Réo rắt tiếng khèn Mông bên bờ rào đá

Đối với đồng bào dân tộc Mông, từ lâu, chiếc khèn đã trở thành nhạc cụ gắn bó với đời sống sinh hoạt và là biểu tượng độc đáo trong nét đẹp văn hóa truyền thống của họ. Cây khèn không chỉ đơn thuần là nhạc cụ để gửi gắm, thổ lộ tâm tình, mà còn được xem như sợi dây, phương thức kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh. Trong các nghi lễ của đồng bào dân tộc Mông, không thể thiếu tiếng khèn. Bởi vậy, các dòng họ người Mông ở Hà Giang vẫn có ý thức cao trong việc truyền dạy khèn, lưu giữ nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ngay từ nhỏ, các cậu bé người Mông đã học cách thổi khèn. Ảnh: Thủy Lê

Ngay từ nhỏ, các cậu bé người Mông đã học cách thổi khèn. Ảnh: Thủy Lê

Là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang hiện có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc Mông có số dân đông nhất với trên 31% tổng số dân của cả tỉnh.

Lần theo những âm thanh réo rắt, da diết trong gió của tiếng khèn Mông vọng lại bên những bờ rào đá trên đỉnh núi cao ngút ngàn, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của chàng trai Hờ Mí Sử, 19 tuổi, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc. Sinh ra, lớn lên trên cao nguyên đá, được nghe tiếng khèn Mông từ nhỏ, nên cậu bé Hờ Mí Sử sớm có tình yêu đặc biệt với tiếng khèn của dân tộc mình. Được chỉ dạy từ người thân, cùng với bản tính ham học hỏi, Hờ Mí Sử luôn chủ động tìm hiểu những đặc tính riêng có của cây khèn, không ngừng trau dồi kỹ năng của bản thân. Với niềm đam mê của tuổi trẻ, trách nhiệm với văn hóa truyền thống của dân tộc và từ tình yêu với cây khèn, Hờ Mí Sử đã nỗ lực tập luyện, học hỏi từ thế hệ ông cha đi trước và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ cùng bảo tồn, phát huy, nhân rộng bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

“Từ lâu, cây khèn là nhạc cụ gắn liền với cuộc sống của người Mông, thân quen như món “mèn mén” hàng ngày của người dân nơi đây. Tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện chắp nối lời yêu thương của bao chàng trai, cô gái. Nghe tiếng khèn của người Mông âm vang khắp rừng núi sẽ khiến bao lo toan, vất vả, muộn phiền trong cuộc sống tan biến mất. Đặc biệt, tiếng khèn là vật không thể thiếu trong tang lễ, bởi nó chính là phương thức kết nối để người sống và người chết có thể giao tiếp được với nhau. Bài khèn trong đám tang cũng giống như một bài điếu văn cho một đời người. Để có được tiếng khèn hay là khi chơi, người và khèn nhập làm một, cuồng say để từng động tác múa hóa thân vào giai điệu khèn. Chính vì thế mà lúc chơi không có động tác thừa, thở ra, hít vào, cây khèn đều cất lên âm hưởng của núi rừng, truyền tải thông điệp, thổ lộ tâm tư, tình cảm của người thổi khèn đến bạn bè và vạn vật quanh mình” - Hờ Mí Sử bộc bạch sau khi kết thúc bài múa khèn để trình diễn cho chúng tôi xem.

Ngồi nhìn con trai biểu diễn khèn cho khách, anh Hờ Mí Sính, sinh năm 1986, là cha của Hờ Mí Sử cho biết thêm: “Đồng bào dân tộc Mông nơi đây gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng. Khèn Mông được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau: trong những dịp lễ, Tết, chúc mừng, ngoại giao đón khách, cưới xin... Trong đời sống văn hóa, tâm linh, tiếng khèn, cây khèn đi theo suốt cuộc đời của mỗi người Mông, hiện diện trong lúc vui nhất, lúc buồn nhất của mỗi gia đình. Với đàn ông người Mông, biết thổi khèn, múa khèn là một niềm tự hào. Họ được mọi người trong cộng đồng tôn trọng, nể mến. Bởi vậy, bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy, thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà còn là phương tiện thể hiện tài nghệ của mình và là cầu nối để họ tìm được người bạn đời”.

