Rèn luyện tính trách nhiệm: Bước đệm giúp con vững vàng
Giúp con sống có trách nhiệm trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng của các bậc làm cha mẹ.

Để trẻ sống trách nhiệm hơn, phụ huynh cần cho trẻ thường xuyên đóng góp vào những công việc chung. Ảnh minh họa: INT.
Sự nghiệp thành công hay thất bại, sống tích cực hay tiêu cực… thuộc về tố chất và năng lực chịu trách nhiệm của mỗi người. Do đó, giúp con sống có trách nhiệm trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng của các bậc làm cha mẹ.
Từ những việc làm nhỏ nhất
Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Vũ Thị Thêu - giáo viên một trường mầm non tại Hà Nội cho biết, người lớn nên luyện cho trẻ ý thức trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ. Theo cô Thêu, các bậc phụ huynh thường có tâm lý con mình còn nhỏ, chưa nhận thức được các tình huống trong đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế, 3 tuổi là trẻ đã có sự nhận thức nhất định. Mặc dù từ “trách nhiệm” có vẻ nặng nề, song các con cần học về thế nào là trách nhiệm để có thể xây dựng được lòng tự trọng và hiểu được về ý nghĩa cuộc sống.
“Người lớn có thể dạy trẻ bắt đầu từ những việc đơn giản, phù hợp với lứa tuổi nhất. Những nhiệm vụ quá khó, quá sức đối với trẻ sẽ chỉ khiến chúng cảm thấy lo lắng, dễ bị nản lòng.
Ví dụ, ở lớp mầm non, tôi thường hướng dẫn các bé tự cất gọn đồ chơi về vị trí cũ sau khi đã chơi xong và khuyến khích các bậc phụ huynh cũng làm như vậy ở nhà.
Có thể trong những lần đầu, các con còn lóng ngóng, cất sai vị trí, thậm chí làm rơi vỡ, khiến người lớn xuất hiện suy nghĩ và hành động ‘thôi tự làm cho nhanh’. Nhưng tôi thường khuyên các bậc phụ huynh không nên làm hộ con. Ở độ tuổi này, trẻ thích được giúp đỡ người khác, thể hiện bản thân là mình biết làm mọi thứ. Vì thế, cha mẹ phải tìm cách duy trì những cảm xúc tích cực ở trẻ bằng cách đưa ra những lời khen ngợi cụ thể khi con hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bố mẹ tuyệt đối đừng mất kiên nhẫn, đánh, mắng, dọa nạt... khi con không hoàn thành được công việc như mong muốn. Nhiều lần như vậy, con sẽ hình thành tâm lý không muốn làm, sợ khi làm sai sẽ bị trách mắng. Thay vào đó, phụ huynh hãy kiên nhẫn nhẹ nhàng hướng dẫn và dùng thái độ vui vẻ, tích cực để đồng hành với con. Tôi nghĩ việc hình thành ý thức tự giác và xây dựng thói quen cho con quan trọng hơn kết quả bé có xếp đồ chơi đúng chỗ hay không, hoặc mất bao nhiêu lâu để con xếp được hết chỗ đồ chơi đó. Mục tiêu không phải là hoàn thành công việc mà là giúp trẻ vui và hứng thú khi được đóng góp công sức của mình”, cô Thêu chia sẻ.

Người lớn cần hình thành cho trẻ cách sống có trách nhiệm càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa: INT.
TS tâm lý học Nguyễn Hạnh Liên - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Để trẻ sống có trách nhiệm, người lớn cần tạo cơ hội cho con thường xuyên đóng góp vào công việc chung.
