Rà soát, hoàn thiện báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo

Chiều 12.1, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã họp rà soát, hoàn thiện báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì phiên họp.

Dự án Luật Nhà giáo được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám. Sau đó, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo; tổ chức 3 vòng rà soát và nhiều cuộc họp tham vấn ý kiến chuyên gia, để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo.

Đồng thời với việc tham gia các phiên họp rà soát, cơ quan soạn thảo cũng tổ chức rà soát, tham vấn ý kiến các bộ, cơ quan liên quan để hoàn thiện các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo và bổ sung các nội dung đánh giá tác động chính sách theo yêu cầu.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp

Căn cứ hồ sơ dự án Luật Nhà giáo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám và kết quả các phiên họp rà soát, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo.

Trong đó, dự kiến có 3 Nghị định hướng dẫn, bao gồm: Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo; Nghị định hướng dẫn về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo; Nghị định hướng dẫn việc áp dụng Luật Nhà giáo đối với nhà giáo trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảm ơn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã bám sát, đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay từ khi khởi thảo dự án Luật Nhà giáo

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảm ơn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã bám sát, đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay từ khi khởi thảo dự án Luật Nhà giáo

Bên cạnh đó là khoảng 15 Thông tư hướng dẫn, dự kiến bao gồm 3 nhóm: Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy tắc ứng xử của nhà giáo; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc của nhà giáo các cấp học, trình độ đào tạo; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo các cấp học, trình độ đào tạo.

Căn cứ kết quả làm việc qua các phiên và rà soát, thống nhất bước đầu giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất chỉnh lý gồm 9 Chương, 47 điều (giảm 3 điều so với dự thảo 5 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám). Đồng thời, tại chương VI về đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo, đề xuất không tách mục, quy định trực tiếp các Điều (bỏ tên mục).

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng chính sách điều động nhà giáo là một chính sách lớn nhằm góp phần giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng chính sách điều động nhà giáo là một chính sách lớn nhằm góp phần giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ

Tại phiên họp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (cơ quan thẩm tra) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (cơ quan soạn thảo) tiếp tục rà soát, thống nhất về một số nội dung liên quan đến các chính sách đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó thống nhất giao thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo cho ngành giáo dục, song cần tiếp tục nghiên cứu về phân cấp, ủy quyền để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.

Về quyền của nhà giáo, trên cơ sở rà soát, cập nhật Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đề nghị nghiên cứu quy định áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục đại học được thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục thành lập từ kết quả nghiên cứu khoa học.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng làm rõ các vấn đề liên quan đến quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng làm rõ các vấn đề liên quan đến quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo

Về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đề xuất giao trách nhiệm cụ thể Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo các cấp học và trình độ đào tạo. Căn cứ chuẩn nghề nghiệp nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết chuẩn nghề nghiệp nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, một trong hai phương án được đề xuất là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên…

 Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Khẳng định lại, dự án Luật Nhà giáo là dự án luật khó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị sau phiên họp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo cùng các hồ sơ kèm theo phục vụ phiên họp tháng 2.2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tin: Nhật Linh; Ảnh: Trần Hiệp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ra-soat-hoan-thien-bao-cao-tiep-thu-chinh-ly-du-thao-luat-nha-giao-post401825.html
Zalo