'Ra trận không phải để được phong anh hùng'

Đó là lời chia sẻ chân thành của cựu chiến binh Trần Duy Khang, ở tổ dân phố Hàm Rồng, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Từng 2 lần được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng và vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng 2, hạng 3, nhưng với ông Khang, niềm tự hào lớn nhất trong suốt cuộc đời là đã góp phần nhỏ bé của mình vào nền hòa bình, thống nhất đất nước.

Ở tuổi 71, cựu chiến binh Trần Duy Khang vẫn tích cực phát triển kinh tế gia đình.

Ở tuổi 71, cựu chiến binh Trần Duy Khang vẫn tích cực phát triển kinh tế gia đình.

Gặp cựu chiến binh Trần Duy Khang, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là dù đã qua tuổi thất thập nhưg ông vẫn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Cuộc trò chuyện diễn ra ngay bên hiên nhà, nơi ông Khang thường ngồi kể cho các cháu nghe về những ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trong sâu thẳm ký ức người lính, những tháng ngày chiến đấu ở “chảo lửa” Quảng Trị chầm chậm ùa về như một thước phim quay chậm.

Ông Khang chậm rãi kể: Bố mẹ tôi sinh được 3 người con, 2 trai, 1 gái, nhưng năm 1969, người anh cả đã mất do bệnh. Là con trai duy nhất còn lại trong gia đình, nhưng vào giai đoạn 1970-1971, khi lớp lớp thanh niên địa phương hăng hái xung phong ra trận chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, tôi cũng “đứng ngồi không yên”. Năm 1971 (khi vừa tròn 17 tuổi), tôi xin phép bố mẹ lên đường tòng quân. Tôi nhập ngũ tại Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 62, Sư đoàn 305 đặc công, đóng quân tại tỉnh Quảng Trị và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Bình - Trị - Thiên.

Khi nhắc đến chiến trường khốc liệt, người cựu chiến binh lặng lẽ nhìn về phía xa xăm, nơi từng in bước chân của những người đồng đội. Ông trầm giọng bảo: Chiến tranh mà, có gian khổ, có mất mát, nhưng cũng tràn đầy lý tưởng và tình đồng chí thiêng liêng. Tôi vẫn nhớ rõ những đêm hành quân trong rừng rậm, tiếng bom rền vang bên tai hay những lúc cùng đồng đội ẩn nấp dưới hầm hào, nín thở nhìn cảnh máy bay gầm rú trên bầu trời.

Vào khoảng thời gian chiến trường Quảng Trị ác liệt nhất (1971-1972), đơn vị của ông Khang được giao nhiệm vụ đánh thẳng vào cứ điểm, trận địa, kho tàng của địch. Dù quân địch hùng hậu, lớn mạnh và được trang bị vũ khí hiện đại nhưng mỗi lần nhận nhiệm vụ, ông và đồng đội luôn xác định “bằng mọi cách phải tiêu diệt được địch”.

Có lần khi đang cùng đồng đội đi trinh sát trận địa, ông Khang nhận thấy phía trước khoảng 200m có 6 chiếc xe tăng đang đỗ tập trung. Ngay lập tức, tốp trinh sát cử chiến sĩ cơ yếu báo về đơn vị và nhận được chỉ thị tấn công vào sáng sớm hôm sau. Ông Khang nhớ lại: Có một chi tiết rất tình cờ khi trước đó, tôi và một số anh em còn đang tranh cãi về việc súng B40 mang theo có thể bắn cháy hoàn toàn xe tăng hay không, thì ngay lập tức có câu trả lời. Ngày hôm đó, chúng tôi bắn cháy 6 xe tăng, bản thân tôi tiêu diệt 2 chiếc. Đó cũng là lần đầu tôi được nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng.