Thông thường cha mẹ, ông bà gần như dành mọi sự tập trung, yêu thương cho con cháu. Tuy nhiên, trẻ cần được giáo dục đúng cách để biết được đúng sai, chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Trước hết, hãy xây dựng thói quen cho con, đây là điều rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Việc này giúp con nắm vững các nguyên tắc và hình thành thói quen, từ những việc đơn giản, dễ nhất. Ví dụ, trước khi đi ngủ cần cần dọn dẹp đồ chơi, vệ sinh cá nhân, trước khi ăn cơm cần lấy bát đũa,… Sau đó, trẻ sẽ phát triển thói quen học tập, sống tốt, đồng thời học được các kỹ năng thông qua việc làm đi làm lại các công việc gia đình.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ không muốn trẻ nghĩ rằng việc gấp chăn màn hay quét nhà, lau nhà là công việc nhàm chán, phải làm trong tâm thế ép buộc thì đừng bắt trẻ làm việc một mình mà không có người lớn bên cạnh. Hãy đồng hành cho đến khi con trẻ thấy rằng đây là hoạt động thường xuyên trong gia đình chứ không phải là một điều ép buộc.
Ngoài ra, xét về góc độ tâm lý, khi những hành vi tốt của con người được ghi nhận thì có xu hướng sẽ tiếp tục phát triển. Dần dần khi trẻ trưởng thành, sự đóng góp của chúng cũng sẽ tăng lên theo độ tuổi, không chỉ gói gọn trong cuộc sống gia đình mà còn cả ở ngoài xã hội như giúp đỡ bạn bè, quan tâm đến những người yếu thế...
Mặc dù vậy, phụ huynh không thể mong đợi trẻ sẽ có thái độ tích cực ngay lập tức. Điều này cần phải được phát triển từ việc nhỏ để hình thành thói quen, theo những phương pháp phù hợp với lứa tuổi. Khi con là người bình tĩnh, biết phân định đúng sai, chịu trách nhiệm, ba mẹ biết làm gương, con sẽ trở thành người sống có trách nhiệm.

Việc cha mẹ đánh mắng khiến trẻ sợ hãi và cố tìm ra lý do để biện minh cho hành động của mình. Ảnh minh họa: INT.
Nuông chiều hay nghiêm khắc với trẻ?
Chuyên gia khai vấn (Lifecoach) Nhã Khuê - Giám đốc cấp cao Học viện Lifecoach Quốc tế Gein Academy, cho biết, một số phụ huynh khi thấy con mình bị phê bình vì lỗi nào đó thì bênh vực con “trẻ con mà, nó có biết gì đâu”. Nhưng cũng có một số người ngay lập tức la mắng, đánh đập con trước mặt người góp ý. Cả hai cách đều chưa đúng đắn và dễ dẫn đến những tác động tiêu cực. Việc bênh vực cảm tính là hành động cổ súy cho con làm sai, khiến trẻ không phân định được khái niệm đúng sai, ảnh hưởng tới xu hướng phát triển của con sau này. Ngược lại, cách thứ hai thể hiện sự bất lực trong việc giáo dục con cái của chính mình.
Cô Nguyễn Tuyết Trinh - giáo viên một trường THCS tại Hà Nội chia sẻ, bản thân từng gặp nhiều tình huống về việc học sinh vi phạm nội quy, buộc phải mời phụ huynh đến trường. Thế nhưng, phản ứng đầu tiên của phụ huynh là bênh vực con mình và đổ lỗi cho ngoại cảnh, giáo viên, nhà trường hoặc các bạn khác thay vì nhìn nhận con và gia đình đã giáo dục con ra sao.
Theo cô Trinh, trẻ học được rất nhiều từ chính cách cư xử của người lớn, cha mẹ, người thân với những người xung quanh. Vì vậy nếu ngay cả những người lớn gần gũi với con trẻ nhất không nhìn nhận đúng vấn đề, thì rất khó để hình thành tính trách nhiệm cho trẻ. Trẻ sẽ có xu hướng đổ lỗi, coi mình là “nạn nhân” và oán trách người khác khi xảy ra chuyện không hay.
Bên cạnh đó, cô Trinh cũng từng gặp nhiều học trò nhút nhát, tự ti, khép kín và không dám đối mặt và chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Lý do vì phụ huynh của các em quá hà khắc trong cách đối xử và dạy dỗ con cái.
