Rạng danh thành phố mang tên Bác
Từ Sài Gòn - Gia Định đến Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ khi tiếng súng, bom đạn ngừng nổ vào thời khắc lịch sử 30/4/1975, TP.HCM luôn đi tiên phong trong công cuộc tái thiết, phát triển kinh tế đất nước, ghi đậm dấu ấn trong công cuộc xây dựng, phát triển, hướng đến tương lai...

TP.HCM luôn đi tiên phong trong công cuộc tái thiết, phát triển kinh tế đất nước, ghi đậm dấu ấn trong công cuộc xây dựng, phát triển, hướng đến tương lai
Hội thảo khoa học “TP.HCM - Thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển”, do Thành ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức diễn ra vào cuối tháng 3/2025 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các nhà khoa học, chuyên gia.
NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO, DÁM NGHĨ, DÁM LÀM
Phát biểu tại hội thảo, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: “Từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, TP.HCM không ngừng nỗ lực, phấn đấu, trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, từng bước khẳng định vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Thành phố đang tràn đầy khát vọng vươn lên. Trong quá trình hiện thực hóa khát vọng ấy, truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, đổi mới sáng tạo, nghĩa tình chính là động lực để thành phố luôn hội tụ và tỏa sáng”.
Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những đặc tính, tinh thần vốn có của TP.HCM được kết tinh và kế thừa truyền thống của một Sài Gòn năng động, một Gia Định sáng tạo và một Chợ Lớn dám nghĩ, dám làm. Truyền thống ấy càng được hun đúc, rèn luyện và phát triển trong hành trình 50 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Người Sài Gòn - Gia Định sống vào thời khắc ấy, không ai không nhớ tình cảnh lo chạy gạo khi cái đói rình rập hằng ngày, hằng giờ. An ninh lương thực của một thành phố ba triệu rưỡi dân vào những năm cuối của thập niên 1970, đầu 1980 là nỗi lo canh cánh. Bí thư Thành ủy TP.HCM lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt đã họp bàn cùng một số lãnh đạo chủ chốt và bà Ba Thi (tên gọi của bà Nguyễn Thị Ráo, Giám đốc Công ty Lương thực Thành phố), để bàn việc cứu đói.
Ngay sau đó, Thành phố đã quyết định cấp tiền cho tổ thu mua lương thực của bà Ba Thi, về tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu mua lúa thóc của dân với giá cao hơn gấp 4 - 5 lần giá quy định của Nhà nước. Việc “phá rào” trong thời “ngăn sông, cấm chợ” để mua lương thực lúc đó không chỉ giải quyết cơn nguy khốn trước mắt của một thành phố vừa ngưng tiếng súng, mà còn mở đường cho những đổi mới mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh sau này. Từ đó mở rộng ra cả nước, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới từ giữa thập niên 1980.
Nhắc về truyền thống năng động, sáng tạo đã trở thành “thuộc tính của thành phố”, ông Phạm Chánh Trực đã viết trong tác phẩm của mình “Sống là cống hiến”, như sau: “Người dân thành phố bằng những hoạt động năng động sáng tạo để tự cứu mình, đã góp công đầu để cả nước vượt qua khủng hoảng và chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Đó là đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay”.
Ông Phạm Chánh Trực cho rằng: “Trọng trách đầu tàu kinh tế đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng giục giã thành phố phải sáng tạo không ngừng”. Hàng loạt mô hình mới như khu chế xuất, khu công nghiệp, công viên phần mềm, khu công nghệ cao, chuỗi siêu thị Co.op,… đã ra đời từ đó, được nhân rộng và trở thành mô hình phát triển cho cả nước về sau.
Nhắc đến những chủ trương, chính sách dám nghĩ, dám làm của TP.HCM trong giai đoạn này, PGS.TS. Phan Xuân Biên nhận định: “Những chính sách đổi mới của thành phố lúc đầu bị coi là “phá rào”, sau được ghi nhận là bước đột phá đầu tiên của quá trình đổi mới. Thành phố được đánh giá là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, những đặc trưng tính cách anh hùng đã trở thành thuộc tính, thương hiệu của TP.HCM”.
VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Thành phố năng động, sáng tạo đã và đang chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến cải thiện chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Đến nay, TP.HCM đã đóng góp 21,3% GDP cả nước, 29,38% tổng thu ngân sách nhà nước, 22,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Sự chuyển mình của TP.HCM đóng góp lớn vào kinh tế cả nước. Theo đó, tỷ trọng GRDP giai đoạn đầu thập niên 1990 tăng dần lên mức trên 20% vào 2010, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả giai đoạn 1996 - 2010 chiếm trên 10% cả nước, kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm khoảng 50% cả nước vào những năm đầu thập niên 2000.
