Rầm rập bước chân ngày vinh quang

Càng gần đến ngày 30/4, không khí tại thao trường hợp luyện diễu binh, diễu hành ở TP Hồ Chí Minh càng sôi động. Những gương mặt rắn rỏi, ánh mắt kiêu hãnh, những giọt mồ hôi thấm áo cùng tiếng bước chân rầm rập, tiếng hô vang dội trên trục đường Lê Duẩn - nơi từng chứng kiến thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc cách đây tròn nửa thế kỷ. Tất cả đều hướng tới lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất non sông.

Những đêm không ngủ ở thành phố mang tên Bác

Tối 22/4, các khối diễu binh, diễu hành trùng trùng điệp điệp giữa trung tâm thành phố trong buổi tổng hợp luyện để bước vào giai đoạn tập luyện nước rút. Sau tiếng hô phát lệnh, hơn 13.000 người thuộc 38 khối diễu binh, diễu hành gồm lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ lần lượt tiến vào khu vực lễ đài theo sự điều hành của ban tổ chức. Đường Lê Duẩn sáng rực, từng khối diễu hành, xe kéo hoa bước đều tăm tắp, hàng ngũ nghiêm chỉnh, khí thế.

Đội hình Cảnh sát cơ động kỵ binh tập luyện dưới nắng tháng 4.

Đội hình Cảnh sát cơ động kỵ binh tập luyện dưới nắng tháng 4.

Trên nền nhạc hào hùng, từng bước chân dứt khoát, đồng đều, xen với tiếng hô “Tiến!” vang dội, tạo thành nhịp điệu của niềm tin, của khí phách dân tộc. Những hàng quân ngay ngắn, sải bước đều tăm tắp, mạnh mẽ, thể hiện sự thống nhất trong tổ chức, sự đồng lòng trong ý chí và sự chính quy, tinh nhuệ trong rèn luyện. Từng bước chân, nhịp tay, đến những khẩu lệnh đều được chăm chút từng chi tiết, tạo nên khí thế trang nghiêm, hùng tráng. Mồ hôi thấm ướt lưng áo, nhưng tất cả các khối diễu binh vẫn nghiêm cẩn, quyết tâm, sẵn sàng cho ngày hội lớn của non sông.

Trời đã khuya nhưng hàng nghìn người dân TP Hồ Chí Minh vẫn chen chân trên hè phố để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nghiêm trang của các đội hình diễu binh. Nhiều người mang trên tay cờ đỏ sao vàng, điện thoại để ghi lại và lan tỏa từng khoảnh khắc ấn tượng. Thành phố mang tên Bác những ngày này đã có những đêm không ngủ, người dân thức cùng các khối diễu binh trong niềm vui hân hoan, ngóng chờ tới ngày 30/4.

Để có được đội hình đều đẹp như hôm nay, 2 tháng qua, các khối diễu binh đã căng mình tập luyện với cường độ cao, chịu nhiều gian khổ. Tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 2 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đóng tại huyện Long Thành, khối nữ cảnh sát đặc nhiệm đang chạy đua với thời gian để nỗ lực luyện tập. Nếu như các chiến sĩ nam tập luyện đã vất vả thì các nữ chiến sĩ còn vất vả hơn nhiều. Hiện là sinh viên năm 3 tại Đại học Cảnh sát nhân dân, chiến sĩ Nguyễn Bảo Chinh vinh dự được tuyển chọn vào luyện tập trong khối nữ cảnh sát đặc nhiệm. “Ngày nào chúng em cũng luyện tập từ sáng sớm đến chiều tối. Nắng cháy da nhưng không ai bỏ cuộc. Niềm tự hào dâng trào khi được diễu hành qua lễ đài", Chinh chia sẻ cảm xúc trong nụ cười rạng rỡ.

Nữ chiến sĩ Nguyễn Bảo Chinh vinh dự được tuyển chọn vào luyện tập trong khối nữ Cảnh sát đặc nhiệm.

Nữ chiến sĩ Nguyễn Bảo Chinh vinh dự được tuyển chọn vào luyện tập trong khối nữ Cảnh sát đặc nhiệm.

Trong đợt tập luyện diễu binh diễu hành cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lực lượng CAND tham gia với tổng quân số 3.408 đồng chí gồm lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ và học viên CAND cùng 62 ngựa nghiệp vụ. Lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành gồm 18 khối, trong đó có 13 khối đi và 5 khối đứng. Nguồn tuyển chọn các khối là cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và các học viên trường CAND khu vực phía Nam.

