Rộn rã sắc màu cuộc sống từ Liên hoan Sân khấu Hà Nội

Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024 đã khép lại nhưng dư âm đẹp về những vở diễn rộn rã sắc màu kéo khán giả đến kín rạp hát vẫn còn đó…

Một cảnh trong 'Khoảng trống' –vở kịch xuất sắc giành Huy chương Vàng liên hoan. Ảnh: Bình Thanh.

Một cảnh trong 'Khoảng trống' –vở kịch xuất sắc giành Huy chương Vàng liên hoan. Ảnh: Bình Thanh.

Nườm nượp khán giả

12 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối tham dự liên hoan đã liên tục sáng đèn các rạp ở Hà Nội như Hồng Hà, Công nhân, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Hoàng Thành Thăng Long trong gần một tuần qua. Suất diễn nào cũng kín chỗ, thậm chí còn phải kê cả ghế phụ ở lối đi, kể cả có những vở biểu diễn vào giờ hành chính như “Sóng dậy ven đô” (sáng), “Lộ hàng” (chiều).

Và, liên tục những tràng pháo tay, những tiếng cười sảng khoái cùng không ít lời “ồ”, “à” của khán giả khi được nghe thoại hay, câu hát ngọt cũng như thấy nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật một cách xuất sắc. Và cùng với những phút giây thư giãn hay lắng lại trước một thân phận mang nhiều nỗi trái ngang thì không ít tình huống kịch kéo khán giả cùng ồn ào luận bàn.

“Tôi giật mình khi nghe câu thoại giữa ông Ủng và ông thủ trưởng ở vở kịch “Ông không phải là bố tôi”. Trong lúc đau khổ nhất, ông Ủng tìm về người thủ trưởng năm xưa cùng lời trách móc vì sao lại đem chuyện lý lịch gia đình vợ ông ra để mà dọa và làm ông ấy sợ hãi. Ông thủ trưởng đã cười mà rằng: “Ông có quyền từ chối nỗi sợ kia mà”. Đúng là, ai cũng có quyền như thế vậy mà có mấy ai đủ bản lĩnh từ chối đâu?”, bà Mai (Hoàn Kiếm) chia sẻ ấn tượng khi thường xuyên đến xem các vở diễn tham gia liên hoan.

Hay như khi xem vở “Lộ hàng”, không ít người xuýt xoa tâm đắc với những câu thoại không chỉ phơi bày mặt trái của showbiz mà còn là những điều xã hội ngày càng thiếu vắng như: “Sống trong một xã hội sự lãng mạn còn rất hạn hẹp, công thức…” thì “Sự ngây thơ là quý giá vô cùng”!

Thêm nữa, không chỉ đến từ sớm mà khi ê kíp sáng tạo cùng diễn viên ra chào nhiều lần song không mấy ai muốn ra về. Mọi người dùng dằng không chỉ để chụp hình và nói lời cảm ơn nghệ sĩ đã cháy hết mình trong từng vai diễn mà còn muốn cập nhật lịch cho các buổi sau.

Bà Hạnh nhà ở phố cổ vừa xem xong vở “Lộ hàng” của Lucteam tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng) hay tin chỉ còn suất cuối của Nhà hát Múa rối Việt Nam liền tỏ vẻ luyến tiếc vì khoảng cách từ nhà đến khá xa.

Chỉ thoáng chút lưỡng lự như thế để rồi: “Ở mãi phố Trường Chinh kia à, cũng xa đấy nhưng tối nay tôi sẽ nhờ con cháu đưa tới. Là buổi cuối rồi, nhanh thế nhỉ. Thế thì càng phải tới để thưởng thức, cổ vũ nghệ sĩ chứ”, bà Hạnh nói trong ánh mắt cười vui.

Có thể nói, thành công này không phải là lần đầu mà được nối tiếp từ các kỳ cuộc liên hoan trước. Cùng với sự chu đáo trong công tác chuẩn bị của ban tổ chức, khán giả Hà Nội cũng rất quan tâm, nhiệt tình đến rạp.

Tuy nhiên, lượng khán giả này đều theo diện vé mời hoặc biết lịch mà đến vì liên hoan mở cửa đón khách miễn phí. Dù có nhiều kỳ cuộc như thế được tổ chức trong hơn chục năm qua và luôn hấp dẫn khán giả, từ những bậc cao niên đến các bạn trẻ (nhất là vài năm trở lại đây) song chưa có phép thử nào đối với việc bán vé vào cửa.

Sức hút từ đời sống

 Một cảnh trong vở kịch 'Ông không phải là bố tôi' của Nhà hát Tuổi trẻ tham gia liên hoan. Ảnh: Bình Thanh.

Một cảnh trong vở kịch 'Ông không phải là bố tôi' của Nhà hát Tuổi trẻ tham gia liên hoan. Ảnh: Bình Thanh.

Tổng kết liên hoan, ông Hà Đình Cẩn - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã đặc biệt nhấn mạnh về những sắc màu các vở diễn đem lại để hướng đến cái đích cuối cùng vì con người của sân khấu.

Ông cho rằng, sân khấu từ khởi thủy đã lấy con người hướng thiện là nhân vật chính. Dù sân khấu hôm nay có sự chen lấn và tham gia của nhiều loại hình nghệ thuật, nhưng sự tham gia này chỉ làm sáng rõ hơn hình tượng con người. Không có con người không có sân khấu.

