Rộ trào lưu uống nước cốt chanh liều cao để 'tiêu tan' bách bệnh
Trào lưu uống nước cốt chanh liều cao để 'giải độc, chữa bách bệnh' đang lan nhanh trên mạng xã hội. Các chuyên gia cảnh báo nếu lạm dụng có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe.
Gần đây, trên mạng xã hội lại rộ lên trào lưu uống nước cốt chanh buổi sáng khi bụng đói để thải độc và chữa bệnh. Nhiều video, hình ảnh, bình luận chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, hướng dẫn mọi người cách uống nước cốt chanh, uống thật nhiều, uống liều cao với niềm tin có thể "tiêu tan" mọi loại bệnh.
Uống nước chanh liều cao chữa dạ dày
Nước cốt chanh được ca ngợi như một loại thần dược trị đủ loại bệnh, từ thải độc tố, giảm cân, chữa đau dạ dày, trào ngược, đến cải thiện gan nhiễm mỡ, viêm nhiễm phụ khoa, kể cả ung thư... Thậm chí, có người còn chia sẻ rằng sau ba năm mãn kinh, họ đã “bất ngờ có kinh trở lại” nhờ uống nước cốt chanh liều cao.

Tác dụng "thần kỳ" của nước cốt chanh được chia sẻ trên MXH. Ảnh: CMH
Trong một nhóm chuyên chia sẻ về tác dụng khi uống nước cốt chanh, hàng loạt mẹo, kinh nghiệm được lan truyền. Chẳng hạn, một tài khoản kể câu chuyện về việc đã cho mẹ mình uống nước cốt chanh liều cao mỗi ngày để chữa đau dạ dày. Sau 20 ngày uống liên tục, mẹ của người này bắt đầu cảm thấy đau bụng, nhưng vì tin tưởng vào những lời khuyên từ các tài khoản khác trên mạng, chủ tài khoản vẫn quyết định tiếp tục cho mẹ mình uống.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Huyền Trang, việc lạm dụng nước cốt chanh có thể làm gia tăng lượng axit dư thừa trong cơ thể, gây loét dạ dày từ mức độ nhẹ đến nặng.
Với tính axit mạnh, nước chanh có thể ăn mòn niêm mạc dạ dày hoặc làm trầm trọng thêm các vết loét đã có sẵn, kích thích dịch vị dạ dày, gây khó chịu và làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
“Không có thực phẩm nào là “thần dược” cho mọi loại bệnh. Lạm dụng nước chanh dù có lợi khi dùng hợp lý nhưng có thể phản tác dụng, gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Người dân cần tỉnh táo trước những trào lưu trên mạng, chỉ sử dụng thực phẩm với liều lượng hợp lý và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào” - bác sĩ Trang nói.
Thiếu bằng chứng khoa học
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Tấn Đạt – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện TP Thủ Đức, trào lưu uống nước cốt chanh chữa bách bệnh là không có căn cứ, thiếu bằng chứng khoa học.
Bác sĩ Đạt cho biết, hàm lượng axit trong chanh cao nên nếu uống quá nhiều hoặc uống lúc đói có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày dễ dẫn đến viêm loét dạ dày, ợ nóng, trào ngược…

Việc lạm dụng nước chanh có thể tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Ảnh: MXH.
Ngoài ra, axit citric trong nước cốt chanh còn làm mòn men răng, khiến răng ê buốt, dễ sâu răng, yếu răng… nhất là khi sử dụng thường xuyên, không dùng ống hút hoặc súc miệng sau uống.
Một số người có thể bị kích ứng da, nổi mẩn hoặc nhạy cảm với ánh sáng mặt trời nếu tiếp xúc nhiều với chanh. Ngoài ra, vỏ chanh chứa oxalate, khi tiêu thụ nhiều có thể hình thành sỏi thận, gây suy thận.
"Khi uống quá nhiều nước cốt chanh trong 1 ngày, kể cả ở người khỏe mạnh cũng rất nguy hiểm, có thể gây nguy hại cho cơ thể như phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong" - bác sĩ Đạt khuyến cáo.
Chỉ có lợi khi dùng đúng cách
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, một quả chanh cỡ vừa (khoảng 48g) cung cấp khoảng 10,6 kcal và chứa 18,6mg vitamin C – tương đương 21% nhu cầu vitamin C khuyến nghị mỗi ngày cho người trưởng thành.
Không chỉ giàu vitamin C, chanh còn chứa nhiều hợp chất thực vật có khả năng chống oxy hóa, góp phần bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do - nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Thành phần axit chủ yếu trong chanh là axit citric, một loại axit hữu cơ có vị chua đặc trưng, còn được biết đến dưới các tên gọi như axit chanh, axit tricarboxylic. Với tính ứng dụng cao, axit citric không chỉ phổ biến trong đời sống hằng ngày mà còn là thành phần thường gặp trong dược phẩm như viên uống, siro, viên nhai… giúp bảo quản và ổn định các hoạt chất trong thuốc.
Tuy vậy, theo bác sĩ Đạt, nếu uống quá nhiều chanh mỗi ngày, uống lúc đói hay uống nước cốt chanh mà không pha loãng với nước lọc đều có thể gây bất lợi cho sức khỏe.
Để nước chanh hỗ trợ tốt cho sức khỏe nên uống với lượng vừa phải, bác sĩ Đạt khuyến nghị mỗi người lớn 1-2 quả chanh (khoảng 4-6 muỗng nước cốt chanh) pha loãng với 250-500ml nước ấm mỗi ngày.
Thời điểm uống phù hợp là sau bữa ăn khoảng 1,5 đến 2 giờ và sử dụng ống hút để hạn chế tiếp xúc với răng. Nếu có bất kì triệu chứng bất thường nào khi sử dụng chanh, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để tư vấn kịp thời.
Lý giải “bất ngờ có kinh trở lại” nhờ uống chanh liều cao
Mãn kinh là quá trình sinh lý tự nhiên do sự suy giảm chức năng buồng trứng và nồng độ estrogen, không thể đảo ngược bằng thực phẩm đơn lẻ như nước cốt chanh. Tuổi mãn kinh khác nhau ở mỗi người, thường xảy ra sau 45 tuổi.
Với những trường hợp thấy kinh trở lại sau mãn kinh đều là bất thường. Biểu hiện của triệu chứng xuất huyết âm đạo sau mãn kinh rất đa dạng. Mức độ xuất huyết nhiều hoặc ít, có thể lặp lại hoặc không.
Bất kì trường hợp xuất huyết âm đạo xảy ra sau mãn kinh, thậm chí khi chỉ bị xuất huyết nhẹ hoặc bạn không chắc đó có phải là máu hay không, đều cần được kiểm tra bởi bác sĩ chuyên khoa.
Triệu chứng xuất huyết âm đạo sau mãn kinh thường không nặng nề nhưng nó có thể là một dấu hiệu của ung thư. Mặc dù phần lớn trường hợp xuất huyết âm đạo sau mãn kinh gây ra bởi bệnh lý lành tính.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng triệu chứng này cũng là một dấu hiệu của ung thư, đặc biệt là ung thư nội mạc tử cung – một loại bệnh lý ác tính của tử cung.
Do đó, ở bất kì trường hợp nào, bạn cũng cần được kiểm tra để loại trừ nguy cơ ung thư trước khi nghĩ đến xuất huyết âm đạo sau mãn kinh do các nguyên nhân lành tính khác.
Bác sĩ chuyên khoa I VÕ TẤN ĐẠT , Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện TP Thủ Đức