Sau 7 năm sống trong căn nhà mua giá 7 tỷ, người đàn ông sốc khi phát hiện chủ cũ vẫn ở tầng hầm
Ngay khi phát nhìn thấy chủ cũ đang xem TV trong tầng hầm căn nhà của mình, người đàn ông vô cùng bất ngờ.
Mới đây, câu chuyện một người đàn ông tên Dương Dương (đã đổi tên) chi gần 7 tỷ đồng mua nhà, 7 năm sau phát hiện chủ cũ vẫn sống ở tầng hầm nhận được sự quan tâm của cư dân mạng Trung Quốc.
Theo thông tin từ Dương Dương, cách đây 7 năm, anh đã chi ra 1,98 triệu NDT (hơn 6,8 tỷ đồng) để sở hữu một ngôi nhà tại thành phố Giang Tô. Tại thời ddiemr mua, Dương Dương vô cùng hài lòng vì ngôi nhà có diện tích rộng vừa phải, vị trí thuận tiện và giao thông dễ dàng.
Những tưởng mọi thứ cứ thế trôi qua êm đềm, cho đến một ngày, khi đi kiểm tra tình hình hệ thống nước trong nhà, Dương Dương đã xuống tầng hầm để kiểm tra và vô cùng bất ngờ khi thấy không gian dưới tầng hầm.
Cụ thể, tầng hầm được thiết kế như một không gian sống đầy đủ tiện nghi. Đáng kinh ngạc hơn là cảnh Dương Dương nhìn thấy ông Lý - chủ cũ ngôi nhà đang ngồi thoải mái trên ghế sofa và xem TV trong tầm hầm.
Ảnh minh họa
Thấy vậy, Dương Dương lập tức hỏi chủ cũ về lý do tại sao vẫn sinh sống tại tầng hầm. Không chút ngần ngại, ông Lý nói rằng:“Tôi bán ngôi nhà, không phải tầng hầm. Tầng hầm không có trong hợp đồng, ông không có quyền đuổi tôi đi”.
Trước lời giải thích của ông Lý, Dương Dương vô cùng bức xúc. Bởi thông thường, tầng hầm một phần không thể tách rời của ngôi nhà. Vậy nên, chủ cũ không thể có mặt tại đây.
Sau một hồi cự cãi, Dương Dương quyết định đưa vụ việc ra tòa, xác nhận quyền sở hữu tầng hầm và yêu cầu ông Lý phải di dời khỏi tầng này. Tại phiên tòa, luật sư đại diện của Dương Dương khẳng định rằng với cấu trúc và mục đích sử dụng của tầng hầm, rõ ràng đây là một phần không thể tách rời của ngôi nhà. Chính vì thế, quyền sở hữu tầng hầm phải được chuyển nhượng cùng với ngôi nhà.
Trước lập luận trên, luật sư của ông Lý lại cho rằng tầng hầm có lối vào và lối ra riêng biệt. Vậy nên nó không thuộc phạm vi giao dịch mua bán, và ông Lý không có nghĩa vụ phải di dời.
Thông qua những lý lẽ của hai bên, tòa án tiến hành xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như cấu trúc thực tế của ngôi nhà, cách thức sử dụng tầng hầm và các điều khoản trong hợp đồng mua bán.
Tại Trung Quốc, hiện không có quy định cụ thể về quyền sở hữu tầng hầm trong luật pháp. Nếu dựa theo nguyên tắc cơ bản của Luật Quyền sở hữu, tầng hầm thường được coi là một phần của ngôi nhà nếu không có lối vào và lối ra riêng biệt. Nhưng riêng trong trường hợp này, tầng hầm lại có lối vào riêng biệt khiến sự việc trở nên rắc rối hơn.
Đến nay, vụ kiện vẫn chưa đi đến hồi kết khiến cư dân mạng không khỏi tò mò và bàn tán rôm rả.