Bắc Giang phát huy truyền thống đoàn kết quân dân từ 'tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa'

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca bất diệt, mở ra kỷ nguyên mới: Độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ở hậu phương lớn miền Bắc, Nhân dân Bắc Giang vừa trực tiếp chiến đấu, vừa lao động sản xuất, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử của dân tộc - Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Những người lính từng chiến đấu tại Đa Mai gặp mặt, tri ân các mẹ trong Hội Mẹ chiến sĩ (Ảnh chụp năm 2000). Ảnh Việt Hưng

Những người lính từng chiến đấu tại Đa Mai gặp mặt, tri ân các mẹ trong Hội Mẹ chiến sĩ (Ảnh chụp năm 2000). Ảnh Việt Hưng

“Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” - biểu tượng của tình quân dân

Một trong những hình ảnh khắc sâu vào tâm khảm bao thế hệ, được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khắc họa trong ca khúc “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” chính là tình quân dân gắn bó keo sơn được dệt nên từ những mũi kim, sợi chỉ giữa làn bom đạn. Hình ảnh những người mẹ vá áo cho bộ đội đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết quân dân.

Không chỉ là hình tượng nghệ thuật, “tấm áo vá” ấy là sự thật lịch sử sống động. Xã Đa Mai, trước đây thuộc thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang) là địa bàn chiến lược bên bờ sông Thương. Trong những năm 1965 - 1972, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Hàng trăm lượt máy bay của Mỹ đã trút bom xuống cầu Phủ Lạng Thương, thị xã Bắc Giang, ga Kép... hòng cắt đứt đường tiếp vận của ta. Đáp lại, quân và dân trong tỉnh đã tổ chức mạng lưới phòng không nhân dân rộng khắp, với trận địa pháo 37mm ngay tại làng xã, trong đó có nhiều điểm đóng chốt ở Đa Mai, Tân Mỹ, Song Khê. Tại đây, những người mẹ, người chị không quản hiểm nguy đã lập nên các “tổ vá áo chiến sĩ” ngay bên giao thông hào. Tổ vá áo của mẹ Nguyễn Thị Hòa, mẹ Phạm Thị Tý là những hình mẫu tiêu biểu. Các chị, các mẹ không chỉ vá lại tấm áo rách mà còn tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho mỗi chiến sĩ trên trận địa phòng không đánh máy bay Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Tứ, nguyên pháo thủ cao xạ thuộc Đại đội 32, Trung đoàn 228 từng kể lại: “Có lần chúng tôi đang trực chiến thì áo rách, mẹ Hòa mang đến chiếc áo vá kỹ từ đêm trước. Trong tấm áo ấy là tình mẹ, là lời căn dặn sống còn giữa trận địa…”.

Không phải ngẫu nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xúc động viết nên lời ca:

“Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc

Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc

Quần nhau với giặc, áo con rách thêm

Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo…”

Những câu hát về “tấm áo vá” gợi lên hình ảnh hậu phương miền Bắc kiên cường, nơi mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một trạm quân y, một kho quân trang, một trận địa chính trị. Với sự mưu trí, sáng tạo, hậu phương miền Bắc vừa đánh giặc, vừa sản xuất, vừa chăm lo cho chiến sĩ bằng tất cả tấm lòng son sắt với cách mạng. Trong dòng chảy ấy, tấm áo chiến sĩ được vá bằng tình yêu thương của những người mẹ anh hùng đã trở thành biểu tượng cho tình quân dân “như cá với nước” - thứ sức mạnh mềm nhưng bền bỉ, dẻo dai, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với vị trí chiến lược quan trọng, Bắc Giang vừa là mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, vừa là căn cứ hậu phương trọng yếu. Hơn 6.000 lượt máy bay địch đánh phá, gây nhiều tổn thất cho tỉnh trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Bắc Giang đã đưa hơn 70 nghìn thanh niên nhập ngũ, chi viện cho tiền tuyến. Quân và dân Bắc Giang bắn rơi 161 máy bay Mỹ, bắt sống 92 giặc lái. Phong trào thi đua “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thóc đủ cân, quân đủ số”, “Toàn tỉnh ra quân, toàn dân ra trận”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” lan rộng trong các cơ quan, địa phương, xí nghiệp, nông trường, nhà máy, các ngành, các giới, các tầng lớp Nhân dân, trở thành “mạng lưới hành động yêu nước” khắp tỉnh.

Với những đóng góp to lớn, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; 56 tập thể, 29 cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1.475 Bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước trao tặng những danh hiệu, những phần thưởng cao quý…

Lực lượng vũ trang huyện Lục Nam giúp gia đình ông Nguyễn Văn Thấy, thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện xây nhà ở (ảnh tư liệu). Ảnh Hữu Trình

Lực lượng vũ trang huyện Lục Nam giúp gia đình ông Nguyễn Văn Thấy, thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện xây nhà ở (ảnh tư liệu). Ảnh Hữu Trình

Phát huy truyền thống vẻ vang, vững bước trong giai đoạn mới

Truyền thống đoàn kết quân dân được hun đúc qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã trở thành động lực tinh thần to lớn của Bắc Giang trong sự nghiệp đổi mới và phát triển. Hình ảnh “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” trở thành biểu tượng của tình quân dân, tiếp tục tỏa sáng trong hành trình dựng xây quê hương hôm nay.

Vững bước trên điểm tựa truyền thống cách mạng, Bắc Giang đã có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 13,85% - cao nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế tiếp tục duy trì vị trí thứ 12 cả nước, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD, đứng thứ 5 toàn quốc. Các chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, chính quyền số đều thuộc nhóm dẫn đầu. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,73%. Bắc Giang từng bước khẳng định vị thế là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, phát triển theo mô hình công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và đô thị thông minh.

Năm 2025, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động đến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ những vấn đề đang đặt ra, phát huy truyền thống đoàn kết, tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Bắc Giang xác định quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ chính trị đề ra năm 2025, tạo tiền đề bứt phá, tăng tốc phát triển cho giai đoạn 2026-2030, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc bằng những hành động thiết thực: Kiên định xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển kinh tế số, xã hội số; chăm lo an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế.

Trong hành trình đổi mới và hội nhập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bắc Giang tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Trần Tuấn Nam

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-phat-huy-truyen-thong-doan-ket-quan-dan-tu-tam-ao-chien-si-me-va-nam-xua--postid417188.bbg
Zalo