Rốt ráo 'chạy nước rút' giải ngân đầu tư công
Thời gian giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 chỉ còn hơn 1 tháng, tuy nhiên ước giải ngân đến nay mới chỉ đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này đặt ra yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rốt ráo hơn nữa trong công tác giải ngân để 'chạy nước rút' về đích.
Nhiều khó khăn vẫn hiện hữu
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/12/2024 là 529.632,6 tỷ đồng, đạt 70,24% kế hoạch, đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khi tỷ lệ giải ngân là 73,5% kế hoạch và đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân 5.703.907 tỷ đồng, đạt 91,75% kế hoạch; Chương trình mục tiêu quốc gia là 20.265,9 tỷ đồng, đạt 74,45% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Điểm tích cực là có 16/46 bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, 30/46 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Thậm chí, một số cơ quan trung ương giải ngân bằng 0% hoặc giải ngân rất thấp; một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.
Việc địa phương có kế hoạch lớn như TP. Hồ Chí Minh nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng chỉ mới giải ngân 51,08%.
Một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án vẫn hiện hữu. Hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành một số Luật để tạo cơ chế thông thoáng trong quản lý dự án đầu tư công nhưng các luật có hiệu lực từ năm 2025. Ngoài ra, thực tế hiện nay vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án chưa được giải quyết dứt điểm như: Vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA... cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư tích cực chủ động giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Riêng đối với vốn ngân sách địa phương, các khó khăn liên quan đến nguồn thu sử dụng đất do chưa đảm bảo so với dự toán được cấp thẩm quyền giao, dẫn đến chậm phân bổ nguồn thu sử dụng đất, ảnh hưởng việc triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn này. Cụ thể, tính đến ngày 19/12/2024, số tiền thu sử dụng đất của 63 địa phương chỉ đạt 91,13% so với dự toán được giao. Còn 24 địa phương có tỷ lệ thu tiền sử dụng đất dưới 70%, trong đó có 11 địa phương có tỷ lệ thu dưới 50% so với dự toán.
Đối với địa phương có kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp như TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh các vướng mắc chung về cơ chế chính sách, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, còn có một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Điển hình như gặp khó khăn trong việc phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài; một số nội dung liên quan đến thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành trung ương đang phối hợp tháo gỡ; Dự án Đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh tuyến Bến Thành - Suối Tiên đang hoàn thiện thủ tục để giải ngân.
Cần rốt ráo hơn nữa
Thời gian giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 không còn nhiều, để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu... Theo đó, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc.
Đối với 04 bộ và địa phương mới được giao bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 theo Quyết định số 1306/QĐ-TTg ngày 01/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ để đáp ứng nhu cầu vốn và đẩy nhanh tiến độ các dự án nhưng chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn giao, Bộ Tài chính đề nghị phân bổ ngay kế hoạch vốn. Đồng thời, báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng đơn vị liên quan trong trường hợp không phân bổ hết kế hoạch năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung.
Riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài các kiến nghị chung nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện nghiêm Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 08/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các địa phương hoàn thành dự án theo quy định. Đồng thời, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 được bổ sung chậm nhất đến ngày 31/12/2024 theo đúng quy định của pháp luật.