trặc kỹ thuật dừng đỗ giữa lòng đường là sự cố bất ngờ.

Trong các vụ việc, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các yếu tố lỗi của hai bên như: tài xế xe ô tô hư hỏng đã sử dụng đầy đủ các biện pháp cứu hộ, cảnh báo chưa; tài xế xe phía sau có chú ý quan sát trong tình huống trên để nhận diện có chướng ngại vật phía trước chưa; tốc độ của xe và phần đường mà xe lưu thông đã đúng quy định hay chưa, điều kiện thời tiết, giao thông có ảnh hưởng tới tầm nhìn của người lái xe hay không... để xác định trách nhiệm các bên.

Không thể chủ quan

Các chuyên gia giao thông khuyến cáo rằng, 3 yếu tố quan trọng để tham gia giao thông an toàn là người điều khiển phương tiện, tình trạng phương tiện và hạ tầng giao thông.

Trước mỗi chuyến đi, người điều khiển phương tiện cần kiểm tra tình trạng an toàn của xe. Khi lưu thông trên đường, tài xế phải luôn tập trung quan sát để kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ.

Về nguyên tắc, khi xe phải dừng khẩn cấp vì gặp sự cố, tai nạn, hoặc hết xăng dầu việc đầu tiên tài xế cần làm là bật đèn khẩn cấp (đèn hazard), rồi cố gắng đưa xe vào trong làn dừng khẩn cấp; với xe nhỏ, nên đẩy xe vào lề đường bên phải.

Ngoài việc bật đèn khẩn cấp, cần đặt các vật dụng cảnh báo nguy hiểm, như tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón,... Nếu không mang sẵn những thứ này trên xe, có thể sử dụng cành cây lớn, đèn pin... để thu hút sự chú ý của các tài xế khác.

Để các tài xế xe phía sau có đủ thời gian giảm tốc độ và đánh lái tránh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT với điều kiện giao thông bình thường trên quốc lộ, đường cao tốc, khoảng cách phù hợp để đặt vật cảnh báo nguy hiểm là 150 - 250m.

Lực lượng chức năng đang làm rõ khoảng cách cảnh báo có bảo đảm an toàn trong vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên ngày 20/8.

Lực lượng chức năng đang làm rõ khoảng cách cảnh báo có bảo đảm an toàn trong vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên ngày 20/8.

Anh Lê Ngọc Anh - thợ sửa xe tại một gara trên đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm chia sẻ, sự cố về kỹ thuật phương tiện có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng thông thường trước khi xảy sự cố, phương tiện sẽ một số dấu hiệu như: tiếng động bất thường, máy giật cục, đèn cảnh báo nhấp nháy trên bảng điều khiển…

Tài xế hãy chú ý đến tình trạng xe, đặc biệt lưu ý về đổ xăng dầu và kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện. Khi xe gặp sự cố, hãy cố gắng đưa xe tránh làn đường xe chạy, đặt cảnh báo từ xa và liên hệ với bộ phận cứu hộ để đưa xe đến gara gần nhất.

Từ những tai nạn như đã nêu trên cho thấy, kiến thức, kỹ năng xử lý các sự cố trên đường để giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông với tài xế là vô cùng cần thiết. Việc đưa xe vào lề và đặt cảnh báo trong trường hợp hư hỏng là việc không thể xem nhẹ đặc biệt là ở những khu vực đường tốc độ cao hoặc nơi điều kiện giao thông còn hạn chế như không có đèn, đường xấu, đường hẹp, khúc cua khuất tầm nhìn, các điểm đen giao thông…

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/rui-ro-lon-tu-phuong-tien-hu-hong-dung-do-giua-long-duong.html
Zalo