Ngày thứ 7 văn minh: Lan tỏa tinh thần Bình Dương nghĩa tình, hào sảng

Công trình 'Vườn hoa Khu phố Ông Đông' nằm trên địa bàn Khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là kết quả lao động cật lực của người dân khu phố giải tỏa lều lán, dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng hoa..., biến khu vực ô nhiễm thành một không gian thoáng đãng, có cảnh quan đẹp.

6h30 sáng thứ Bảy một ngày đầu tháng 12, TP Tân Uyên vừa qua cơn mưa rào cuối mùa. Thời tiết mát mẻ, chị An Thị Kim Anh, người "nổi tiếng" trong khu phố Ông Đông vì đã hiến đất cho cộng đồng đã có mặt tại hội trường khu phố. Vừa cầm chổi quét sân, vừa vặn mình tập những bài thể dục đơn giản, chị nói: Nhà báo chờ ít phút ra ngoài kia ngắm vườn hoa của khu phố. Lát nữa thôi, mọi người đến đông lắm.

Nỗ lực kiên trì để thay đổi

Theo tay chỉ của chị Anh, tôi nhìn ra một khoảng vườn đầy mằu sắc. Các nụ hoa đang chum chím sắp trổ. Nhiều bông hoa đủ loại như hoa lan chuông vàng, hoa giấy, hoa chiều tím đã bung to, nở rộ. Cách đây ít tháng có ai ngờ nơi đây là bãi rác rộng 2.000 m2 nằm lộ thiên ngay giữa trung tâm của Khu phố Ông Đông.

Vườn hoa Khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương rộng khoảng 2.000m2 trước đây là bãi rác lộ thiên.

Vườn hoa Khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương rộng khoảng 2.000m2 trước đây là bãi rác lộ thiên.

Anh An Văn Minh, Trưởng khu phố cho biết: "Trước đây khu đất này là chợ tạm, sau khi di dời chợ, nơi đây thành bãi đất hoang, rồi sau đó thành bãi rác lộ thiên. Mùi xú uế, ruồi nhặng, chuột… cứ thế lan ra khắp nơi".

Khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang đô thị hóa rất nhanh. Theo ước tính, khu phố Ông Đông có hơn 32.000 dân. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, ô nhiễm môi trường là thách thức không nhỏ đối với người dân sinh sống nơi đây. Ông Lê Văn Nhỉ Đồng, Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp nói: "Rác thải không được xử lý đúng cách. Bụi từ các phương tiện đi lại và ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế đã khiến nhiều nơi trở nên ô nhiễm. Buộc chúng tôi phải hành động!".

Sinh ra và lớn lên giữa lòng thành phố, anh An Văn Minh không khỏi trăn trở khi chứng kiến những thay đổi về môi trường. Là thanh niên, anh Minh nhận thức rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ tương lai. Từ những băn khoăn đó, ý tưởng về "Biến bãi rác thành vườn hoa, cây xanh" đã nung nấu trong đầu anh Minh và ngay lập tức được thảo luận sôi nổi với các cán bộ trong khu phố và được sự ủng hộ hết mình của lãnh đạo phường Tân Hiệp.

Những ngày đầu khởi động, chỉ có các bà, các chị và một nhóm nhỏ với vài tình nguyện viên tham gia. Một tay cuốc, một tay bê, họ tự dọn rác. Công việc không chỉ đòi hỏi sức lực mà còn là sự kiên trì và lòng yêu môi trường, bởi lẽ bãi rác này ngập đầy rác thải sinh hoạt, chai nhựa, túi nilon, thậm chí cả xác động vật chết cũng lưu cữu ở đây.

Người góp sức, người góp hoa tạo nên một vườn hoa đẹp giữa khu phố.

Người góp sức, người góp hoa tạo nên một vườn hoa đẹp giữa khu phố.

Anh Minh nhớ lại: "Ban đầu, nhiều người dân xung quanh không hiểu chúng tôi đang làm gì. Có người nói rằng: 'Dọn rồi thì rác lại đầy thôi'. Nhưng tôi tin rằng, dù chỉ là hành động nhỏ, chúng ta cũng có thể tạo ra sự thay đổi nếu đủ kiên trì".

