Rạng danh 'Bách khoa thư' Việt Nam thế kỷ 19
Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế vừa được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tại Kỳ họp thứ 10 đã ghi danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, góp phần tăng thêm thương hiệu di sản Huế-một điểm đến 8 di sản; đồng thời góp phần thực hiện vượt mục tiêu của Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 của Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Khám phá Việt Nam trên cửu đỉnh
PGS, TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định, những bản đúc trên 9 đỉnh đồng (còn gọi là cửu đỉnh) ở Hoàng cung Huế là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa-giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp... cũng như nghệ thuật đúc đồng tài hoa của người Việt.
Cửu đỉnh được Vua Minh Mạng lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1-3-1837. Lấy Cao đỉnh làm chuẩn, bên trái lần lượt là Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh; bên phải lần lượt là Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh.
Trên mỗi đỉnh đều chạm khắc 17 bức họa tiết và một bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí. Trải qua gần 200 năm, đi qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, song đến nay, 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Vì vậy, chúng có giá trị độc bản và không thể thay thế. Ngoài tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn thì cửu đỉnh còn là “Bách khoa thư” về đất nước Việt Nam thống nhất, có chủ quyền được thể hiện dưới hình thức biểu trưng bằng hình ảnh với tổng cộng 162 họa tiết chạm nổi tinh xảo, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam, chứa đựng những nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, về vũ trụ và thiên nhiên.
PGS, TS Nguyễn Tuấn Cường chia sẻ: Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng lưu trữ nhiều giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á. Đặc biệt, có 3 đỉnh Vua Minh Mạng cho khắc hình tượng về biển để thể hiện bao quát về biển, đảo nước Việt: Biển Đông ở Cao đỉnh; biển Nam ở Nhân đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh. Như vậy, cùng với hàng loạt tài liệu Hán Nôm cổ, những hình ảnh biển, đảo được khắc trên bộ cửu đỉnh là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời còn cho đời sau thấy được rằng, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Bước tiến mới của ngoại giao văn hóa
Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO. Như vậy, đến nay, nước ta đã có 10 di sản tư liệu (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương) đã được UNESCO ghi danh.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, đây không chỉ là niềm vui riêng với tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn là niềm vinh dự và tự hào của người dân Việt Nam. Trên thế giới, hiếm có trường hợp trong cùng một khu di tích như ở Huế lại được UNESCO ghi danh nhiều danh hiệu cao quý. Hồ sơ di sản lần này được ghi danh đã nâng tổng số các danh hiệu, di sản UNESCO mà Việt Nam sở hữu lên 68 danh hiệu, góp phần thực hiện vượt mục tiêu của Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Điều này cũng là sự thúc đẩy cho việc hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu của Việt Nam; đánh dấu bước triển khai hiệu quả quá trình nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World-MOW) của Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc các di sản văn hóa tư liệu của Việt Nam lần lượt được UNESCO vinh danh chính là cơ sở thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trở thành một chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều).
Trong đó, có riêng một chương về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 60). Việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; bảo đảm tính kế thừa, thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.
8 di sản của Thừa Thiên Huế được UNESCO ghi danh, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế-Di sản văn hóa thế giới (năm 1993); Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại-Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003) và 3 di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới: Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (năm 2016); 2 di sản chung với các địa phương khác là: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (2017) và mới nhất là những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế.