11 tháng, Việt Nam xuất siêu 3,474 tỷ USD sang thị trường Philippine
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Philippine trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 5,758 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023, và kim ngạch nhập khẩu từ Philippine về Việt Nam đạt 2,284 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023...
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippine đến hết tháng 11 năm 2024 đã chính thức vượt mức 8 tỷ USD (8,042 tỷ USD).
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Philippine trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 5,758 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023, và kim ngạch nhập khẩu từ Philippine về Việt Nam đạt 2,284 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, nếu so sánh với kết quả xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippine của 2 năm trước (năm 2022, Việt Nam xuất siêu 2,4 tỷ USD; năm 2023 Việt Nam xuất siêu 2,5 tỷ USD) thì chỉ trong vòng 11 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất siêu 3,474 tỷ USD sang thị trường Philippine.
"Đây là sự tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh Việt Nam đang tìm những hướng đi mới cho xuất khẩu hàng hóa, giúp giảm khó khăn và áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước", Thương vụ Việt Nam tại Philippine nhấn mạnh.
Đóng góp vào sự tăng trưởng ấn tượng của kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Philippine trong 11 tháng đầu năm 2024, đầu tiên phải kể đến là mặt hàng gạo với kim ngạch xuất khẩu sau 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Một số mặt hàng khác có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Philippine, bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt gần 360 triệu USD; clanke và xi măng đạt gần 300 triệu USD; cà phê đạt trên 250 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 206 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt trên 182 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 176 triệu USD; hàng dệt may đạt trên 123 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 50 triệu USD đến dưới 100 triệu USD bao gồm: thủy sản đạt trên 98 triệu USD; giầy dép các loại đạt trên 97 triệu USD; sắt thép các loại đạt trên 93 triệu USD; hóa chất đạt gần 74 triệu USD; sản phẩm từ sắt thép đạt gần 64 triệu USD; sản phẩm từ chất dẻo đạt trên 62 triệu USD; xơ, sợi diệt các loại đạt trên 75 triệu USD; dây điện và dây cáp điện đạt gần 60 triệu USD.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sau 11 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước bao gồm cà phê tăng 86%; hạt tiêu tăng 40,1%; chất dẻo nguyên liệu tăng 63,87%; phân bón các loại tăng 73%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 64,8%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 40,8%; sản phẩm từ sắt thép tăng 84,3%.
Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn từ thị trường Philippine sau 11 tháng đầu năm 2024 bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trên 1,43 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt gần 254 triệu USD; kim loại thường đạt trên 148 triệu USD; dây điện và dây cáp điện đạt gần 87 triệu USD và hàng thủy sản đạt trên 35 triệu USD.
Có thể nói, sau nhiều năm thương mại giữa Việt Nam và Philippine với kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ ở mức khiêm tốn dưới 8 tỷ USD và chưa có những đột phá do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là các doanh nghiệp hai phía chưa thực sự thấy được tiềm năng thị trường hai bên, trừ đối với mặt hàng gạo.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, nhận thấy Philippine là thị trường có nhiều tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương, sự chỉ đạo, hỗ trợ và phối hợp tốt từ các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, hiệp hội, Thương vụ Việt Nam tại Philippine đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và các sản phẩm/hàng hóa của Việt Nam tới các bạn hàng, đối tác, người tiêu dùng Philippine.
Thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đã từng bước giúp cộng đồng doanh nghiệp hai phía vượt qua những “định kiến” mang tính ý thức hệ, từ đó cởi trói, khơi thông và là tiền đề cho các kế hoạch đầu tư, thương mại lớn hơn của doanh nghiệp hai nước.
Không chỉ các doanh nghiệp Philiippines, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã mạnh dạn khám phá tiềm năng, thâm nhập và đầu tư vào thị trường hai bên. Đặc biệt, Tập đoàn Vingroup đã quyết định lấy Philippine làm thị trường trọng tâm trong Asean bằng việc khai mở thị trường xe điện và dịch vụ taxi tại Philippine, dù trước đây không có ý tưởng và chưa có kế hoạch khai phá thị trường Philippine.
Ngoài ra, việc mở lại đường bay thẳng từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh đi Manila, Philippine của Vietnam Airline với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Philippine cũng sẽ góp phần làm thuận lợi hơn cho các thương nhân và doanh nghiệp hai phía.
"Kết quả tích cực này cùng với các hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên không ngừng tăng cao trong tháng cuối cùng của năm cho thấy dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippine trong năm 2024 đạt khoảng 8,5 tỷ USD, trong đó xuất siêu trên 3 tỷ USD là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực", Thương vụ Việt Nam tạiPhilippine khẳng định.