Bằng nhiệt huyết và sự cam kết, nhóm tình nguyện đã biến bãi rác thành vườn hoa, thu hút sự tham gia của hàng trăm người. Tuy nhiên, dọn rác chỉ là một phần nhỏ trong hành trình biến bãi rác thành vườn hoa. Anh Minh nhận ra rằng, để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm, cần phải có giải pháp sáng tạo và lâu dài.

Một trong những sáng kiến đáng chú ý của dự án là việc thiết kế vườn hoa và chọn hoa. Thiết kế đẹp sẽ tạo ra sự khác biệt. Và hơn hết, khi đã có thiết kế sẽ huy động được các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chung tay đóng góp. Bên cạnh đó, lãnh đạo khu phố còn phối hợp với các cơ quan chính quyền để tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. "Mưa dầm thấm lâu", nhìn bãi rác thay đổi từng ngày, nhiều người dân tình nguyện đem cây đến tặng, mang gạch đến hiến. Mỗi người một tấm lòng, chẳng mấy chốc vườn hoa đã thành hình hài.

"Chúng tôi muốn thay đổi từ gốc rễ – đó là nhận thức của cộng đồng. Khi mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của môi trường, họ sẽ hành động có trách nhiệm hơn", ông Lê Văn Nhỉ Đồng, Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp nói.

Không chỉ tập trung vào hoạt động biến bãi rác thành vườn hoa, người dân trong khu phố còn mở rộng phạm vi sang giáo dục cộng đồng. Những buổi nói chuyện, sinh hoạt về bảo vệ môi trường được tổ chức tại nơi sinh hoạt cộng đồng của khu phố thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ và các mạnh thường quân. Đây là cách để tạo ra ảnh hưởng lâu dài, khi mỗi người đều có ý thức và hành động để bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất.

Tuy nhiên, hành trình của những người như anh Minh, chị Anh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Một trong những thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt là sự thờ ơ của một bộ phận người dân. Nhiều lần, các thành viên bị từ chối khi kêu gọi cộng đồng tham gia dọn rác. "Có những lúc chúng tôi thấy nản lòng. Nhưng rồi, khi nhìn thấy vườn hoa đẹp hơn, nhiều người đến chụp ảnh (check-in) và người dân bắt đầu thay đổi thái độ, chúng tôi biết rằng mọi nỗ lực đều xứng đáng", anh Minh chia sẻ.

Ngày thứ 7 văn minh - Hành trình không có điểm dừng

Nhìn về tương lai, TP Tân Uyên đang xây dựng những kế hoạch dài hạn nhằm thực hiện tốt mục tiêu: Vì một Bình Dương xanh, sạch, đẹp, nghĩa tình.

Ngày thứ 7 văn minh lan tỏa lối sống đẹp, nghĩa tình của người dân Bình Dương.

Ngày thứ 7 văn minh lan tỏa lối sống đẹp, nghĩa tình của người dân Bình Dương.

Một trong những mục tiêu lớn của Đề án mà Thành ủy Tân Uyên thực hiện là gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Đề án được thực hiện hiệu quả đã góp phần làm thay đổi nhận thức người dân, thay đổi diện mạo của thành phố theo hướng văn minh đô thị. Việc triển khai thực hiện Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về "Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh" đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân; tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; hình thành các thói quen và ý thức xây dựng các hành vi ứng xử, lối sống văn hóa, văn minh; tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tạo ra hình ảnh, cảnh quan, đường phố, diện mạo của thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh hiện đại.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tân Uyên cho biết, năm 2024, TP Tân Uyên đã vận động kinh phí xã hội hóa nâng cấp 71 tuyến đường với số tiền hơn 13 tỷ đồng, thắp sáng 42 tuyến đường, ngõ hẻm với số tiền gần 2 tỷ đồng cho công trình huyết mạch được thi công xây dựng. Đề án 02 -ĐA/TU của Tỉnh ủy Bình Dương về "Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh" đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng và thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới; đồng thời thu hút nguồn lực lao động từ nhiều lao động đến sinh sống, làm việc.

Chị An Thị Kim Anh hiến 1.000 m2 cho khu phố làm vườn hoa và chị Trần Thị Thu Trang hiến 1.000m2. Ông Lê Văn Tỷ hiến 850m2 để thực hiện mô hình biến bãi rác thành vườn hoa và cây xanh.

(còn nữa)

Ngọc Đức - Anh Tuệ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngay-thu-7-van-minh-lan-toa-tinh-than-binh-duong-nghia-tinh-hao-sang-169241212095600445.htm
Zalo