Một lần khác, khi anh em trong đơn vị buộc phải tản ra các hướng nhằm thoát khỏi sự truy đuổi của quân địch, ông Khang vô tình bị lạc. Ông khi đó đang vác súng B40 và chỉ mang theo 2 quả đạn, lại thêm bị vấp ngã rơi xuống hố. Đúng lúc này, xe tăng của quân địch đang chạy ở cách đó không xa. Vội quên đi cơn đau, ông nhanh chóng lắp quả đạn đầu tiên vào súng rồi ngắm bắn vào khu vực buồng máy, khiến xe tăng bị cháy.

Sau đó, ông nhanh chóng ẩn nấp và rút lui trong sự truy đuổi gắt gao của quân địch. Đây là lần thứ hai ông tiêu diệt xe tăng và một lần nữa được trao danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng.

Với những thành tích của mình, năm 1974, ông Khang vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Dù thời gian đã phủ bụi lên tất cả, nhưng mỗi lần hồi tưởng lại quá khứ, lòng ông Khang lại dâng trào niềm xúc cảm, vừa tự hào, vừa nghẹn ngào, như thể những ngày tháng ấy chưa từng rời xa.

Ông Trần Duy Khang luôn tự hào kể cho con cháu nghe những câu chuyện về thời chiến.

Ông Trần Duy Khang luôn tự hào kể cho con cháu nghe những câu chuyện về thời chiến.

Người cựu chiến binh chậm rãi nhấp ngụm trà và trải lòng: Chúng tôi có sợ hãi cái chết không? Có chứ. Ai cũng sợ thôi. Nhưng đó là nỗi sợ trước khi ra trận, còn khi đã cầm súng chiến đấu, chúng tôi chỉ đặt ra một mục tiêu duy nhất là nước nhà được thống nhất. Tất cả chúng tôi, không ai ra trận để được gọi là anh hùng. Điều thôi thúc người lính cầm súng chỉ là là lòng yêu nước, khát vọng giành lại độc lập, thống nhất cho dân tộc và lời thề bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Trong dòng ký ức của ông Khang, giây phút lắng nghe bản tin chiến thắng vào trưa ngày 30/4/1975 là một trong những ấn tượng không thể xóa nhòa. Ông kể: Tôi vẫn nhớ lúc đó cả đơn vị chỉ có 1 chiếc radio, chúng tôi bỏ cả bữa trưa dang dở, tụ lại 1 góc để nghe tin lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Ai cũng vỡ òa, chúng tôi ôm nhau khóc rồi nhắc đi nhắc lại: Hòa bình rồi! Thống nhất rồi!

Sau khi đất nước thống nhất, ông Khang cùng đơn vị nhận nhiệm vụ rà phá bom mìn ở khắp các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng. Đến năm 1977, tin nhà báo đến, bố mẹ ở quê ốm nặng, ông quyết định xuất ngũ.

Sau đó, ông tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, giữ nhiều cương vị quan trọng. Năm 2005, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn. Dưới sự lãnh đạo của ông, xã Hùng Sơn đã có những bước tiến dài về phát triển kinh tế - xã hội và sau đó sáp nhập với thị trấn Đại Từ trở thành thị trấn Hùng Sơn vào năm 2014. Sau thời điểm này, ông Khang nghỉ hưu và tập trung phát triển kinh tế gia đình.

Người Dũng sĩ diệt xe tăng năm ấy nay đã lui về cuộc sống đời thường, lặng lẽ như chính cách ông đã sống và chiến đấu trong những năm tháng hào hùng của dân tộc. Nhưng trong từng lời nói, ánh mắt của ông, chúng tôi vẫn có thể cảm nhận rõ khí phách của một thời hoa lửa.

Những người như ông Khang chính là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước bất diệt, hết lòng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và hơn tất cả, điều đáng quý nhất mà thế hệ của họ để lại cho hôm nay là: Nền hòa bình hiện có là thành quả của biết bao mồ hôi, máu xương. Và sống xứng đáng với quá khứ là trách nhiệm thiêng liêng của các thế hệ hiện tại và cả tương lai.

Mai An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/ra-tran-khong-phai-de-duoc-phong-anh-hung-2122ac9/
Zalo