Đây là lần đầu tiên thành phố mang tên Bác được chọn là địa điểm tổ chức đợt hợp luyện cấp quốc gia, là biểu tượng của khát vọng độc lập, thống nhất, hòa bình và phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam. Theo lịch trình, buổi tổng duyệt cấp nhà nước diễu binh diễu hành sẽ diễn ra vào sáng 27/4 tại đường Lê Duẩn, quận 1, trước khi chính thức diễu binh, diễu hành vào sáng 30/4.

Tiếng vó ngựa trên đường phố

Từ đồi Bá Vân, TP Sông Công, Thái Nguyên, ngày 25/3, Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh đã hành quân vào TP Hồ Chí Minh cùng 62 chiến mã để tham gia tập luyện diễu binh, diễu hành. Sau chặng đường hành quân vất vả, ngày 27/3, đoàn đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh. Đây có lẽ là một trong những chuyến công tác dài ngày nhất của đoàn kỵ binh.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, Thượng tá Lê Sỹ Hà, chỉ huy trưởng Khối Cảnh sát cơ động kỵ binh cho biết: “Những chú ngựa của đoàn không phải là giống bản địa, khi di chuyển đến những vùng đất mới, thời tiết, khí hậu khác nhau, cơ thể sinh học khó thích nghi. Phải làm thế nào để đảm bảo sức khỏe cho ngựa là vấn đề cốt yếu. Vì thế, đợt hành quân nào chúng tôi cũng phải chuẩn bị bài bản, chủ động mang theo lương thảo, thuốc men cho 62 chú ngựa. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đàn ngựa luôn được ưu tiên. Cán bộ huấn luyện đâu thì ngựa ở đấy, như hình với bóng. Anh em ai cũng lo ngựa ốm. Sau mỗi buổi tập, người huấn luyện luôn vuốt ve, khích lệ để tạo sự gắn bó và phối hợp ăn ý”.

Những buổi huấn luyện bắt đầu từ sáng sớm. Cả đội kiểm tra yên cương, dụng cụ và tập hợp đội hình theo đúng nghi thức lễ diễu binh. Tiếng vó ngựa vẫn đều đặn gõ nhịp xuống mặt sân, xen lẫn tiếng hô khẩu lệnh vang dội. Những chiến mã dẻo dai, thiện chiến với các bài tập đội hình, xử lý tình huống đông người, âm thanh lớn, chuyển động phức tạp.

Huấn luyện động vật nghiệp vụ diễu binh, diễu hành theo đội hình là nhiệm vụ rất vinh dự nhưng cũng đầy thử thách. Có những động tác tưởng chừng đơn giản, như đứng nghiêm chào từ trên lưng ngựa khi đi qua khán đài cũng phải tập rất bài bản. Muốn thực hiện được động tác này thì cán bộ huấn luyện phải giữ thăng bằng tốt, điều khiển ngựa thành thục, nhuần nhuyễn. Với động vật nghiệp vụ phải làm quen với động tác và dần dần nâng thời gian luyện tập để chúng không bị hoảng loạn, sẽ gây phản ứng mất trật tự đội hình.

Trong đội hình kỵ binh, Thiếu úy Danh Phước Thọ, người dân tộc Khmer, quê ở Cần Thơ đã có những kỉ niệm không thể nào quên khi đây là lần đầu tiên anh được tham gia lễ diễu binh. Anh chia sẻ: “Ngựa được huấn luyện bài bản, quen với hiệu lệnh và phối hợp ăn ý cùng chiến sĩ.

Chúng tôi luyện tập không chỉ để làm chủ kỹ năng mà còn truyền tải tinh thần kỷ luật, bản lĩnh và hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát cơ động. Là người con miền Tây, tôi cảm thấy rất vinh dự khi được góp mặt trong lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam”.

Nữ chiến sĩ Nguyễn Kim Quyền cùng em trai Nguyễn Quận vinh dự cùng được tham gia tập luyện diễu binh, diễu hành.

Nữ chiến sĩ Nguyễn Kim Quyền cùng em trai Nguyễn Quận vinh dự cùng được tham gia tập luyện diễu binh, diễu hành.

Ngày chính thức diễn ra lễ diễu binh, diễu hành đang đến rất gần, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh ai cũng nóng lòng, háo hức mong đến ngày biểu diễn trước quốc dân đồng bào. Những bộ quân phục đã được là lượt cẩn thận, họ còn chuẩn bị tươm tất cho cả người bạn 4 chân để có hình ảnh đẹp nhất trong ngày đại lễ.

