'Rốt ráo' khai mở thị trường Halal

Trao đổi với TG&VN, ông Hosen Yousof, Tổng giám đốc Công ty CP Halatrip Việt Nam chia sẻ cảm nhận về làn sóng hứng khởi trong cộng đồng doanh nghiệp đang quan tâm và muốn tiếp cận thị trường Halal.

Ông Hosen Yousof, Tổng giám đốc Công ty CP Halatrip Việt Nam.

Ông Hosen Yousof, Tổng giám đốc Công ty CP Halatrip Việt Nam.

Nếu được lựa chọn một số tính từ để khái quát về những tiềm năng và triển vọng phát triển ngành công nghiệp Halal của Việt Nam, với ông sẽ là gì?

Tôi sẽ lựa chọn từ “màu mỡ” và “đầy hứa hẹn”. Có thể nói, thị trường Halal là một thị trường “màu mỡ” khi hiện có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), có 2,2 tỷ người Hồi giáo đang sinh sống tại 112 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (chiếm 25% dân số thế giới) và có tốc độ phát triển 2,9%/năm. Riêng khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương đã là một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho sản phẩm Halal với số dân theo đạo Hồi tại các khu vực này khoảng 860 triệu người và quy mô lên tới 230 tỷ USD.

Đây cũng là thị trường “đầy hứa hẹn” với các doanh nghiệp Việt Nam bởi chúng ta nằm ở khu vực châu Á - nơi có khoảng 62% dân số Hồi giáo của thế giới, sở hữu nguồn nguyên liệu thô dồi dào phù hợp để xuất khẩu.

Đó là chưa kể đến sử dụng thực phẩm Halal đang trở thành xu hướng mới, với niềm tin rằng loại thực phẩm này có chất lượng cao hơn và an toàn hơn. Ngày càng có nhiều siêu thị và đại siêu thị đang cho lên kệ hàng các sản phẩm Halal để thu hút người Hồi giáo.

Không chỉ vậy, nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… ngày càng ưa chuộng sản phẩm Halal, do các mặt hàng này đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, có ý nghĩa định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành Halal của Việt Nam. Tiếp theo đó là sự “vào cuộc” của nhiều cơ quan, bộ, ngành với nhiều hội thảo, tọa đàm thông tin về thị trường này… Ông cảm nhận thế nào về “tâm lý hứng khởi” này?

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang chuẩn bị các điều kiện để khai mở thị trường Halal toàn cầu với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” vào tháng 2/2023, nhằm đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia nhằm khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng; thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT) vào tháng 4/2024.

Việt Nam đã hoàn thiện các quy định pháp lý, tiêu chuẩn về Halal quốc gia và ký một số thỏa thuận hợp tác về Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo.

Đáng chú ý, vừa qua Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” – sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal tại Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút được đông đảo đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có đại diện của 50 nước, các tổ chức khu vực, quốc tế, hầu hết đều là cấp người đứng đầu các cơ quan quản lý Halal quốc tế, khu vực và các nước, cùng các doanh nghiệp quốc tế uy tín trong lĩnh vực Halal, các đại sứ và đại diện đại sứ quán các nước Hồi giáo/thị trường Halal quan trọng, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Hội nghị đã góp phần định hướng cho chiến lược phát triển ngành Halal Việt Nam, mở ra các cơ hội kinh doanh - đầu tư mới.

Chúng tôi cảm nhận rõ nét sự “rốt ráo”, “khẩn trương” và quyết tâm của Chính phủ trong những nỗ lực nhằm khai mở và thúc đẩy ngành công nghiệp Halal phát triển, thực sự đã tạo nên một làn sóng hứng khởi và quan tâm trong cộng đồng doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường này.

Tôi đánh giá cao vai trò của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là bộ phận Thương vụ. Dù hàng nông sản của chúng ta đang phải cạnh tranh khá gay gắt với các nước trong khu vực Đông Nam Á nhưng với sự tích cực vào cuộc của nhiều cơ quan thương vụ trong các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đang dần tạo được thiện cảm trên thị trường Halal và tại nhiều quốc gia Hồi giáo. Thời gian sắp tới, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động này, phải làm sao để thị trường Hồi giáo tin tưởng hơn về chứng nhận Halal đối với các sản phẩm của Việt Nam.

