Vượt khó vươn lên để tỏa sáng

Khuyết tật đôi chân, nhưng anh Lê Văn Trung (31 tuổi, ngụ tại phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) đã biến những khó khăn thành động lực để vươn lên tỏa sáng. Năm 2024, anh Lê Văn Trung đại diện cho tỉnh Lâm Đồng là 1 trong 38 thanh niên trong cả nước vinh dự được tuyên dương tại Chương trình 'Tỏa sáng nghị lực Việt'.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái và các đại biểu đến thăm gian hàng trưng bày sản phẩm đông trùng hạ thảo tại Phiên chợ nông sản của anh Lê Văn Trung

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái và các đại biểu đến thăm gian hàng trưng bày sản phẩm đông trùng hạ thảo tại Phiên chợ nông sản của anh Lê Văn Trung

QUYẾT KHÔNG ĐẦU HÀNG SỐ PHẬN

Cũng như bao đứa trẻ khác, anh Trung vốn được sinh ra với một cơ thể khỏe mạnh, lành lặn trong một gia đình thuần nông tại tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng năm lên 1 tuổi, sau một lần bị sốt cao bất ngờ đến hôn mê đã làm thay đổi cuộc đời chàng trai này. Anh Lê Văn Trung, chia sẻ: “Lúc đó, tôi mới 1 tuổi nên không nhớ rõ biến cố đến với bản thân. Chỉ nghe cha mẹ kể lại, tối hôm đó tôi bị sốt cao, co giật dẫn đến hôn mê. Sau khi được đưa vào bệnh viện, may mắn tôi được cứu sống, nhưng đôi chân cứ teo dần. Vì thương con, cha mẹ đã đưa tôi đi chạy chữa hết Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nhưng đều bất lực. Cũng từ đây, tôi lớn lên với đôi chân khuyết tật”.

Sau bao nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, những kết quả bước đầu trong nuôi trồng đông trùng hạ thảo mang lại ngoài cả sự mong đợi của chàng trai khuyết tật đôi chân.

Dần lớn lên, anh Trung được cha mình “chế” cho đôi nạng nhỏ bằng gỗ, nhưng việc đi lại của bản thân chỉ dừng lại với những bước di chuyển tập tễnh cùng sự hỗ trợ của người khác. Năm lên 6 tuổi, anh Trung được bố mẹ đưa vào TP Bảo Lộc lập nghiệp, sinh sống. Một năm sau khi vào Bảo Lộc, anh Trung được đến trường năm lên 7 tuổi trên chính đôi vai của cha mẹ và đôi nạng gỗ thay cho đôi chân. Buổi đầu đến trường, nhìn bạn bè tung tăng chạy nhảy, cậu học trò khuyết tật trào dâng niềm khao khát được tự mình bước đi. Nắm lấy hy vọng mong manh, anh Trung quyết tâm tập đi một mình cùng đôi nạng gỗ. Nhờ sự kiên trì và nghị lực của bản thân, sự động viên của người thân, bạn bè, thầy cô, một thời gian sau, anh Trung đã tự bước đi với sự đồng hành của đôi nạng gỗ.

Anh Lê Văn Trung

Anh Lê Văn Trung

Trải qua năm tháng, chiếc nạng gỗ cũng lớn dần theo sự phát triển, trưởng thành của chàng trai giàu nghị lực, quyết không từ bỏ số phận. Không đầu hàng trước khiếm khuyết của bản thân, cậu học trò Lê Văn Trung vùi đầu vào việc học, với ước mơ sự học sẽ làm thay đổi cuộc đời mình. Chính từ sự chăm chỉ và nghị lực của bản thân, anh Trung luôn đạt kết quả cao trong học tập, được bạn bè, thầy cô yêu thương, giúp đỡ.

Tốt nghiệp cấp 3, anh Trung thi đậu vào Trường Trung cấp Dược tại TP Hồ Chí Minh và tiếp tục chặng đường đèn sách. “Tôi nghĩ rằng, bản thân khuyết tật, nên chỉ có con đường học tập mới làm thay đổi được số phận. Vì vậy, nên tôi quyết tâm học ngành dược với mong muốn sau này mở tiệm bán thuốc tây lâu dài cho tương lai”, anh Trung chia sẻ.

Anh Lê Văn Trung tham dự Đại hội đại biểu Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam lần thứ I, nhiệm kỳ 2024-2029

Anh Lê Văn Trung tham dự Đại hội đại biểu Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam lần thứ I, nhiệm kỳ 2024-2029

TỎA SÁNG NGHỊ LỰC VIỆT

Sau khi tốt nghiệp và có được tấm bằng Trung cấp Dược, anh Trung trở lại Bảo Lộc tham gia sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật thành phố và xin vào làm việc tại một tiệm bán thuốc tây trên địa bàn. Sau đó, anh Trung tiếp tục thử sức tại một công ty nuôi trồng đông trùng hạ thảo.