Thượng tá Hà chia sẻ: “Hiện tại sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và đàn ngựa cơ bản ổn định, tinh thần toàn đội phấn chấn. Các buổi hợp luyện, sơ luyện và tổng luyện rất quan trọng, giúp cán bộ huấn luyện và đàn ngựa duy trì được thể lực, kỷ luật”.

Sau những giờ luyện tập, về đến doanh trại, ngựa được bồi dưỡng những bó cỏ tươi, thậm chí một số chú ngựa gặp phải tình trạng mỏi cơ đã được các chiến sĩ bôi dầu, xoa bóp. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ rất chú trọng đến việc kiểm tra chân và thay móng mới giúp ngựa không bị biến dạng chân. Mỗi chiếc móng ngựa phải được đo đạc, rèn đúng kích cỡ, đúng độ cong để đảm bảo sức khỏe của ngựa khi di chuyển. Ban đêm, ngoài việc bố trí cán bộ, chiến sĩ canh gác tại chuồng ngựa, cứ cách 30 đến 60 phút, cán bộ thú y sẽ đi kiểm tra sức khỏe của những chú ngựa để nắm bắt tình hình.

Cùng sóng bước trong ngày đất nước trọn niềm vui

Cả tháng nay, Thượng tá Lê Sỹ Hà đảm nhiệm công tác tập luyện cho Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh. Càng gần đến ngày đại lễ, anh càng thấy vui và tự hào khi có con trai đồng hành cùng anh. Dịp này, hai bố con anh cùng có mặt trong đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh vào TP Hồ Chí Minh. Anh với vai trò chỉ huy trưởng, còn con trai anh - Thiếu úy Lê Nguyễn Thành Long là cán bộ thú y, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đàn ngựa. Thượng tá Hà chia sẻ: “Tôi mong muốn con nối nghiệp cha vì truyền thống gia đình, dành tình yêu thương cho động vật nghiệp vụ và nỗ lực trong lĩnh vực công tác nhiều đặc thù. Hai cha con tôi cùng trải qua thử thách, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Con sẽ trưởng thành hơn khi góp phần vào thành công của chương trình đại lễ”.

Tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 2, đóng tại huyện Long Thành, nữ chiến sĩ Nguyễn Kim Quyền đang dồn sức cùng đồng đội trong khối nữ CSGT trong những ngày tập luyện cuối cùng. Điều đặc biệt với Quyền là em trai cô là chiến sĩ Nguyễn Quận cũng đang trong đội hình khối nam cảnh sát cơ động. Quyền 21 tuổi, còn em trai 19 tuổi. Từ nhỏ, ở miền quê Chợ Mới, An Giang, hai chị em đã ấp ủ ước mơ khoác lên mình sắc áo công an nối nghiệp cha. Đó cũng chính là di nguyện của người cha trước khi qua đời. Giờ đây, ước nguyện của người cha đã trở thành hiện thực, khi hai chị em đều là sinh viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân.

Quyền đang mong chờ tới ngày đại lễ, được tự hào sóng bước cùng em trai trong đội hình diễu binh. Khoảnh khắc chị gái sửa trang phục cho em trai giữa thao trường thật gần gũi, xúc động. "Cha tôi từng nói, được phục vụ nhân dân là vinh dự lớn lao. Giờ đây, tôi và em cùng có mặt trong đội hình diễu binh, đó là niềm tự hào không gì sánh được", giữa phút giải lao, gương mặt đỏ bừng, mồ hôi rịn mái tóc, Quyền chia sẻ.

Thượng tá Lê Sỹ Hà cùng con trai tại buổi tổng hợp luyện tối 22/4.

Thượng tá Lê Sỹ Hà cùng con trai tại buổi tổng hợp luyện tối 22/4.

Để có mặt trong đội hình danh dự này, hai chị em Quyền và đồng đội đã vượt nắng thắng mưa miệt mài tập luyện, cùng nhau chỉnh từng động tác để đạt sự chính xác. Nói về chị gái, chiến sĩ Nguyễn Quận kể: “Chị luôn gương mẫu, động viên tôi gắng sức tập luyện ngay từ những ngày đầu. Ngoài giờ tập, chị còn hỗ trợ tôi rèn thêm những kỹ thuật như đi nghiêm, đánh tay vuông để đảm bảo chuẩn chỉ nhất. Giữa giờ nghỉ, chị mang nước tiếp sức cho tôi”.

Trên thao trường những ngày lịch sử, tình thân gia đình hòa cùng tình đồng chí thiêng liêng. Với họ, đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là lời tri ân thế hệ cha anh đã hy sinh vì hòa bình, thống nhất đất nước.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/ram-rap-buoc-chan-ngay-vinh-quang-i766640/
Zalo