“Tôi nhớ mãi, trong lớp tôi chủ nhiệm có một học sinh rất ít nói và không thích tiếp xúc với các bạn khác. Có lần em ấy sử dụng tài liệu trong phòng thi nên đã bị hủy bài thi và mời phụ huynh lên trường. Ngay hôm đó, em bỏ sang nhà bạn, không về nhà khiến thầy cô và bố mẹ đều hết sức lo lắng. Sau này, con tâm sự với tôi rằng bố con là người nghiêm khắc đến mức hà khắc. Mỗi khi con không đạt được điểm số như kỳ vọng hoặc mắc sai lầm, dù nhỏ hay lớn, bố cũng mắng mỏ thậm tệ thậm chí đánh đòn rất đau. Có lần, bố còn đánh trước mặt ông bà và các anh chị em khiến học sinh này hết sức xấu hổ. Vì vậy, phản ứng đầu tiên của con khi làm sai điều gì là sợ hãi, lựa chọn trốn tránh thay vì đối mặt và xử lý vấn đề”, cô Trinh tâm sự.
Theo chuyên gia tâm lý, khi sai lầm hay làm gì tội lỗi khiến mọi người muốn tự vệ và thường có khuynh hướng che đậy hơn là sửa chữa. Thêm vào đó, việc cha mẹ đánh mắng khiến trẻ càng sợ hãi, đó là lý do tại sao một số trường hợp nói dối và tệ hơn nữa sẽ tìm ra tất cả lý do để có thể biện minh cho hành động của mình. Do đó, trẻ sẽ không hiểu được trách nhiệm của ban thân và nhiều khả năng sẽ lặp lại những hành động sai trái.
Cô Trinh cho biết thêm: Sau khi biết chuyện, tôi đã trò chuyện với phụ huynh của học sinh này. Dần dần, em đã mở lòng hơn, biết chấp nhận và dũng cảm đối mặt, chịu trách nhiệm với những vấn đề của chính mình thay vì trốn tránh như trước.
“Thật may vì giáo viên và phụ huynh đã kịp nhận ra vấn đề của học sinh cũng như chính gia đình để thay đổi phương pháp giáo dục. Việc bênh con bất chấp là không đúng song việc đánh mắng trẻ, nhất là trước mặt người khác khiến chúng bị tổn thương lòng tự trọng. Có đứa sẽ dần tự ti, nhút nhát hoặc cũng có đứa sẽ trở nên ương ngạnh, ‘lì đòn’ và khó bảo. Tất cả đều là những phương pháp sai lầm”, cô Trinh nêu quan điểm.
Theo nữ giáo viên Hà Nội, trẻ em luôn có những nỗi sợ hãi, vì vậy, chúng tránh né không muốn đối mặt và chịu trách nhiệm. Với tư cách là người lớn, phụ huynh nên có sự thấu hiểu và giúp trẻ giải quyết những nỗi sợ đó. Các bậc cha mẹ nên đóng vai trò là một người bạn, lắng nghe và khuyến khích con chia sẻ cảm xúc một cách cởi mở. Đồng thời cũng nên nhấn mạnh để con hiểu rằng sợ hãi là một cảm xúc tự nhiên của cuộc sống, không có gì đáng xấu hổ và ngay cả người lớn cũng có những nỗi sợ hãi của riêng mình.
Điều quan trọng nhất là dạy con biết đối mặt với thử thách và giải quyết chúng. Hãy cho trẻ hiểu rằng bố mẹ luôn ở bên, dành tình cảm yêu thương dù con có mắc sai lầm, miễn là con biết dám thừa nhận, sửa lỗi và trưởng thành hơn sau những lần vấp ngã.
Theo chuyên gia, để con có được tính trách nhiệm khi trưởng thành, bố mẹ cần bắt đầu giúp con xây dựng từ khi con còn nhỏ, thông qua những việc làm cụ thể, vừa sức và mang tính liên tục. Trách nhiệm không phải là điều có thể học được từ một bài giảng duy nhất. Đó là kết quả của một quá trình tích lũy kinh nghiệm về sự đáp ứng những đòi hỏi của chuẩn mực xã hội, khả năng tự lập ở mức độ cao, cũng như sự trưởng thành về mặt tự ý thức.