Cách tâm trí đi từ rối loạn tới sáng tỏ
Tất cả chúng ta đều là con người. Ta phạm sai lầm. Ta thay đổi ý kiến. Và ta lầm tưởng về đủ thứ chuyện suốt thôi. Đó là chuyện bình thường. Cái không bình thường là để mình bị rối trí ngoài tầm kiểm soát.
Năm 2014, tôi chuyển tới London từ Leeuwarden, Hà Lan, thành phố nơi tôi đã lớn lên. Tôi từ một thành phố 100 ngàn người chuyển tới một thành phố có 7 triệu người sinh sống. Mọi thứ khó khăn hơn tôi tưởng. Đặc biệt là cái khoản tìm chỗ ở.
Sau khi tìm hiểu tình hình và trò chuyện với các đồng nghiệp mới, tôi mới biết là gần như không thể tìm một căn hộ trong thời gian ngắn mà không bị hét giá cắt cổ. Thay vào đó, tôi quyết định thuê một căn phòng (cách này dễ hơn nhiều) trong vòng ba tháng. Và tôi quyết định khám phá các khu vực khác nhau ở London nằm trong phạm vi một giờ di chuyển bằng phương tiện công cộng tính từ chỗ làm của tôi. Kế hoạch là vậy. Và ban đầu mọi thứ cũng suôn sẻ. Ban đầu thôi.
Sau hai tháng, tôi tìm được một căn hộ một phòng ngủ nhỏ nhắn và vừa túi tiền ở Earlsfield, khu vực tây nam London. Tôi đã lên kế hoạch đâu ra đó hết. Tôi chấm dứt hợp đồng thuê phòng hiện tại và ký hợp đồng thuê căn hộ mới. Cha mẹ và anh tôi còn lái xe từ Hà Lan tới để giúp tôi. Và bởi vì tôi không có nhiều đồ đạc, chúng tôi có thể dùng ô tô để chuyển đồ của tôi từ chỗ cũ tới chỗ ở mới, chỉ cách có 10 phút đi đường.
Trong suy nghĩ của tôi, mọi việc sẽ diễn ra thế này: tôi sẽ thu dọn hết đồ đạc của mình, nhận chìa khóa nơi ở mới, trả chìa khóa cũ cho chủ nhà cũ, chuyển vào nhà mới, xem Netflix và nghỉ ngơi. Còn nữa, tôi dự tính làm xong tất cả trong cùng một ngày.

Đưa tâm trí từ rối loạn tới sáng suốt đôi khi không phức tạp như chúng ta nghĩ. Ảnh: Linkedin.
Chà, cuối cùng thì mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch. Bà chủ nhà mới đổi ý vào phút chót và quyết định không cho thuê căn hộ. Bà báo cho tôi chỉ một ngày trước cái hôm tôi dự định chuyển đi. Thế là đột nhiên, tôi không còn chỗ ở và có một chiếc xe SUV chất đầy đồ đạc. Tối đó, trong phòng khách sạn cha mẹ thuê, tôi hoảng cả lên. Hoảng cực kỳ.
“Con không biết phải làm sao hết! Con không có chỗ ở, đồ đạc để hết trên xe, con đã kéo mọi người từ Hà Lan tới đây, và giờ con ngồi đây như một thằng ngốc”. Tôi tiếp tục tự trách mình suốt phần còn lại của buổi sáng và buổi tối hôm đó. Chắc bạn đang nghĩ, “Thật vậy luôn hả?”. Thật đó, khi nhìn lại chuyện này, tôi không thể không thấy rằng có lẽ mình phản ứng hơi thái quá. Chà, cứ nói thẳng ra nào: tôi đã nhặng xị cả lên. Và không chỉ một chút.
Đó chính là lý do tôi chọn ví dụ này bởi nó cho thấy tôi ngu ngốc đến thế nào trong suy nghĩ. Tôi dành quá nhiều thời gian quẩn quanh với suy nghĩ của mình nên không nhìn rõ tình hình thực tế. Tôi không suy nghĩ rõ ràng. Và vì cái gì chứ? Vì một vấn đề của thế giới thứ nhất ư? Thôi nào.
Ngày hôm sau, tôi thức dậy, rồi với sự động viên từ cha mẹ và anh, tôi quyết định thôi than thân trách phận và bắt đầu tìm giải pháp. Tôi nhắc nhở mình, “Suy nghĩ thấu đáo lên nào”.
Tôi biết tôi phải lấy sự rõ ràng thay cho rối loạn. Tôi muốn đi thẳng vào vấn đề. Tôi hình dung thế này:
Bên trái: Một núi những ý nghĩ vô ích: Lo lắng, căng thẳng, đau khổ, bối rối, không biết làm gì.
Bên phải: MỘT ý nghĩ thông suốt có một mục tiêu hữu ích (duy nhất). Tôi muốn bắt đầu dùng bộ óc làm công cụ. Trong trường hợp ở London, tôi cần tìm ra một giải pháp - nhanh lên mới được.
Hóa ra việc đó rất dễ dàng một khi tôi bắt đầu suy nghĩ thông suốt. Tôi thuê một phòng Airbnb cho tới khi tìm được nơi ở mới. Cuối cùng, chúng tôi ở Airbnb hết một tuần. Bà chủ nhà lại đổi ý lần nữa và quyết định rốt cuộc cũng cho tôi thuê căn hộ đó.
Vậy là tất cả những nỗi căng thẳng, lo âu và nghĩ ngợi của tôi đều cực kỳ vô ích. Chuyện đó thường xuyên xảy ra đến mức nào? Chúng ta luôn phán xét vội vàng và đưa ra kết luận từ những điều ta cho là đúng. Tất cả chúng ta đều là con người. Ta phạm sai lầm. Ta thay đổi ý kiến. Và ta lầm tưởng về đủ thứ chuyện suốt thôi. Đó là chuyện bình thường. Cái không bình thường là để mình bị rối trí ngoài tầm kiểm soát.
Sau nhiều lần nghĩ ngợi lung tung vô ích như vậy, tôi quyết tâm thay đổi. Tôi không có một phút giác ngộ trọng đại hay khoảnh khắc kịch tính buộc tôi phải đổi thay. Cuộc đời không phải phim Hollywood. Những người tôi quen biết chỉ thay đổi khi vấn đề lên tới đỉnh điểm. Một lúc nào đó, chúng ta phải đứng dậy nói, “Đủ rồi”. Và bạn biết gì không? Rất nhiều người chẳng bao giờ thay đổi gì cả. Nhưng đó không phải chuyện chúng ta cần quan tâm.
Sau nhiều năm để tâm trí chìm trong hỗn loạn, tôi đơn giản không chịu nổi sự dằn vặt tinh thần này nữa. Tôi không biết phải thêm thắt gì để nói cho hấp dẫn hơn. Bạn không cần tới một khoảnh khắc “mất hết tất cả”. Những khoảnh khắc như vậy gần như chẳng bao giờ xảy ra.