Mỗi độ Xuân về, khi những bông đào rừng tô điểm khắp núi đồi cũng là lúc cao nguyên đá lại vang lên tiếng khèn thiết tha, sâu lắng. Ảnh: Thủy Lê

Mỗi độ Xuân về, khi những bông đào rừng tô điểm khắp núi đồi cũng là lúc cao nguyên đá lại vang lên tiếng khèn thiết tha, sâu lắng. Ảnh: Thủy Lê

Có thể thấy, chiếc khèn có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào người Mông. Người Mông từ ngàn xưa đã quan niệm rằng, cây khèn là nhịp nối giao tiếp linh thiêng giữa trần gian và cõi thần linh. Chiếc khèn là công cụ “gọi hồn” để người chết nghe tiếng mà biết đường, biết lối về với tiên tổ, họ hàng. Đến bây giờ, khèn không chỉ là đạo cụ “gọi hồn” mà tiếng khèn còn được vang lên trong các dịp hành lễ, hội bản, ngoại giao đón khách, cưới xin... Tiếng khèn được sử dụng ngày càng thông dụng, bởi nó thể hiện tâm hồn, bản sắc dân tộc và ẩn chứa cả những thông điệp sâu xa, thầm kín của con người.

Và để làm ra được cây khèn như ý phải trải qua nhiều công đoạn cùng sự tỉ mẩn và tài hoa của bàn tay người thợ. Trước tiên, người làm khèn phải lựa được thân khèn bằng một loại gỗ họ thông, thớ gỗ thẳng, không mối mọt. Cây gỗ sau khi được chặt xuống, phải ngay lập tức cắt khúc dài từ 80 - 90cm, bổ đôi và khoét rỗng theo chiều dài thân cây, rồi áp hai thân cây lại như cũ, buộc chặt để nhựa tự kết dính. Những đoạn gỗ tươi này được đem về để khô trên gác bếp, rồi mới tạo hình dáng bầu, khoét các lỗ trên thân để lồng các ống trúc vào. Ống làm khèn là những thân trúc trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, để khô mới tiện lỗ, lắp ráp lại với thân khèn. Bên trong các ống trúc đều chứa những “lưỡi gà” bằng đồng. Khi thổi vào hoặc hít ra sẽ tạo âm thanh trầm bổng khác nhau vô cùng đặc biệt. Cuốn quanh thân khèn là loại dây được tách từ vỏ cây đào rừng, vừa để giữ chặt bầu khèn, vừa mang tính trang trí.

Khèn Mông chỉ có 6 ống ngang nhưng thổi được 7 nốt trên khuông nhạc. Ống lớn nhất và cũng là ngắn nhất có vai trò giữ nhịp. Các ống còn lại tùy theo kích thước to nhỏ mà có âm thanh khi trầm khi bổng, khi réo rắt lúc dồn dập, lúc xuống thấp, lúc cao vút như đang trên đỉnh núi. Khi màn đêm buông xuống, cả cao nguyên đá như chìm đắm trong tiếng khèn gọi bạn, tiếng khèn gọi trăng lên đỉnh núi..., trai gái nắm tay nhau, say trong điệu múa, bên ánh lửa bập bùng.

Vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên đá hòa quyện cùng tiếng khèn lúc trầm bổng, lúc sâu lắng như tình người nơi đây. Giữa tầng tầng lớp lớp đá màu xám trên cao nguyên đá Hà Giang, âm thanh của những cây khèn Mông vẫn có sức hút riêng, tiếng khèn vang vọng, lúc thoáng đạt, lúc nỉ non, dìu dặt đã làm rung động biết bao trái tim con người.

Năm 2015, khèn Mông của tỉnh Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong tình cảm, trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông trên cao nguyên đá Hà Giang cũng đã góp phần vinh danh cho Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đầu tiên của Việt Nam và trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo của địa phương, thu hút đông đảo du khách quốc tế và trong nước đến tham quan, thưởng lãm.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/reo-rat-tieng-khen-mong-ben-bo-rao-da-post486525.html
Zalo