Những cú 'xé rào' đột phá về kinh tế, tài chính của TP. Hồ Chí Minh
'Xé rào' dùng ngân sách Thành phố mua lúa cứu đói cho người dân hay đột phá trong tổ chức các cuộc gặp giữa đại diện doanh nghiệp và các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị… là những câu chuyện ấn tượng trong 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 30/4/1975 – 30/4/2025. Chương trình do Thành ủy – HĐND - UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 26/4.

Ông Phạm Chánh Trực - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh kể chuyện.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đưa người xem trở lại câu chuyện của những năm đầu sau giải phóng. Cùng với cả nước, TP. Hồ Chí Minh lúc này đi theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung (thường được gọi là kinh tế bao cấp). Một thời gian, cơ chế này bộc lộ những điểm không phù hợp, dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế và khó khăn trong đời sống xã hội.
Cụ thể, có giai đoạn nông dân không chịu bán lúa với giá quy định 0,52 đồng/kg, bởi giá thị trường cao hơn nhiều. Đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ đã chỉ đạo, quyết định sử dụng ngân sách để hỗ trợ Công ty lương thực Thành phố do bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi) làm giám đốc. Qua đó, bà Ba Thi dùng danh nghĩa cá nhân mua lúa của dân theo giá thỏa thuận 2,5 đồng/kg, giúp đảm bảo nguồn lương thực cho người dân TP. Hồ Chí Minh.
Câu chuyện mua lúa giá thị trường tưởng đơn giản nhưng là quyết định rất táo bạo. Giám đốc Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh đã đưa cả đoàn xe xuống ĐBSCL mua lúa giá 2,5 đồng/kg. Gạo chở về Sài Gòn bán theo giá kinh doanh (giá mua thực tế + chi phí xay xát + chi phí vận tải + thặng số thương nghiệp). Cú “phá giá” này đã đẩy giá lúa khắp đồng bằng Nam bộ lên 2,5 đồng/kg. Giá chỉ đạo 0,52 đồng/kg bị vô hiệu hóa. Không bao lâu sau, mức phá giá đó lan ra cả nước. Không lùi được nữa. Sự đột phá của Công ty Lương thực TP. Hồ Chí Minh không chỉ cứu cái bao tử người dân Thành phố, mà còn cứu nông dân cả nước khỏi cơ chế giá nghĩa vụ quá ư lỗi thời.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các đại biểu tham dự.
Câu chuyện thứ hai, là sự việc khoảng thời gian 10 năm đầu sau giải phóng. TP. Hồ Chí Minh lúc này đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, cản trở. Trong bối cảnh đó, Thành ủy TP. đứng đầu là các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… đã tăng cường xuống cơ sở, gặp gỡ nhân dân và doanh nghiệp để lắng nghe nguyện vọng, thắc mắc. Từ đó, cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ bằng những giải pháp, bước đi mang tính đột phá, mạnh dạn “phá rào”, “cởi trói” về cơ chế để giúp sản xuất bung ra.
Đặc biệt, trước những khó khăn ngày càng gay gắt vào năm 1982 – 1983, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đã chủ trương tìm mọi cách để thông tin, báo cáo chi tiết với Trung ương về hướng đổi mới đã xuất hiện từ thực tiễn. Vào tháng 7/1983, nhân dịp đồng chí Trường Chinh và các Ủy viên Bộ Chính trị đang nghỉ mát tại Đà Lạt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã gặp và xin ý kiến. Trong đó, đề xuất mỗi ngày các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương dành ra một khoảng thời gian để gặp gỡ, nghe các giám đốc các doanh nghiệp đang thí điểm cách làm ăn mới ở cơ sở có hiệu quả trực tiếp báo cáo chi tiết những việc đã làm.
Theo đó, từ ngày 13/7/1983, bắt đầu các cuộc họp lắng nghe các doanh nghiệp, đơn vị như Liên Hiệp Dệt, Dệt Phước Long, Dược phẩm 2-9, thuốc lá Vĩnh Hội… Toàn bộ các cuộc báo cáo này diễn ra trong 1 tuần, sau này được gọi là “Sự kiện Đà Lạt”. Tiếp đó, đồng chí Trường Chinh đã yêu cầu Thành phố tổ chức cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương về TP. Hồ Chí Minh tham quan, khảo sát thực tế. Sau khi về Hà Nội, đồng chí Trường Chinh đã họp Bộ Chính trị, phân tích tình hình và ủng hộ cách làm của TP. Hồ Chí Minh.
Sự kiện này không chỉ minh oan cho cách làm ăn được gọi là “xé rào”, “làm lén” của TP. Hồ Chí Minh khi đang cố vượt ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng trầm trọng của đất nước thời bao cấp, mà còn tác động tích cực, có hiệu quả đến sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta về sau này. “Trung ương có kế hoạch A thì TP. Hồ Chí Minh cũng luôn chuẩn bị cả kế hoạch B để dự phòng.
Một mặt, kế hoạch A của Nhà nước vẫn đảm bảo, TP Hồ Chí Minh còn làm thêm kế hoạch B với mục tiêu tạo ra của cải vật chất. Đồng thời, cũng tạo tiền đề lý luận để xây dựng đường lối đổi mới” - ông Phạm Chánh Trực - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Trung tâm Giao dịch Chứng khoánTP Hồ Chí Minh được vinh danh.
Dịp này, Thành ủy – HĐND- UBND TP. Hồ Chí Minh đã vinh danh tổng cộng 50 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Thành phố giai đoạn 30/4/1975 – 30/4/2025 thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó, thêm 4 sự kiện nổi bật về kinh tế của Thành phố gồm: Khai trương và hoạt động Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vào ngày 20/7/2000, phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000; thành lập KCX Tân Thuận – Khu chế xuất đầu tiên của cả nước vào ngày 25/11/1991; Thành lập Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon CO.OP) ngày 12/5/1989; Chương trình “Bình ổn thị trường” góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định nguồn cung hàng hóa và bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2002.