Khi việc làm đang ổn định và có được thu nhập tốt thì dịch COVID-19 bùng phát, khiến công việc tại công ty gặp nhiều khó khăn. Phần lớn thời gian, anh Trung nghỉ ở nhà phòng, chống dịch. Những lúc rảnh rỗi, anh lên mạng tìm kiếm thêm các thông tin liên quan đến nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Từ thực tế công việc và những thông tin, kiến thức có được, anh Trung đã có ý định thử sức với mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo cho riêng mình. Chia sẻ ý định của mình, anh Trung được người thân, bạn bè ủng hộ và giúp đỡ.

Anh Lê Văn Trung tâm sự: “Từ ý định của bản thân, sau khi dịch COVID-19 được khống chế hoàn toàn, tôi đã lập gia đình và bắt đầu hành trình tìm đến các mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo để học hỏi thêm kinh nghiệm. Thấu hiểu được mong muốn của tôi, người thân, bạn bè đã thay nhau hỗ trợ, cùng tôi đến các mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại nhiều địa phương. Sau nhiều tháng cố gắng, đã giúp tôi “lượm nhặt” thêm cái hay từ các mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Đầu năm 2022, tôi đã đầu tư xây dựng mô hình này với quy mô 200 m2”.

Từ những thành công ban đầu, anh Trung tiếp tục đầu tư các trang thiết bị, máy móc để sản xuất đông trùng hạ thảo theo quy trình khép kín từ trồng, chăm sóc, đến phơi sấy và chiết xuất ra các sản phẩm tinh. Cứ thế, công việc nuôi trồng, sản xuất đông trùng hạ thảo của chàng trai khuyết tật đạt được những thành công nhất định. Sản phẩm làm ra được khách hàng tin tưởng lựa chọn, càng tiếp thêm động lực để anh Trung tiếp tục phát triển mô hình và thành lập Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Toàn Thọ tại đường Hoài Thanh (Tổ dân phố 5, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc). Hiện tại, phần lớn các khâu sản xuất đông trùng hạ thảo của anh Trung được tự động hóa ứng dụng công nghệ cao. Máy móc tự động hóa trong quá trình hấp tiệt trùng, nuôi cấy giống lỏng, quản lý về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, sấy và chiết xuất các sản phẩm tinh từ đông trùng hạ thảo. Công việc sản xuất đông trùng hạ thảo đã mang lại cho anh Trung và gia đình có được nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá vươn lên.

Anh Lê Văn Trung tham gia thi đấu và giành huy chương tại Đại hội Thể dục Thể thao Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng

Anh Lê Văn Trung tham gia thi đấu và giành huy chương tại Đại hội Thể dục Thể thao Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng

Không chỉ nỗ lực trong công việc phát triển kinh tế gia đình, anh Trung còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc với nhiều việc làm ý nghĩa.

Bà Vũ Thị Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc, cho hay: “Với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Kiểm tra Hội, anh Trung đã có nhiều đóng góp cho công tác Hội ngày càng phát triển. Hiện nay, anh Trung đang là đại diện tại Lâm Đồng của Quỹ học bổng Thiên Nga thuộc Nhóm thiện nguyện Đi qua Mùa rẫy. Từ Quỹ học bổng này đã giúp đỡ được nhiều em học sinh khuyết tật trên địa bàn TP Bảo Lộc. Với nghị lực vượt lên số phận của bản thân, anh Trung đã chứng minh rằng, ở mỗi người khuyết tật là những cá nhân đầy tiềm năng, với khát vọng cống hiến, đổi mới góp phần làm cho cuộc sống ý nghĩa, tươi đẹp hơn”.

Với tất cả những điều đã làm được cho bản thân, gia đình và cả những người cùng hoàn cảnh, vào đầu tháng 10 vừa qua, anh Lê Văn Trung vinh dự là 1 trong 38 thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong cả nước được tuyên dương tại Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Công ty TCP Việt Nam phối hợp tổ chức.

Nói về dự định của bản thân, anh Trung chia sẻ: “Hiện tại, sản phẩm của Công ty Toàn Thọ đang tiêu thụ ổn định qua các kênh như bán lẻ và cộng tác viên bán hàng. Tôi mong muốn được tiếp cận thêm các nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho người khuyết tật để đầu tư thêm một số máy móc tự động. Qua đó, có thể tạo ra thêm các sản phẩm đa dạng hơn như: Trà đông trùng túi lọc, cao đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo uống liền, cháo ăn liền đông trùng hạ thảo... với giá cả tốt nhất đến tay người tiêu dùng; đồng thời, có thêm điều kiện để giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho các hội viên khuyết tật hoàn cảnh khó khăn có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống”.

KHÁNH PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/ban-tre/202412/vuot-kho-vuon-len-de-toa-sang-f622075/
Zalo