Căn bệnh đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mắc phải nguy hiểm như thế nào?
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vừa phải can thiệp đặt stent cấp cứu tình trạng nhồi máu cơ tim.
Những ngày qua, hình ảnh đạo diễn Nguyễn Quang Dũng điều trị trong bệnh viện ở TP.HCM được đăng tải trên fanpage cá nhân khiến nhiều người hâm mộ lo lắng. Được biết, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trước đó phải can thiệp đặt stent cấp cứu tình trạng nhồi máu cơ tim.
Nhiều người muốn biết rõ dấu hiệu nhận biết và mức độ nguy hiển của căn bệnh này.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sắp trở lại với công việc. (Ảnh: TP)
Theo Ths.Bs Nguyễn Văn Sơn, Khoa Nội khoa và Cấp cứu tim mạch, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Đây là tình trạng nguy hiểm, xảy ra đột ngột và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử trí kịp thời. Bệnh không chỉ gặp ở người cao tuổi mà còn có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi. Nhất là những người có lối sống không lành mạnh hoặc có yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Theo BS Sơn, nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi dòng máu đến nuôi dưỡng tim bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần, thường do cục máu đông hình thành trên nền mảng xơ vữa trong động mạch vành. Sự thiếu hụt oxy và dưỡng chất làm cho tế bào cơ tim bị hoại tử, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp, bao gồm:
– Xơ vữa động mạch: Đây là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim, xảy ra khi các mảng bám cholesterol tích tụ trong thành động mạch, làm thu hẹp lòng mạch.
– Huyết áp cao: Làm tăng áp lực lên thành mạch, dễ gây tổn thương và hình thành cục máu đông.
– Bệnh đái tháo đường: Tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và tổn thương mạch máu.
– Hút thuốc lá: Làm giảm oxy trong máu, thúc đẩy xơ vữa động mạch.
– Béo phì, ít vận động: Làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và tiểu đường.
– Tiền sử gia đình có bệnh tim mạch: Nếu người thân từng mắc bệnh tim, nguy cơ của bạn cũng cao hơn.
– Căng thẳng kéo dài: Làm tăng nhịp tim, huyết áp và dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Nhồi máu cơ tim cấp có nguy hiểm không?
Nhồi máu cơ tim cấp là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Dưới đây là một số biến chứng có thể xảy ra:
– Tử vong đột ngột: Nếu động mạch vành bị tắc hoàn toàn và không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong trong vòng vài phút đến vài giờ.
– Suy tim: Cơ tim bị tổn thương không thể bơm máu hiệu quả, dẫn đến suy tim, gây khó thở, mệt mỏi, phù chân.
– Rối loạn nhịp tim: Nhồi máu cơ tim có thể gây rối loạn nhịp tim nguy hiểm, thậm chí ngừng tim.
– Sốc tim: Huyết áp tụt mạnh, tim không thể bơm đủ máu đến các cơ quan, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
– Biến chứng huyết khối: Cục máu đông có thể di chuyển đến các cơ quan khác, gây đột quỵ hoặc tắc mạch phổi.
Triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp
Triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp có thể khác nhau ở từng người, nhưng thường gặp nhất là:
– Đau ngực dữ dội: Cảm giác đau thắt, bóp nghẹt ở ngực, có thể lan lên cổ, cánh tay trái, vai hoặc hàm.
– Khó thở: Người bệnh cảm thấy hụt hơi, ngay cả khi nghỉ ngơi.
– Đổ mồ hôi lạnh, chóng mặt: Xuất hiện khi tim không đủ máu bơm đi nuôi cơ thể.
– Buồn nôn hoặc nôn: Đặc biệt phổ biến ở phụ nữ khi bị nhồi máu cơ tim.
– Mệt mỏi bất thường: Cảm giác kiệt sức dù không làm việc nặng.
Biện pháp phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp
Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
– Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Duy trì huyết áp, đường huyết, mỡ máu ở mức ổn định.
– Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế mỡ bão hòa, ăn nhiều rau xanh, cá, thực phẩm giàu chất xơ.
– Tập thể dục đều đặn: Ít nhất 30 phút/ngày giúp duy trì sức khỏe tim mạch.
– Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia: Giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.
– Giảm căng thẳng: Thực hành thiền, yoga để giữ tinh thần thư thái.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch.
Cần làm gì khi có dấu hiệu của bệnh nhồi máu cơ tim?
Nhồi máu cơ tim cấp là một tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, đòi hỏi phải được can thiệp kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong và các biến chứng.
Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng nghi ngờ mắc nhồi máu cơ tim, hãy thực hiện ngay các bước sau:
- Dừng hoạt động và nghỉ ngơi: Nếu có dấu hiệu đau ngực, hãy dừng ngay mọi hoạt động và ngồi nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí. Cố gắng giữ bình tĩnh, thư giãn tĩnh thần và theo dõi tình trạng sức khỏe. Hạn chế cử động mạnh để giảm thiểu áp lực cho tim.
- Gọi cấp cứu: Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người xung quanh đang bị nhồi máu cơ tim, hãy gọi số điện thoại cấp cứu. Mỗi phút đều quan trọng và việc cấp cứu nhanh chóng có thể cứu sống người bệnh.
- Đối với những trường hợp không có triệu chứng rõ ràng: Nếu có cảm giác mệt mỏi bất thường, đau ngực âm ỉ, khó thở hoặc buồn nôn mà không rõ nguyên nhân, cần chủ động đến cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.
Nhồi máu cơ tim cấp không chỉ nguy hiểm mà còn có thể để lại những di chứng lâu dài nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.