“Con người là đối tượng sáng tạo, đồng thời là đối tượng để sân khấu phục vụ. Con người là chất liệu cơ bản và cũng là sản phẩm cuối cùng của sân khấu. Con người khi được sân khấu xây dựng thành hình tượng hướng tới các giá trị tốt đẹp sẽ sống mãi như Thị Kính, Thiện Sĩ, Lưu Bình, Dương Lễ, Súy Vân... Những nhân vật chìm nổi nhiều bi kịch nhưng sống mãi. Sân khấu liên hoan kỳ này cũng vậy”, ông Cẩn nhấn mạnh.

Nhìn lại, liên hoan đã hội tụ 100% vở diễn được dàn dựng mới trong hai năm qua. Nhất là, trong đó có nhiều vở tổng duyệt trong năm nay như “Cánh cửa khép hờ” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (Nhà hát Chèo quân đội), “Người hát ả đào” (Nhà hát Chèo Hà Nội), “Lộ hàng” (Lucteam), “Sóng ven đô” (Nhà hát Chèo Bắc Giang), “Lý Thường Kiệt” (Nhà hát Cải lương Hà Nội), “Thiếu phụ Nam Xương” (Nhà hát Tuồng Việt Nam)…

Cùng với đó, vở diễn về đề tài đương đại chiếm chủ đạo ở sân chơi này khi có tới 7 tác phẩm. Trong số đó, cùng với những vở khai thác câu chuyện xảy ra trong kháng chiến như “Người hát ả đào”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” thì phần lớn tập trung khai thác đời sống tâm lý xã hội với không ít bi kịch đầy nước mắt trước những xoay vần của cuộc sống.

Chẳng hạn, “Lộ hàng” đề cập đến giá trị ảo trong làng giải trí từ đó vạch trần mặt trái của lòng người. Với kịch bản của Lê Hoàng và bản dựng của Trần Lực, khán giả phần nào thỏa mãn cả phần nghe – nhìn trong những ngôn từ, cách biểu đạt rất dí dỏm, giễu nhại mà sâu cay.

Đó là câu chuyện về ngôi sao hạng A lúc nào cũng lung linh trên sàn diễn đấy nhưng trong đời thực là con người thế nào? Anh ta có thực là tài năng hay chỉ nổi tiếng nhờ vào công nghệ lăng xê, đánh bóng tên tuổi? Với tình yêu, anh ta là người đứng đắn hay chỉ là bản sao của một gã Don Juan? Những góc khuất của giới showbiz dần được phơi bày khi các câu hỏi đó sáng tỏ. Ngoài ra, ở đây có cả chuyện của fan cuồng khiến khán giả mắc kẹt với cảm xúc… dở khóc dở cười!

Với “Ông không phải là bố tôi”, lại là câu chuyện đắng lòng xảy ra trong gia đình ông Ủng. Bởi năm xưa bố không nhận con nên giờ không thể “lợi dụng” bố thì con cũng đuổi bố ra đường. Luật nhân quả là thế.

Cũng khai thác về bi kịch gia đình nhưng “Khoảng trống” lại có góc tiếp cận khác, ở thời điểm khác. Đó là những khoảng trống trong tâm hồn của bậc trí thức bởi luôn khát vọng vươn đến đỉnh cao khoa học mà quên đi những trách nhiệm riêng tư.

Để lấp đầy chúng, mỗi người trong gia đình đó dần rơi vào sự toan tính, dằn vặt người mà cũng là mình. Chẳng thế mà ông giáo sư dù biết vợ ngoại tình nhưng không lên tiếng thậm chí còn ngăn không cho thú nhận. Tận tới khi chuẩn bị nhắm mắt xuôi tay, ông ấy mới nói ra vì sao…

Ngoài ra, những tác động của tốc độ đô thị hóa đến lối sống, lối nghĩ của người dân vùng ngoại thành cũng được phản ánh rõ nét trong vở chèo “Sóng ven đô”. Đó là tình anh em máu mủ ruột rà vốn yêu thương nhau nhưng bỗng chốc trở thành người xa lạ vì những toan tính về tài sản thừa kế khi đất ven đô lên giá cũng như cách làm ăn chộp giật, đánh đổi mọi thứ để kiếm tiền…

Có thể thấy, muôn sắc màu của đời sống xã hội khi được phản ánh và cảnh tỉnh qua những vở diễn hấp dẫn, đặc sắc khán giả sẽ luôn nhiệt tình đón nhận, yêu thích. Điều này vừa tiếp thêm động lực vừa đặt ra không ít thách thức đòi hỏi nghệ sĩ, các đơn vị nhà hát cần bám sát hơn nữa vào đời sống thực tiễn để sáng tạo.

“Liên hoan đã khép màn để lại dư âm thành công… Qua đây, chúng ta vui mừng thấy đội ngũ nghệ sĩ gạo cội vẫn còn đó, còn yêu nghề, còn sống chết với nghề. Chúng ta cũng thấy những người trẻ làm sân khấu hôm nay đang đổi mới từ mỹ thuật đến lối trình diễn nhưng không xa lạ mà được công chúng đón nhận, hòa đồng” - Ông Hà Đình Cẩn, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ron-ra-sac-mau-cuoc-song-tu-lien-hoan-san-khau-ha-noi-post708553.html
Zalo