Rau xanh khan hiếm, tăng giá mạnh sau bão, lũ
Đã hơn 1 tháng kể từ khi cơn bão số 3 đi qua, nhưng đến nay giá bán thực phẩm, nhất là các loại rau xanh vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt” do nguồn cung vẫn còn khan hiếm.
Cơn bão số 3 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã khiến nhiều diện tích rau màu trong tỉnh bị thiệt hại, nhất là các loại rau xanh như: rau cải, mồng tơi, rau muống, rau ngót, cà chua, rau gia vị. Theo đó, nguồn cung rau xanh cho thị trường giảm mạnh, khiến giá rau, củ ở các chợ bị đẩy lên cao. Qua khảo sát các khu vực chợ tạm, chợ trung tâm ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Phủ Lý cho thấy, giá các loại rau, củ tăng từ 50% so với trước bão. Cùng một loại rau nhưng mỗi hôm một giá và mỗi hàng bán một giá khác nhau. Trong đó, có nhiều loại rau tăng gấp 5-7 lần so với trước đây. Cụ thể, rau muống, rau ngót từ 5.000 - 6.000 đồng/mớ tăng lên 12.000-15.000 đồng/mớ; rau mồng tơi từ 4.000-5.000 đồng/mớ lên 10.000-12.000 đồng/mớ; rau cải các loại từ 12.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; rau xà lách, cà chua từ 20.000-25.000 đồng/kg lên 35.000-40.000 đồng/kg. Tăng giá mạnh nhất là các loại rau gia vị như: thì là, hành lá, rau mùi… với mức tăng 3-5 lần so với trước bão số 3. Hiện, rau thì là được bán với giá 20.000-25.000 đồng/lạng, hành lá có giá 8.000 đồng/lạng. Các loại củ, quả như: bí xanh, bí đỏ, mướp, khoai tây có giá bán tăng nhẹ, từ 10-20% so với trước. Ngoài ra, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt lợn, thịt gà cũng có giá bán tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với trước bão.
Giá rau xanh tăng vọt trong những ngày vừa qua khiến cho người dân không khỏi băn khoăn trong việc lựa chọn thực phẩm để chế biến bữa ăn cho gia đình. Nhiều người phải cắt giảm lượng rau và một số loại gia vị không thật sự cần thiết để giảm chi phí cho một bữa ăn. Bà Phạm Thị Thuận, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý cho biết: Việc giá rau xanh tăng sau mỗi trận mưa lớn đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, lần này, rau xanh tăng quá cao và kéo dài nhiều ngày. Thậm chí, nhiều lần tôi phải đi nhiều sạp rau trong chợ phường Trần Hưng Đạo mới mua được mấy cọng thì là, hành tươi về nấu cá với giá 10.000 đồng. Tính ra, tiền cà chua, rau gia vị và rau sống để ăn bữa cá nấu còn vượt xa so với tiền mua cá. Để bữa ăn có đủ rau xanh cho cả gia đình, tôi thường phải cân nhắc rất nhiều trước khi đi chợ để không bị tiêu hụt quá nhiều vào tiền ăn trong tháng.
Rau xanh khan hiếm không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, kế hoạch chi tiêu của người dân mà còn khiến cho các tiểu thương phải chật vật trong việc tìm nguồn cung để duy trì việc buôn bán hằng ngày. Theo các tiểu thương, họ không được hưởng lợi từ việc rau xanh tăng giá sau mỗi lần mưa bão, mà ngược lại, họ phải nhập rau với giá cao và cân nhắc lợi nhuận ở mức thấp nhất để kích cầu tiêu dùng. Có những thời điểm, tiểu thương chấp nhận bán hòa vốn một số loại rau để duy trì buôn bán và “giữ chân” khách hàng. Chị Nguyễn Thị Kết, tiểu thương kinh doanh rau, củ tại khu vực chợ tạm, tổ 6, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý là một trong số đó. Trước đây, vào khoảng 3 giờ sáng mỗi ngày, chị Kết dậy đi chợ đêm Phủ Lý để nhập rau về bán. Từ sau cơn bão số 3, chị phải đi chợ từ 1 giờ sáng để tìm gom rau khắp chợ mới đủ cho một xe hàng. Chị Kết cho hay: Hiện nay, số lượng nhiều loại rau xanh nhập vào tại cửa hàng chỉ bằng 30% so với thời điểm trước mưa bão, chất lượng cũng kém hơn, song giá bán lại cao hơn nhiều. Vì thế, những tiểu thương như chúng tôi nhập hàng về bán rất khó khăn. Nguồn cung rau khan hiếm nên tôi phải gọi điện cho các đầu mối để đặt hàng từ chiều hôm trước đến sáng sớm hôm sau mới có rau để lấy. Có những hôm giá rau tăng cao quá, người dân đổ xô mua củ, quả để thay thế rau xanh trong bữa ăn khiến tôi bị ế hàng và phải bỏ đi hàng yến rau cải, coi như cả ngày ngồi bán rau không có lãi. Để hạn chế thua lỗ, những ngày gần tôi ưu tiên nhập và bán các loại củ, quả vì nguồn hàng đa dạng, giá cả tăng ít hơn.
Trước tình trạng nguồn cung rau xanh khan hiếm và giá bán tăng cao, các siêu thị, trung tâm thương mại cũng gặp khó trong việc nhập nguồn hàng. Trong những ngày qua, các siêu thị đã phải liên hệ với nhiều đầu mối cung ứng rau xanh từ các tỉnh, thành, các vùng miền trên cả nước để đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo nhập đủ lượng hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Bản thân khách hàng cũng không có nhiều sự lựa chọn đối với mặt hàng rau xanh vì các siêu thị, nhà bán lẻ chỉ bày bán một số loại rau cơ bản với số lượng ít hơn nhiều so với đợt trước mưa bão. Anh Cao Minh Dương, quản lý hệ thống siêu thị Winmart+ tại Hà Nam cho biết: Việc nhiều diện tích rau màu trong tỉnh và các tỉnh, thành bị ngập úng, thiệt hại do mưa lũ đã ảnh hưởng đến nguồn hàng nhập bán của toàn bộ hệ thống cửa hàng của Winmart+ nói chung, Winmart+ tại Hà Nam nói riêng. Winmart+ đã chủ động kết nối với các nhà vườn ở khắp các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc để nhập rau xanh, phổ biến là bắp cải và rau cải các loại để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong những ngày này, số lượng rau xanh bày bán tại các cửa hàng của Winmart+ chỉ bằng 50-70% so với trước đây.
Dự báo, nguồn cung rau xanh sẽ vẫn tiếp tục khan hiếm trong những ngày tới và chưa thể dồi dào trong một sớm một chiều. Các tiểu thương, người lao động đều rất hi vọng, với sự nỗ lực của các địa phương và bà con nông dân trong việc khôi phục sản xuất sau mưa bão, nguồn cung rau, củ sẽ sớm trở lại bình thường. Khi nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định, sức tiêu thụ sẽ được thúc đẩy, mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất.