Rà soát, nâng cao hiệu quả của Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp, xây dựng Báo cáo tổng kết 5 năm xây dựng và triển khai Đề án 'Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại'.

Bộ Công Thương đang xây dựng Báo cáo tổng kết 5 năm xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.

Bộ Công Thương đang xây dựng Báo cáo tổng kết 5 năm xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.

Ngày 01 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” (gọi là Đề án 316).

Đề án nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm đề theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Ngoài ra, Đề án còn nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nắm tình hình, thường xuyên cập nhật những điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam; phân tích, dự báo, sớm phát hiện những chính sách cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam; học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện Hệ thống cảnh báo sớm; xây dựng mạng lưới các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại để bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước; xây dựng chiến lược, sách lược và thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại…

Triển khai Đề án trên, thời gian qua Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, hiệp hội ngành hàng đã thực hiện 02 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; (2) Xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo sớm.

Theo đó, trong công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã rà soát Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan về phòng vệ thương mại để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực điều tra, cảnh báo sớm và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước; tham mưu ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin cảnh báo, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại và các rào cản thương mại có tính chất tương đương nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam một cách kịp thời; Xây dựng danh sách đầu mối thông tin tại các bộ, ngành, hiệp hội về cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; Xây dựng, kí kết và triển khai thực hiện Biên bản hợp tác về trao đổi thông tin, số liệu thống kê xuất nhập khẩu trong lĩnh vực phòng vệ thương mại giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); Đánh giá kết quả 10 năm vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường; Triển khai các hoạt động để vận động công nhận quy chế kinh tế thị trường với các đối tác thương mại lớn trong bối cảnh mới.

Trong công tác xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo sớm, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy chủ, đường truyền để phục vụ công tác phân tích và cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, nghiên cứu kết hợp cơ sở hạ tầng của Trung tâm báo cáo và phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ; Xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu thống kê về xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn theo từng giai đoạn; cơ sở dữ liệu về hệ thống pháp luật trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực phòng vệ thương mại; cơ sở dữ liệu về các vụ việc phòng vệ thương mại có liên quan đến Việt Nam; Tổ chức các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, phổ biến về Hệ thống cảnh báo sớm và kiến thức về phòng vệ thương mại cho các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho các chuyên gia pháp lý, các trường đại học, viện nghiên cứu và các luật sư trong nước; Tổ chức các hoạt động hợp tác với các cơ quan phòng vệ thương mại nước ngoài và các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại.

Thực hiện Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”, thời gian qua Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Thực hiện Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”, thời gian qua Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, đánh giá việc triển khai Đề án, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan và đề xuất, kiến nghị, Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, hiệp hội ngành hàng thông tin về kết quả thực hiện Đề án, đồng thời đóng góp ý kiến cho Kế hoạch triển khai Đề án trong giai đoạn 2025 - 2030.

Hoàng Phương

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ra-soat--nang-cao-hieu-qua-cua-he-thong-canh-bao-som-ve-phong-ve-thuong-mai-131731.htm
Zalo