Du khách thưởng thức ẩm thực được chế biến theo tiêu chuẩn Halal của Hồi giáo tại nhà hàng Spices Taste of Indian tại Hà Nội. (Ảnh: Diễn Châu)

Du khách thưởng thức ẩm thực được chế biến theo tiêu chuẩn Halal của Hồi giáo tại nhà hàng Spices Taste of Indian tại Hà Nội. (Ảnh: Diễn Châu)

Theo ông, đâu là khó khăn và thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường này?

Thị trường Halal là thị trường rộng lớn, không chỉ giới hạn ở lĩnh vực thực phẩm mà còn trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác như thời trang, dược phẩm, du lịch… Tuy nhiên, hiện nay phần lớn mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn dừng lại ở các sản phẩm nông sản, nguyên liệu thô, doanh nghiệp chúng ta vẫn chưa quan tâm đến những mặt hàng xuất khẩu trong các lĩnh vực khác dù còn rất nhiều tiềm năng và dư địa.

Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp đều thiếu thông tin, thiếu sự tìm hiểu một cách bài bản và sự chuẩn bị trước khi bước vào thị trường. Hiện tại, chúng ta đã có sẵn những chính sách, đề án, chương trình để tiếp cận thị trường Halal nhưng sự quan tâm từ phía doanh nghiệp chưa thực sự cao, thậm chí nhiều đơn vị chưa biết chuẩn bị gì để xâm nhập thị trường này.

Tôi nhận thấy tâm lý phổ biến của nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chạy theo kiểu “ăn đong”, tức là khi nào có khách hỏi thì mới làm, thiếu sự chủ động ngay từ ban đầu và điều này cần phải sớm thay đổi. Để có thể có những bước tiến sâu và vững chắc tại thị trường Halal, bắt buộc doanh nghiệp phải thực sự nghiêm túc tìm hiểu và có chiến lược và lộ trình cụ thể, từ việc nâng cao hiểu biết về văn hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định, chứng nhận cần thiết, kể cả vấn đề phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật…

Với dân số theo đạo Hồi rất lớn, du lịch Halal (thị trường khách du lịch Hồi giáo) đang là thị trường tiềm năng lớn của ngành du lịch thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để khai thác “mỏ vàng” này?

Du khách Hồi giáo là một cộng đồng khép kín, thường đi du lịch theo nhóm, gia đình, cộng đồng và thời gian lưu trú cũng khá dài. Hiện nay, ngành du lịch Việt Nam chưa có sự đầu tư đúng mức để khai thác thị trường này. Về cơ sở hạ tầng, tôi muốn lấy ví dụ ngay như tại sân bay - điểm đến đầu tiên của khách quốc tế khi đến Việt Nam hiện nay hầu hết đều không có phòng cầu nguyện cho du khách Hồi giáo. Trong khi đó, ở các sân bay quốc tế lớn, khu vực công cộng, phòng chờ đều có phòng cầu nguyện.

Khi đến với Việt Nam, một trong những điểm hấp dẫn và thu hút người Hồi giáo chính là ẩm thực. Thời gian tới, chúng ta cần nghiên cứu làm sao để đưa các sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam được chế biến theo tiêu chuẩn Halal vào bàn tiệc, phục vụ khách du lịch Halal.

Là người Hồi giáo đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tôi nhận thấy thị trường khách du lịch Halal không quá khó khăn để tiếp cận. Vấn đề là chúng ta cần thay đổi cách truyền thông, phải làm sao để du khách Hồi giáo thêm tin yêu và coi Việt Nam là một điểm đến du lịch an toàn.

Để khai thác “mỏ vàng” này, các cơ quan quản lý cùng với các doanh nghiệp khai thác du lịch phải chung tay để xây dựng đồng bộ: Bộ quy chuẩn chung về quản lý khai thác các dịch vụ du lịch Halal; xây dựng cơ sở vật chất hệ thống dịch vụ đồng bộ, hấp dẫn; đào tạo nguồn nhân lực Halal theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ khách du lịch quốc tế từ văn hóa giao tiếp, quy trình phục vụ, nhu cầu riêng biệt của khách Hồi giáo…

Kim Giang (thực hiện)

Kim Giang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/rot-rao-khai-mo-thi-truong-halal-298068.html
Zalo