Đặc biệt, thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chiếm một vị trí quan trọng của kinh tế thành phố sau đổi mới. Số liệu so sánh cho thấy, nếu như 1985, tổng giá trị sản xuất của kinh tế ngoài quốc doanh chỉ 8,63 tỷ đồng thì đến hai mốc 1990 và 1995, quy mô đã lần lượt nhảy vọt lên 3.162 tỷ đồng và 15.402 tỷ đồng, tăng gần 1.800 lần sau 10 năm.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM (nay là Chi cục Thống kê TP.HCM), hiện TP.HCM đóng góp lớn nhất vào GDP Việt Nam, chiếm hơn 15%. Tăng trưởng kinh tế của thành phố bền bỉ ở mức hai con số (giai đoạn 1992 - 2011), một thành tích mà ít địa phương nào theo kịp. Đến giai đoạn sau, thành phố tăng trưởng chậm lại nhưng ổn định dưới 10% và vẫn luôn dẫn trước bình quân cả nước. Tính đến năm 2024, GRDP của thành phố cán mốc gần 1,8 triệu tỷ đồng - gấp hơn 27.000 lần so với năm đầu đổi mới. Từ chỗ chỉ chiếm khoảng 10% quy mô kinh tế cả nước, TP.HCM có giai đoạn chiếm đến 25%, trước khi dần giảm xuống mức hơn 15% như hiện nay.
Trong năm 2024, kinh tế TP.HCM tiếp tục phục hồi tích cực, duy trì tăng trưởng khá và tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Cụ thể: quý 1 tăng trưởng 6,79%; quý 2 tăng 6,53%; quý 3 tăng 7,36%; và quý 4 tăng 7,92%. Thành phố cũng đã đặt mục tiêu trở lại thời kỳ tăng trưởng hai chữ số năm 2025 và đề ra 31 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2025, trong đó đang chú ý phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%.
Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao như kỳ vọng, nhưng TP.HCM vị trí vẫn là đầu tàu kinh tế cả nước. Nói như PGS. Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM, là: Số liệu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là kết quả của cả quá trình nỗ lực, phấn đấu của Thành phố trong những năm trước, cùng với động lực từ đầu tư và tiêu dùng. Tỷ lệ đóng góp vào ngân sách quốc gia của Thành phố vẫn ở mức 26% - 27%, vượt mốc 500.000 tỷ đồng, là con số quan trọng.
Một điểm sáng đáng ghi nhận của kinh tế ba tháng đầu năm 2025, đó là GRDP tăng 7,51% so cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong vòng 6 2024, từ năm 2020 đến nay, theo báo cáo của Chi cục Thống kê TP.HCM mới đây.
THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG “ĐỘT PHÁ”
Bức tranh toàn cảnh cho thấy rằng trong nửa thế kỷ qua (1975 - 2025), kinh tế TP.HCM đã có sự chuyển dịch cơ cấu rất rõ rệt. Nếu như trước năm 1990, nơi đây là một đô thị mang đậm dấu ấn công nghiệp với gần 70% giá trị kinh tế đến từ khu vực sản xuất, thì từ những năm 2000 đến nay, hoạt động dịch vụ dần nổi lên và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu GRDP.
Trong thời kỳ 2004 - 2024, khu vực dịch vụ tăng tốc vượt bậc, và đến nay chiếm xấp xỉ 65%, đưa TP.HCM tiệm cận mô hình các đại đô thị toàn cầu. Từ chỗ là nơi sản xuất hàng hóa, thành phố đang chuyển mình thành điểm đến cung cấp các dịch vụ về tài chính, công nghệ, thương mại điện tử, chuỗi cung ứng, logistics, dịch vụ cảng,... TP.HCM đã có bước tiến rất ấn tượng, mở rộng quy mô nền kinh tế gấp 3,8 lần sau hai thập niên, từ 16,56 tỷ USD năm 2010 lên 63,58 tỷ USD năm 2023. Mức tăng trưởng này nhanh hơn Singapore 2,09 lần, Bangkok của Thái Lan 2,68 lần và Jakarta của Indonesia 3,2 lần…
Từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành bốn nghị quyết về phát triển TP.HCM. Đó là các Nghị quyết số 01-NQ/TW ngày 14/9/1982 về công tác của TP.HCM; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18/11/2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2010; Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều này đã thể hiện đầy đủ vai trò, vị thế ngày càng quan trọng của thành phố trên tất cả các lĩnh vực, nổi bật là lĩnh vực kinh tế.
Ngoài ra, Bộ Chính trị còn ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó TP.HCM là hạt nhân, điểm nhấn, đầu tàu phát triển.
Sự phát triển năng động, dám nghĩ dám làm, những sáng tạo mang tính đột phá của TP.HCM; cùng các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ tạo cơ chế đặc thù để Thành phố bứt phá “đi trước, về đích trước” nhằm xây dựng TP.HCM hiện đại, văn minh, nghĩa tình. Như lời PGS. Phan Xuân Biên phát biểu: “TP.HCM là một trong những điểm sáng nổi bật, khí phách và bản chất anh hùng từ những năm tháng gian nan khốc liệt nơi chiến trường trọng điểm”.
Sự phát triển năng động, dám nghĩ dám làm, những sáng tạo mang tính đột phá của TP.HCM; cùng các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ tạo cơ chế đặc thù để Thành phố bứt phá “đi trước, về đích trước” nhằm xây dựng TP.HCM hiện đại, văn minh, nghĩa tình.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17+18-2025 phát hành ngày 28/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1374
